Có 1 triệu quân, liệu Hồ Quý Ly có thắng giặc Minh xâm lược?

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Để có quân đông, nhà Hồ lệnh cho cả nước làm sổ hộ tịch. Phàm những người từ 2 tuổi trở lên đều phải biên vào sổ. Từ khi việc làm hộ tịch đã hoàn tất, số dân đinh từ 15 đến 60 tuổi thống kê được đã tăng gấp đôi. Bấy giờ trong nước có quá đông nhà sư, nhiều người mượn tiếng tu hành mà trốn tránh việc đời. Hồ Quý Ly lệnh bắt tất cả những sư dưới 50 tuổi phải hoàn tục. Lại lệnh cho các nhà sư phải thi về kinh Phật, ai thi đạt mới được tiếp tục tu hành. Nhờ những chính sách này, quân số Đại Việt tăng vượt bậc so với các đời trước.



Hình tượng Hồ Nguyên Trừng.

Tuy nhiên đó cũng chỉ là trên lý thuyết bởi điều động được quân lính là một chuyện, huấn luyện và trang bị cho quân lính lại là chuyện khác nữa. Rốt cuộc, khi tiến hành chiến tranh thì nhà Hồ vẫn không thể có được 100 vạn quân chiến đấu. Trái lại, việc phát triển quân đội theo chiều rộng mà bỏ bê chiều sâu khiến cho tinh thần chiến đấu của quân Đại Việt bấy giờ nhìn chung không cao. Các tướng nhà Hồ khi đánh Chiêm Thành phải dùng nghiêm lệnh, ai sợ hãi thì bị chém ngay, vợ con, điền sản đều bị tịch thu sung công. Bấy giờ quân lính mới chịu liều chết đánh giặc.

Về vũ khí, ngoài các loại vũ khí truyền thống thì Thần Cơ Thương Pháo của quân Đại Việt thời Hồ là một trong những loại vũ khí tối tân hàng đầu thế giới thời bấy giờ, với những sự kế thừa từ súng đại pháo cuối thời Trần và những cải tiến đáng kể của Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng, người con trai cả của Hồ Quý Ly. Để trưng thu nguyên liệu đồng trong dân phục vụ cho việc đúc súng, Hồ Quý Ly lệnh cho dân đổi hết tiền đồng sang tiền giấy mang tên Thông Bảo Hội Sao. Những ai làm tiền giả hoặc còn chứa và sử dụng tiền đồng sẽ bị xử tội chết, tịch thu gia sản. Xét ra việc lưu hành tiền giấy vừa giúp tiết kiệm nguyên liệu, vừa có phương thức giao dịch tiến bộ.

Tuy nhiên chính sách tiền giấy của Hồ Quý Ly phạm phải lỗi cơ bản là đi ngược nguyên tắc tiền tệ phải có đủ cơ sở để nhân dân tin tưởng vào giá trị giao dịch của nó. Trong điều kiện nền kinh tế hàng hóa chưa thực sự phát triển hoàn thiện, tự thân tiền đồng được đảm bảo giá trị bằng vật liệu làm ra tiền. Khi đổi sang tiền giấy, tâm lý người dân thời kỳ này đa phần cho rằng giấy là vật liệu giá trị thấp, dẫn đến hoài nghi về tiền tệ mới. Điều đó khiến cho đời sống nhân dân bị xáo trộn rất lớn, ảnh hưởng đến uy tín của triều đình mới với nhân dân.

Thời kỳ Hồ Quý Ly chuyên chính đến xuyên suốt triều Hồ, nhiều thuyền chiến lớn nhỏ được đóng mới liên tục để bổ sung cho những mất mát trong chiến tranh và để làm đội thuyền dự bị. Dưới sự thiết kế và đốc công của Hồ Nguyên Trừng, quân Đại Việt phát triển hai loại chiến thuyền mới. Một loại là thuyền đóng đinh sắt ngoài vỏ, đặt tên là Trung Tàu Tải Lương. Một loại là thuyền chiến lớn có hai lầu, cũng đóng đinh sắt ngoài vỏ, chở được nhiều quân lính, có thể mang trọng pháo, tên gọi là Tải Lương Cổ Lâu. Sở dĩ hai loại thuyền đều gọi là thuyền “tải lương” là để tránh sự dò thám của nước Minh. Ngoài việc chỉ huy đúc súng và đóng thuyền, Hồ Nguyên Trừng còn là người chỉ huy các việc xây thành, việc đào kênh, đắp đê, vét sông phục vụ dân sinh và quân sự.

