Ước mơ trở thành cô giáo
“Có lẽ thật khó để xác định được chính xác điều gì khiến mình quyết tâm trở thành cô giáo. Ngày còn nhỏ, mình hay theo mẹ đến trường những dịp đặc biệt. Hình ảnh mẹ cầm phấn viết bảng đã in sâu vào tâm trí mình suốt những năm tháng tuổi thơ. Đến khi được trở thành học trò dưới mái trường mà mẹ đang giảng dạy, hình ảnh người thầy càng trở nên rõ nét hơn.
Các thầy cô không chỉ làm tròn vai người giáo viên trên bục giảng, mà còn trở thành người thầy trên đường đời, khiến cho chúng mình hiểu được giá trị của một lời chào, biết cách nói lời cảm ơn và cách đối mặt với những khó khăn, thử thách... Để rồi giờ đây mình luôn cố gắng noi theo thế hệ các thầy cô, để tiếp tục sự nghiệp đứng trên bục giảng” – Cô giáo trẻ Phan Hồng Anh tâm sự về tình yêu với nghề dạy học của mình.
Cuối năm lớp 12, khi nhận bộ hồ sơ đăng ký thi đại học, Phan Hồng Anh đã đăng ký nguyện vọng 1 là Trường Đại học Sư phạm. Quyết định đó đến với Hồng Anh rất tự nhiên, không cần phải đắn đo, suy nghĩ. Cũng từ đó, người đồng hành, luôn hướng dẫn và giúp đỡ cô giáo trẻ vượt qua những khó khăn trong học tập và trong cuộc sống chính là người mẹ vô cùng thân thiết.
Câu nói của mẹ mà cô giáo Phan Hồng Anh luôn ghi khắc trong lòng đó là: Dù gặp tình huống nào đi chăng nữa, con luôn phải ý thức giữ gìn bản thân, phải chuẩn mực, gương mẫu, là tấm gương cho học sinh noi theo. Chính vì vậy, mỗi ngày đến lớp, với cô giáo trẻ là những nỗ lực, cố gắng để làm tròn vai một người thầy, một người bạn lớn của các em học sinh.
Cô tâm sự: Lứa tuổi của mình không cách quá xa tuổi học trò là mấy, vì vậy cô khá gần gũi với các bạn học sinh. Cô nhận thấy, khó khăn mà các giáo viên chủ nhiệm hiện nay thường gặp phải là, ở tuổi này, học sinh có cái tôi rất cao. Các em có ý thức về khả năng của bản thân, mong muốn được người lớn tôn trọng. Đó là nhu cầu rất chính đáng. Vì vậy, trước những khó khăn của mỗi em, lại cần có những cách giải quyết, tư vấn khác nhau. Nếu không lắng nghe các em, quả thực rất khó để làm bạn và hiểu học trò của mình.
Xuất phát từ suy nghĩ đó, không chỉ trong những tiết dạy văn hóa, mà cả những tiết sinh hoạt hàng ngày cô giáo trẻ luôn quan sát lắng nghe để hiểu tâm tư của học trò. Từ đó cô có thế áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực nhất cho các giờ giảng trên lớp.
Làm mới những tiết sinh hoạt lớp
Phan Hồng Anh được học sinh gọi là “Cô giáo hot girl”, vừa đoạt giải Đặc biệt cuộc thi “Cô giáo tài năng, duyên dáng toàn quốc” năm 2017. Trước đó, cô đã được trao: Bằng khen dành cho Nhóm trưởng của đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi Toán học trẻ Quốc tế IMC 2016; Giấy khen có thành tích trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên quận Cầu Giấy (Hà Nội) năm học 2016 – 2017.
Bên cạnh công tác giảng dạy về chuyên môn, công việc của các GV chủ nhiệm lớp cũng có những đặc thù riêng. Là một giáo viên trẻ khi được đảm nhiệm công tác này, cô giáo Phan Hồng Anh cũng có nhiều trăn trở. Cô tâm sự: Công việc chủ nhiệm của mỗi giáo viên khối THPT, bên cạnh những hoạt động hàng ngày, trong tuần sẽ có một tiết sinh hoạt.
