Còn bắt giáo viên sử dụng sổ dự giờ, sổ hội họp… là tư tưởng lạc hậu, quan liêu

Duy Ly

Lang thang mạng
#1
Hiện nay, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ Trường trung học đã quy định không còn hai loại sổ là sở dự giờ và sổ hội họp.
Bài viết bàn về việc giảm tải các áp lực hồ sơ, sổ sách giáo viên trong các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiến tới sử dụng sổ điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện hồ sơ sổ sách giáo viên.
Hiện nay, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT Điều lệ Trường trung học đã quy định không còn hai loại sổ là sở dự giờ và sổ hội họp.
Đây là chủ trương rất đúng đắn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong tình hình hiện nay.
Trong phạm vi bài viết tác giả sẽ phân tích nguyên nhân tại sao việc bỏ hai loại hồ sơ là hợp lý và được giáo viên đồng tình, hoan nghênh.
Cái loại sổ của giáo viên tiểu học
Theo Điều lệ Trường tiểu học (kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT), (có hiệu lực từ ngày 20/10/2020), hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục đối với giáo viên tiểu học bao gồm các loại sau:
Kế hoạch bài dạy;
Sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ (đối với bậc tiểu học còn sử dụng sổ dự giờ, sổ hội họp);
Sổ theo dõi đánh giá kết quả học tập của học sinh;
Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên chủ nhiệm);
Sổ công tác Đội (đối với Tổng phụ trách Đội).
Cũng theo Điều lệ mới, cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học được sử dụng hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy đảm bảo yêu cầu của công tác lưu trữ và có giá trị như hồ sơ giấy.

Hiện nay, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ Trường trung học đã quy định không còn hai loại sổ là sở dự giờ và sổ hội họp. (Ảnh minh họa: Thuvienphapluat.vn)

Các loại sổ sách của giáo viên Trung học cơ sở, Trung học phổ thông
Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT Điều lệ Trường trung học (có hiệu lực từ ngày 01/11/2020), hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục đối với giáo viên Trung học cơ sở, Trung học phổ thông bao gồm:
Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học);
Kế hoạch bài dạy (giáo án);
Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (hiện nay là sổ điểm cá nhân);
Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).
Bên cạnh đó, hồ sơ nêu trên dạng hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử.
Việc dự giờ vẫn rất cần thiết
Hiện nay việc dự giờ tại các cơ sở vẫn vô cùng cần thiết và nó là việc quan trọng để nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên và việc học của học sinh.
Giáo viên mới ra trường, hoặc cần trau dồi thêm nhiều phương pháp thì việc dự giờ chính là cách nâng cao tay nghề tốt nhất.
Việc giáo viên dự giờ của đồng nghiệp có 2 mục đích chính đó là tự mình rút kinh nghiệm những điều hay, thú vị, tốt của đồng nghiệp để học hỏi, rút kinh nghiệm cho bản thân mình để việc giảng dạy tốt hơn và mục đích thứ hai là góp ý những hạn chế thiếu sót của đồng nghiệp để cùng phát triển.
Từ những mục đích trên, việc dự giờ là việc làm hết sức cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục, giảng dạy và nâng cao tay nghề. Nhưng một số cơ sở giáo dục vận dụng sai ý nghĩa, mục đích của việc dự giờ làm cho việc dự giờ là hình thức, nặng nề không đáng có.
Vẫn dự giờ nhưng không còn sổ dự giờ, sổ hội họp
Tại Thông tư Điều lệ trường Trung học trên đã không còn khái niệm sổ dự giờ, sổ hội họp của giáo viên. Đây là chủ trương đúng đắn được giáo viên ủng hộ, hoan nghênh.
Lý do vì sao dự giờ vẫn rất cần thiết tuy nhiên lại bỏ sổ dự giờ?
Nguyên nhân quan trọng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy bất cập của việc ghi sổ dự giờ hiện nay là giáo viên dự giờ ghi đầy đủ tiến trình giảng dạy của giáo viên dạy trên lớp, ghi nhận các bước,… xong rồi bỏ đi không ai xem và cũng không có tác dụng gì.
Như đã nói ở trên việc dự giờ có 2 mục đích chính là rút kinh nghiệm cho mình và góp ý cho đồng nghiệp.
Thay vì người dự giờ ngồi ghi chép tất cả các bước, quy trình của người dạy, người dự chỉ cần tập trung vào quan sát các bước lên lớp của giáo viên, việc sử dụng phương tiện dạy học và việc tiếp thu của học sinh, việc ghi chép cần dùng 1 quyển sổ nhỏ ghi điều hay, phương pháp hay,… cần học hỏi và ghi những điều cần góp ý cho người dạy cải thiện trong những tiết tiếp theo.
Dự giờ như vậy mới mang lại hiệu quả, ghi chép những điều không cần thiết làm tốn thời gian, vô bổ.
Nên việc bỏ sổ dự giờ là cần thiết, giảm áp lực ghi chép, đối phó của giáo viên.
Hiện nay, cũng không có bất kỳ văn bản nào quy định mỗi giáo viên phải dự giờ bao nhiêu tiết và được dự bao nhiêu tiết, việc này do quy định của mỗi trường và các trường cũng không nên quy định cứng nhắc việc dự giờ.
Việc dự giờ gồm cả dự giờ chuyên môn, dự giờ tiết sinh hoạt chủ nhiệm, ngoài giờ lên lớp,… giáo viên trẻ mới ra trường, giáo viên còn hạn chế năng lực thì được dự và đi dự nhiều hơn giáo viên khác.
Bên cạnh đó cũng nên thay cách dự giờ qua camera, dự giờ các tiết dạy trên tivi, internet,…để nâng cao chuyên môn tay nghề là hết sức cần thiết. Các tổ trưởng chuyên môn tay nghề vững vàng không cần được dự giờ, có thể chỉ đi dự góp ý cho đồng nghiệp.
Bên cạnh đó việc bỏ sổ hội họp cũng là rất hợp lý, giảm tải cho giáo viên. Hiện nay Chính phủ và các cơ quan ban ngành đã tiến tới các cuộc họp không dùng giấy tờ.