Ngoài hệ thống các ngạch quân đã có từ đời Trần, năm 1405 Hồ Hán Thương cho thành lập thêm 12 vệ quân Nam ban và Bắc ban, 18 vệ quân Điện hậu đông và tây, mỗi vệ 18 đội, mỗi đội 18 người. Đại quân gồm 30 đội, trung quân gồm 20 đội, doanh gồm 15 đội, đoàn gồm 10 đội, cấm vệ đô gồm 5 đội. Đại tướng quân trông coi tất cả. Quân Long Tiệp được tăng cường thêm hai vệ Thiên Ngưu và Phủng Thần, đặt chức Thủy quân đô tướng và Bộ quân đô úy trông coi. Hương binh cũng được tuyển mộ thêm nhiều. Những người nghèo khổ mà khỏe mạnh sung vào quân dũng hãn, giao cho Thiên hộ, Bách hộ cai quản.

Thời kỳ cuối nhà Trần đến nhà Hồ là thời kỳ mà Đại Việt chịu sự đe dọa lớn từ cả nước Minh phía bắc lẫn nước Chiêm Thành phía nam, lại thêm trong nước đảng cướp nổi lên rất nhiều. Có thể nói là ở trong tình thế rất khó khăn. Để chống lại những sự đe dọa đó, Hồ Quý Ly có đường lối khác nhau. Đối với nước Chiêm Thành, quân Đại Việt thẳng thừng sử dụng ưu thế về quốc lực, quy mô quân đội mà đánh phủ đầu. Đối với nước Minh, Đại Việt tỏ ra mềm mỏng, trong nước thì tăng cường xây dựng thành trì phòng thủ. Thành Đa Bang được xây dựng ở Cổ Pháp (thuộc Ba Vì, Hà Nội ngày nay) rất kiên cố, tường thành cao, hào sâu, dọc sông cắm cọc gỗ, giăng xích sắt. Xung quanh thành Đa Bang là hàng loạt các chiến lũy, đồn quân. Ngoài thành Đa Bang, nhà Hồ còn xây dựng nhiều thành trì bằng gạch rất dày như thành Đông Đô (Hà Nội ngày nay), thành Tây Đô (An Tôn, Thanh Hóa)… Trong nước đâu đâu cũng có chiến lũy, công sự dự phòng.

Nhìn chung, quân Đại Việt thời Hồ có thể nói là đội quân đông đảo, đã trang bị tốt, có thành trì vững chắc. Thế nhưng, đội quân này lại có những điểm yếu cốt tử. Những tướng lĩnh chỉ huy chủ chốt của quân đội nhà Hồ chỉ có năng lực trung bình hoặc yếu kém, thường hay có những quyết định sai lầm. Vì chú trọng chiều rộng nên không có đủ thời gian huấn luyện bài bản, quân đội thời này kém xa quân Đại Việt nhà Trần lúc cực thịnh về độ tinh nhuệ, tinh thần chiến đấu. Đường hướng chiến thuật thiên nhiều về phòng ngự, thủ thành vốn không phải là sở trường của một đạo quân người Việt truyền thống.

Các chiến thắng oanh liệt của Đại Việt đời trước đều dựa nhiều vào dã chiến, giao tranh ngoài thành trì, chủ động đánh và rút, cơ động nhanh bằng thuyền nhẹ. Triết lý xây dựng quân đội của Hồ Quý Ly hoàn toàn trái với lời dạy của Hưng Đạo vương xưa là “giặc cậy trường trận, ta có đoản binh”. Do nhà Hồ thành lập không được chính danh, lại thêm vội vàng tiến hành cải cách trái với ý nguyện của nhiều tầng lớp nhân dân, quân đội vì thế mà thiếu đi sự ủng hộ của dân chúng và giới tinh hoa. Đúng như Nguyễn Trãi đã nói trong Bình Ngô Đại Cáo là “chính sự phiền hà”, quân đội nhà Hồ do đó mất đi khả năng tiến hành chiến tranh nhân dân. Đó cũng là điểm yếu lớn nhất của quân đội nhà Hồ.
Nguồn: Báo điện tử Kiến Thức
 

Bình luận bằng Facebook

Top