Đa phần các thầy cô đều tập trung vào việc sơ kết với hoạt động phê bình, cũng như nhận xét những ưu nhược điểm của học sinh trong một tuần. Tuy nhiên, nếu các thầy cô chỉ tập trung vào phần sơ kết, đánh giá nhận xét thì vô hình trung sẽ làm giảm hiệu quả mình cần đạt trong tiết sinh hoạt.
Chủ trương của Bộ GD&ĐT trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy, là cần tăng cường bồi dưỡng về kỹ năng sống, rèn luyện về các hành vi hàng ngày kết hợp với giáo dục đạo đức và lý tưởng sống cho các em. Vì vậy, cô giáo Phan Hồng Anh đã áp dụng các hình thức giáo dục tích cực trong các buổi sinh hoạt. Tùy vào những chủ đề được chọn lựa hàng tuần, học sinh sẽ được chủ động đề ra những hoạt động mà mình muốn thực hiện. Những giờ sinh hoạt ấy sẽ trở thành những tiết hoạt động ngoại khóa diễn ra trong hoặc ngoài lớp học.
Một buổi sinh hoạt lớp mới đây mà học sinh đón nhận rất hứng thú đó là buổi ngoại khóa tìm hiểu về tà áo dài Việt Nam. Theo cô Phan Hồng Anh, mục đích của tiết học này là các em học sinh được tìm hiểu rõ hơn về lịch sử trang phục áo dài truyền thống.
“Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay các em có rất nhiều cơ hội bước ra thế giới. Trang phục truyền thống sẽ là ấn tượng đầu tiên khi bất kỳ ai nhìn về một đất nước nào đó. Đặc biệt với các nữ sinh thì trong hành trang tương lai không thể thiếu hiểu biết về trang phục áo dài, vì đó là nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Cho nên trong tiết học tìm hiểu về áo dài, các em được tìm hiểu về lịch sử tà áo dài, dàn dựng các clip về hình ảnh áo dài trong mắt bạn bè quốc tế, áo dài trong học đường và cuối cùng là phần tranh luận và phản biện rất sôi nổi” – Cô Phan Hồng Anh tâm sự.
Châu Anh
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
“Có lẽ thật khó để xác định được chính xác điều gì khiến mình quyết tâm trở thành cô giáo. Ngày còn nhỏ, mình hay theo mẹ đến trường những dịp đặc biệt. Hình ảnh mẹ cầm phấn viết bảng đã in sâu vào tâm trí mình suốt những năm tháng tuổi thơ. Đến khi được trở thành học trò dưới mái trường mà mẹ đang giảng dạy, hình ảnh người thầy càng trở nên rõ nét hơn.
Các thầy cô không chỉ làm tròn vai người giáo viên trên bục giảng, mà còn trở thành người thầy trên đường đời, khiến cho chúng mình hiểu được giá trị của một lời chào, biết cách nói lời cảm ơn và cách đối mặt với những khó khăn, thử thách... Để rồi giờ đây mình luôn cố gắng noi theo thế hệ các thầy cô, để tiếp tục sự nghiệp đứng trên bục giảng” – Cô giáo trẻ Phan Hồng Anh tâm sự về tình yêu với nghề dạy học của mình.
Cuối năm lớp 12, khi nhận bộ hồ sơ đăng ký thi đại học, Phan Hồng Anh đã đăng ký nguyện vọng 1 là Trường Đại học Sư phạm. Quyết định đó đến với Hồng Anh rất tự nhiên, không cần phải đắn đo, suy nghĩ. Cũng từ đó, người đồng hành, luôn hướng dẫn và giúp đỡ cô giáo trẻ vượt qua những khó khăn trong học tập và trong cuộc sống chính là người mẹ vô cùng thân thiết.
Câu nói của mẹ mà cô giáo Phan Hồng Anh luôn ghi khắc trong lòng đó là: Dù gặp tình huống nào đi chăng nữa, con luôn phải ý thức giữ gìn bản thân, phải chuẩn mực, gương mẫu, là tấm gương cho học sinh noi theo. Chính vì vậy, mỗi ngày đến lớp, với cô giáo trẻ là những nỗ lực, cố gắng để làm tròn vai một người thầy, một người bạn lớn của các em học sinh.
