Cô giáo tạo “màu sắc” khác biệt mỗi lần gặp phụ huynh

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
“Tôi bật tivi kết nối với máy tính và nói với các phụ huynh: Có rất nhiều slide. Mỗi slide gồm 10 điều về sở thích, điểm mạnh, điểm yếu, món ăn ưa thích của một HS. Các bác hãy đọc những điều được chiếu trên màn hình và đoán xem đó có phải con mình?”.

Điều thú vị là chỉ qua các gợi ý mô tả về mỗi HS hiện trên màn hình, có phụ huynh bật dậy nhận ra: “Đó là con tôi”. Cô Bình vui vẻ xác nhận phụ huynh đã đúng. Rồi cô chiếu hai hình ảnh về HS vừa được phụ huynh “nhân diện” trên màn hình. Những hình ảnh “đặc biệt” hiện ra: Một là ảnh thời thơ bé. Một là bức ảnh con chụp cùng gia đình. Phụ huynh vừa xúc động, vừa bất ngờ vì không biết cô giáo đã dày công sưu tầm những hình ảnh quý giá đó.

Tuy nhiên, có một số phụ huynh không nhận ra con mình qua những gợi ý của cô giáo, lại có phụ huynh nhận ra cả bạn của con mình. Cô Bình hỏi: “Làm cách nào bác lại hiểu con và bạn con như vậy?”. Khi nghe phụ huynh chia sẻ, cô Bình liền chúc mừng và khen: “Bác là người mẹ tuyệt vời. Bác không những hiểu con mà còn luôn luôn lắng nghe những câu chuyện của con ở lớp”.

Buổi họp phụ huynh cô Bình tổ chức không hề căng thẳng, ngược lại đã mang không khí vui vẻ, thoải mái cho phụ huynh. Nhưng để có một buổi họp phụ huynh như vậy, cô Bình đã dành nhiều đêm suy nghĩ, làm sao để những thông điệp quan tâm đến HS được truyền tải đến phụ huynh thông qua trò chơi tương tác như thế.


Cô giáo Hoàng Thu Bình. Ảnh: NVCC

Qua dẫn dắt của cô giáo, chính phụ huynh cũng phải tự ngẫm, tự biết cần làm gì, phải thay đổi ra sao để hiểu và đồng hành cùng con.

Cô Bình rút ra kinh nghiệm: “Cách chia sẻ, kết nối với con của những ông bố, bà mẹ này là bài học quý giá cho phụ huynh khác và hiệu quả hơn bất kỳ thông điệp, lời nói giáo điều nào từ giáo viên - những người thậm chí không có nhiều trải đời bằng họ”.

Lại có buổi họp phụ huynh khác, cô Bình mời tất cả HS trong lớp đến dự cùng phụ huynh. Sau phần sơ kết hoạt động chung của lớp do bí thư, lớp trưởng trình bày, 100% HS được thuyết trình trước cha mẹ về những gì đã làm và những điều cần cố gắng. Qua chính những lời nói của HS, phụ huynh có thể nhận thấy con mình có thay đổi như thế nào sau một học kỳ.

Cô Bình còn gửi tới mỗi phụ huynh một lá thư cảm ơn, hoặc xin lỗi của chính học trò. Trong khi HS không hề biết những lá thư đó được gửi tới cha mẹ, bởi đó là bài kiểm tra nhỏ trong một tiết học. Nhiều phụ huynh đã bất ngờ.

Mỗi buổi họp phụ huynh qua sự tổ chức của cô Bình đều mang “màu sắc” khác nhau, với những cách tiếp cận sinh động, giúp phụ huynh hiểu con mình hơn.

Tưởng chừng cô Bình “phá vỡ” hình thức họp phụ huynh truyền thống, nhưng thực tế cô chủ nhiệm này vẫn giữ một số nguyên tắc nhất định. Chẳng hạn, cô không chê bai HS trước mặt phụ huynh, bởi cô cho rằng làm như vậy sẽ phản GD. Cô cũng không bao giờ photo bảng điểm chung của cả lớp, chỉ in điểm từng HS cho phụ huynh. Cô muốn phụ huynh tập trung vào sự tiến bộ của con so với chính con ngày trước, thay vì so sánh với những bạn khác.

“Cách kết nối phụ huynh, tạo ra những buổi họp thú vị được tôi học hỏi và kế thừa từ những chia sẻ của GV khác” - cô Bình khiêm tốn bày tỏ - “Họ giúp tôi tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, trở nên tốt hơn, yêu và muốn gắn bó với nghề hơn”.

Cô Hoàng Thu Bình đã được Trường THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm vinh danh là nhà giáo tài năng, được trao huy hiệu vàng dành cho GV chủ nhiệm giỏi, bởi những đổi mới sáng tạo trong hoạt động GD.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top