Bản chất của cuộc họp để trao đổi, góp ý, thống nhất các vấn đề quan trong và cùng thực hiện, không cần phải ghi chép. Việc nhắc lại thời gian thực hiện vấn đề thì hiệu trưởng và các bộ phận có thể trao đổi qua văn phòng điện tử, Zalo, Facebook,…
Quan trọng nhất là thực hiện tốt nhiệm vụ chứ không phải ghi chép đầy đủ mà thực hiện nhiệm vụ hạn chế, không cần ghi chép nhưng vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ là điều quan trọng mà các cơ sở giáo dục đang hướng đến. Và giảm các loại hồ sơ sổ sách, ghi chép không cần thiết.
Một số cán bộ Phòng/ Sở khi kiểm tra hồ sơ thì đòi hỏi sổ dự giờ, sổ hội họp và yêu cầu phải ghi cụ thể, chi tiết là tư tưởng lạc hậu, cũ kỹ, quan liêu khi biết nó đã không còn phù hợp và được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho giảm tải.
Chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về giảm tải hồ sơ sổ sách là đúng đắn, hợp lý, hợp thời và đúng tinh thần giảm tải, giảm áp lực để giáo viên tập trung nghiên cứu, giảng dạy và giáo dục cho phù hợp.
Việc quy định một số loại sổ sách không cần thết cho giáo viên là hành vi không phù hợp, tốn thời gian, công sức giáo viên làm cho giáo viên tốn thời gian không cần thiết. Thời gian thực hiện hồ sơ để giáo viên tập trung vào giảng dạy nâng cao chất lượng thực chất, hiệu quả.
Hiện nay việc bỏ sổ dự giờ, hội họp chỉ ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông. Cũng mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu giảm và bỏ sổ dự giờ, hội họp cho cả cấp tiểu học.
Và cũng mong Bộ chỉ đạo quyết liệt đừng để “phép vua thua lệ làng”, các Sở Giáo dục, trường nào “đẻ” thêm hồ sơ gây áp lực lên giáo viên phải bị xử lý.
Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện quy trình, cách thức để tiến tới sử dụng hồ sơ điện tử thay thế các hồ sơ giấy hiện nay. Có thể sử dụng kế hoạch bài dạy (giáo án) điện tử thay thế cho giáo án giấy, viết tay hiện nay một cách hợp lý.
(Nguồn: giaoduc.net.vn)
 

Bình luận bằng Facebook

Top