Cô tâm sự: Lứa tuổi của mình không cách quá xa tuổi học trò là mấy, vì vậy cô khá gần gũi với các bạn học sinh. Cô nhận thấy, khó khăn mà các giáo viên chủ nhiệm hiện nay thường gặp phải là, ở tuổi này, học sinh có cái tôi rất cao. Các em có ý thức về khả năng của bản thân, mong muốn được người lớn tôn trọng. Đó là nhu cầu rất chính đáng. Vì vậy, trước những khó khăn của mỗi em, lại cần có những cách giải quyết, tư vấn khác nhau. Nếu không lắng nghe các em, quả thực rất khó để làm bạn và hiểu học trò của mình.
Xuất phát từ suy nghĩ đó, không chỉ trong những tiết dạy văn hóa, mà cả những tiết sinh hoạt hàng ngày cô giáo trẻ luôn quan sát lắng nghe để hiểu tâm tư của học trò. Từ đó cô có thế áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực nhất cho các giờ giảng trên lớp.
Làm mới những tiết sinh hoạt lớp
Phan Hồng Anh được học sinh gọi là “Cô giáo hot girl”, vừa đoạt giải Đặc biệt cuộc thi “Cô giáo tài năng, duyên dáng toàn quốc” năm 2017. Trước đó, cô đã được trao: Bằng khen dành cho Nhóm trưởng của đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi Toán học trẻ Quốc tế IMC 2016; Giấy khen có thành tích trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên quận Cầu Giấy (Hà Nội) năm học 2016 – 2017.
Bên cạnh công tác giảng dạy về chuyên môn, công việc của các GV chủ nhiệm lớp cũng có những đặc thù riêng. Là một giáo viên trẻ khi được đảm nhiệm công tác này, cô giáo Phan Hồng Anh cũng có nhiều trăn trở. Cô tâm sự: Công việc chủ nhiệm của mỗi giáo viên khối THPT, bên cạnh những hoạt động hàng ngày, trong tuần sẽ có một tiết sinh hoạt.
Đa phần các thầy cô đều tập trung vào việc sơ kết với hoạt động phê bình, cũng như nhận xét những ưu nhược điểm của học sinh trong một tuần. Tuy nhiên, nếu các thầy cô chỉ tập trung vào phần sơ kết, đánh giá nhận xét thì vô hình trung sẽ làm giảm hiệu quả mình cần đạt trong tiết sinh hoạt.
Chủ trương của Bộ GD&ĐT trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy, là cần tăng cường bồi dưỡng về kỹ năng sống, rèn luyện về các hành vi hàng ngày kết hợp với giáo dục đạo đức và lý tưởng sống cho các em. Vì vậy, cô giáo Phan Hồng Anh đã áp dụng các hình thức giáo dục tích cực trong các buổi sinh hoạt. Tùy vào những chủ đề được chọn lựa hàng tuần, học sinh sẽ được chủ động đề ra những hoạt động mà mình muốn thực hiện. Những giờ sinh hoạt ấy sẽ trở thành những tiết hoạt động ngoại khóa diễn ra trong hoặc ngoài lớp học.
Một buổi sinh hoạt lớp mới đây mà học sinh đón nhận rất hứng thú đó là buổi ngoại khóa tìm hiểu về tà áo dài Việt Nam. Theo cô Phan Hồng Anh, mục đích của tiết học này là các em học sinh được tìm hiểu rõ hơn về lịch sử trang phục áo dài truyền thống.
“Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay các em có rất nhiều cơ hội bước ra thế giới. Trang phục truyền thống sẽ là ấn tượng đầu tiên khi bất kỳ ai nhìn về một đất nước nào đó. Đặc biệt với các nữ sinh thì trong hành trang tương lai không thể thiếu hiểu biết về trang phục áo dài, vì đó là nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Cho nên trong tiết học tìm hiểu về áo dài, các em được tìm hiểu về lịch sử tà áo dài, dàn dựng các clip về hình ảnh áo dài trong mắt bạn bè quốc tế, áo dài trong học đường và cuối cùng là phần tranh luận và phản biện rất sôi nổi” – Cô Phan Hồng Anh tâm sự.
Châu Anh
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại