chuyện người ăn xin

tieuyeu

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Chuyện người ăn xin (MTO 11 - 6/11/2010)
Theo thời gian, những suy nghĩ của tôi về người ăn xin nói riêng và tình thương yêu giữa con người với nhau nói chung, đã ít nhiều thay đổi…
Hôm nay, tôi và hai cô bạn đang trò chuyện vui vẻ tại một quán kem yên tĩnh. Cả ba đứa cứ huyên thuyên cho đến khi có một cậu bé hất ghế, quỳ xuống ngay bên phải làm chúng tôi giật mình.
Chúng tôi bắt đầu động lòng thương nhưng rồi nhíu mày nghi hoặc. Quá quen với những cảnh thế này, ba đứa nhìn nhau suy nghĩ, rồi cô bạn ngồi gần cậu bé nhất đã cho vào nón cậu một nghìn, tiếp theo là cô bạn kế bên. Riêng tôi, chẳng hiểu sao tôi lại lưỡng lự, nhưng rồi chợm nghĩ: “Bạn mình đã cho, không lẽ có vài nghìn mình cũng keo? Thôi, xem như từ thiện”. Nhủ với lòng như thế, nhưng mường tượng đến cảnh (có thể) ba mẹ của cậu bé này đang nấp ở đâu đó và chỉ chờ giật tiền từ tay cậu, sau đó tiêu xài hoang phí vì mục đích cá nhân (như các bài báo đã phanh phui gần đây), tôi lại cảm thấy tiếc vài đồng bạc lẻ đã trao không đúng chỗ.
“Lần sau bọn mình phải thật cương quyết, thấy cậu bé như thế thì phải nói liền: “Hết tiền rồi em ơi!”, không thì nó cứ níu kéo mãi, khổ lắm. Có lẽ biết tụi mình là sinh viên, dễ thương người, nên nó làm “khổ nhục kế” đây mà!” - Một trong hai cô bạn của tôi nói. Còn tôi thoáng buồn, buồn cho giá trị yêu thương đã bị đảo lộn và đánh mất bởi niềm tin không tồn tại. Thế tại sao niềm tin của chúng ta lại không tồn tại? Vì những kẻ lợi dụng lòng trắc ẩn của mọi người để vụ lợi, vì mục đích cá nhân.
o0o​
Cách đây một tuần, tôi cũng chứng kiến một cảnh tượng dài khoảng vài chục giây, nhưng khiến ta phải suy nghĩ rất nhiều: Một vụ bà lưng còng, chạy lại anh thanh niên đang ăn trưa, chìa tay ra vẻ mặt rầu rĩ: “Cho già mấy ngàn đi con!”. Anh ta vừa nhai vừa quay mặt đi, tỏ vẻ không muốn cho, tiếp tục ăn. Cụ bà vẫn cứ chờ. Anh chàng có vẻ suy nghĩ lung lắm, rồi miễn cưỡng rút tiền cho bà cụ. Khi bà cụ đi, anh ta thở dài…
Hằng ngày, trên đường đi học, tôi thường xuyên chứng kiến những người ăn xin ngồi hoặc nằm la liệt ngoài đường, mong nhận chút bố thí từ người qua đường giàu lòng nhân ái. Có người cố gắng tạo cho mình một hình ảnh thảm thương nhất: ghẻ lở, cụt tay chân (nhìn sơ qua thì thấy thế nhưng thật sự thì…không biết), ăn mặc rách nát, mù (họ đeo mắt kính đen, không kiểm chứng được), hoặc thi thoảng thấy họ…không bị gì cả, chỉ ngồi ra đường và…ăn xin, nếu có tiền thì tốt, không thì…thôi (lạ lùng nhỉ). Có lần, tôi đã tận mắt thấy một cụ bà khoảng gần 60, ngồi đếm tiền ăn xin (rất nhiều) trước nơi đông người một cách thản nhiên. Tôi nhìn, vừa hơi khinh, vừa thấy tiếc cho những đồng tiền và tình thương đặt không đúng chỗ…
o0o​
Khi còn bé, tôi luôn được mẹ dặn: “Sống trên đời phải có lòng thương con à. Ra đường, nếu gặp người ăn xin tội nghiệp, con phải bớt tiền quà vặt mà cho họ. Người ta vui, người ta no bụng, mình cũng cảm thấy hạnh phúc phần nào”. Dạo ấy, người ăn xin đa phần đều nghèo thật sự, nhìn họ khắc khổ, và dù cho “lạy ông đi qua lạy bà đi lại” bao nhiêu lần, thì trong chiếc nón rách tơi tả của họ cũng chỉ có vài đồng 200, 500… - chẳng đủ để mua một ổ bánh mì. Họ chỉ mong nhận được chút ít chia sẻ để đắp đổi qua ngày, hoàn toàn không vụ lợi. Họ cũng không níu kéo người đi đường, họ cần lòng thương, cần sự trắc ẩn thật sự…
Trong kí ức tôi vẫn còn nhớ mãi một buổi sáng mưa tầm tã tại chợ. Một ông già ốm nhom, mặt phúc hậu, đội chiếc nón lá rách tả tơi, giơ tay xin tiền mà run run, co ro vì lạnh. Mẹ tôi cho ông luôn 2 ngàn (thời đó, 2 ngàn đủ mua ổ bánh mì), ông mừng phát khóc, nói ngọng nghịu: “Cảm ơn, cảm ơn cô”. Dù chỉ mới 8 tuổi, nhưng nhìn cảnh đó, tôi vẫn chực khóc.
o0o​
Bây giờ, khá nhiều cô cậu nhóc, mới tí tuổi đầu đã phải ăn xin. Và thường thì tôi luôn lạnh nhạt bảo: “Chị hết tiền!”, bởi tôi không muốn đồng tiền tôi cho sẽ bị “cống nạp” cho ba mẹ chúng hoặc người chăn dắt chúng. Có đôi khi tôi nghĩ: “Biết đâu trong những người ăn xin, vẫn còn nhiều người tội nghiệp thật, và xin thật?”, rồi tôi đượm buồn, bởi chúng ta, không ai phân biệt được thật - giả trong những người ăn xin được nữa. Lòng tin, tình thương cũng nhạt dần bởi vì dần dà, người ăn xin xuất hiện quá nhiều… Có trách, thì đừng trách tại sao chúng ta vô tâm, vô cảm trước những người ăn xin trong xã hội thời nay, mà hãy trách những kẻ đánh vào sự yếu mềm của con người để thu lợi về mình.
Nếu thương người, thì chẳng lẽ tôi sẽ phải cho hết tất cả những người ăn xin đến năn nỉ? Chẳng lẽ 10 người đến, tôi đều phải cho? Không thể được, niềm tin của tôi cạn kiệt rồi…
Từ nay, tôi không cho bất kì người ăn xin nào nữa. Nếu họ khổ thật sự, sẽ có các chính sách khác giúp họ. Điều họ cần là phải tìm cho mình công việc, hoặc các tổ chức xã hội cho họ, chứ không phải xin những đồng bạc lẻ từ mọi người…
DQT®
 

Bình luận bằng Facebook

Top