“Con Rồng cháu Tiên” chứa đựng những giá trị cội nguồn

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
“Con Rồng Cháu Tiên” không đơn thuần là truyền thuyết
- Chào bác, bác có thể cho biết câu chuyện “Con Rồng cháu Tiên” có ý nghĩa như thế nào trong việc giải thích cội nguồn dân tộc Việt?

Nhà sử học Dương Trung Quốc

- Mọi quốc gia đều có nhu cầu thấu hiểu về nguồn gốc của mình. Đây là nhân tố cần thiết để gắn kết đồng loại. “Con Rồng cháu Tiên” là chủ đề được các nhà nghiên cứu quan tâm, vì lý giải chúng ta là ai, cái gốc rễ sâu xa của chúng ta là gì. Bắt nguồn là một truyền thuyết “nằm trong dân”, câu chuyện đã thực sự đi vào bộ “Đại Việt Sử Kí Toàn Thư”.

Vào thế kỉ XV, sau khi vừa kết thúc 20 năm đô hộ giặc Minh với chính sách đồng hóa, ghi nhận lại câu chuyện lý giải nguồn gốc, dân ta muốn chứng minh dân tộc ta có cội nguồn, có nền tảng văn minh, chứ không phải là một bộ phận của quốc gia nào khác.
- Điều này có nghĩa “Con Rồng cháu Tiên” vẫn luôn tồn tại giá trị lịch sử, chứ không chỉ đơn thuần là một truyền thuyết, thần thoại.

- Vậy ngay từ khi còn nhỏ, nếu có niềm tin vào dòng dõi Tiên Rồng, mỗi chúng ta sẽ nhận được những gì?

- Việc tồn tại chung một niềm tin chúng ta dù già trẻ lớn bé đều là “Con Rồng cháu Tiên”, chung một cội nguồn, các giá trị cốt lõi của dân tộc sẽ được trân quý một cách bền vững. Đó là lòng tự hào về dân tộc Việt duy nhất, hậu duệ của dòng dõi Lạc Rồng.

Là lòng tri ân, biết ơn những người đã tạo nên hình hài đất nước. Là tình yêu thương, sự gắn kết với những người “đồng bào”, cùng sinh ra từ bọc trăm trứng Rồng Tiên. Là ý thức về đất nước mình vừa có rừng, có biển - những tài nguyên, không gian sống mà con người phấn đấu, bảo vệ.

Nghệ thuật hoá những câu chuyện truyền thuyết

- “Con Rồng cháu Tiên” có ý nghĩa như thế, nhưng dường như người Việt ta đều có một xúc cảm rất mơ hồ với câu chuyện này. Vì sao lại có sự thờ ơ như vậy và vấn đề thực sự ở đâu, thưa bác?

- Theo tôi, chúng ta không nên trách họ. Mà nên trách chúng ta, những người có trách nhiệm phải làm mọi người cùng chung suy nghĩ. Trong bối cảnh nhiều thay đổi, việc lựa chọn của các thế hệ trẻ chỉ nên xem là sản phẩm của thời đại. Nhưng tôi tin lúc nào đó các bạn sẽ nhận ra giá trị cội nguồn.

Để các bạn ấy nhận ra mỗi người chúng ta cần nỗ lực quảng bá, thuyết phục nhiều hơn. “Con Rồng cháu Tiên” chỉ là một truyền thuyết đơn sơ, nếu muốn trở thành công trình nghệ thuật giá trị thì cần có cách tiếp cận khác. Việc chưa được khai thác nhiều, chưa nhiều người quan tâm, chưa đủ năng lực sáng tạo là vấn đề của chúng ta.

Cho nên cần cố gắng hơn nữa để nghệ thuật hóa những câu chuyện truyền thuyết, những giá trị tinh thần mà “Con Rồng cháu Tiên” chỉ là khúc khởi đầu, hết sức quan trọng.

- Lời cuối cùng, nếu các bạn trẻ được truyền cảm hứng từ bài viết này, thực sự tái hiện lại câu chuyện “Con Rồng cháu Tiên” sáng tạo, thú vị hơn. Để viết tiếp giấc mơ người dân Việt thêm yêu cội nguồn Việt. Bác có điều gì gửi gắm?

- Tôi nghĩ nếu các bạn có ý tưởng, có một khát vọng rất gần với những người lớn như chúng tôi - cố gắng truyền tải những giá trị truyền thống, cụ thể hơn là truyền tải câu chuyện “Con Rồng cháu Tiên” bằng ngôn ngữ khác như điện ảnh, hoạt hình. Đó là điều đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, tôi mong các bạn lồng ghép những yếu tố truyền thuyết, lịch sử nhưng hãy đưa vào đấy những suy nghĩ sáng tạo của người trẻ, để làm sao người xưa nói, mà người nay nghe vẫn hiểu. Tôi tin rằng khi ấy, không chỉ trẻ con, mà người lớn như chúng tôi cũng rất mong muốn được tiếp cận những tác phẩm do các bạn làm ra.

- Xin cảm ơn bác!
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top