Chuyện dòng sông

thanh huyen

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
1. Chuyện năm người Sự gắn bó giữa năm thành viên của hội nhóm lạ lùng này được hình thành hết sức giản đơn. Nó không giống kiểu mới gặp đã nảy sinh ngay lập tức, cũng chẳng như kiểu cực đoan theo dạng chuyển từ ghét bỏ, dè chừng sang yêu mến; nó xuất phát từ mong muốn được hiểu, được tin cậy nhau rồi một cách tự nhiên, nhẹ nhàng phát triển nên cảm giác hiểu và tin cậy thực sự.


Họ sống rải rác tại hai khu phố liền kề: bà cô với con trai ở hai đầu một khu phố, con gái – Jh – cha là những cư dân của khu phố còn lại. Nhà con trai và nhà Jh chỉ cách nhau một con đường cùng ba ngôi nhà khác, hai đứa trẻ đi học cùng trường, thế nên về căn bản thì hai đứa là hàng xóm đúng nghĩa của nhau. Người lớn bên nhà con gái với nhà Jh vốn quen thân từ trước, hai chị em do vậy luôn quấn quýt mỗi khi gặp mặt. Tuy cách xa nhau nhất nhưng chỗ làm việc của cha và bà cô lại gần nhau, hai người trở thành bạn, sau đó coi nhau như cha – con cũng nhờ thế.

Có một điều thú vị là gần như không ai trong cả năm người khẳng định được chính xác mình biết ai trước tiên. Lúc này lúc kia, những mảnh kí ức hoặc kỉ niệm không tên nào đó lại tìm về, khiến họ vừa bối rối vừa vui thích. Dường như họ vốn đã luôn có mặt đâu đó trong cuộc đời của nhau.

Một sáng chủ nhật. Ngồi trong căn phòng chung quen thuộc, nước mắt con gái cứ lặng lẽ chảy ra khi nghe cha đọc câu chuyện trong cuốn sách kể về các loài vật mà con yêu thích. Con không biết làm cách nào để ngừng khóc, muốn cất lời song không thể, chỉ nép vào gần thêm mỗi lúc bàn tay cha nhẹ vỗ về vai con. Bà cô bó gối trên chiếc ghế bành cha hay ngồi đọc báo, đăm đăm nhìn mãi vào trang giấy toàn tin tức dày đặc chữ. Thỉnh thoảng, bà cô lật qua loa đến một trang nào đó, sau đấy lại trở về trang cũ, lại trở về với tư thế ngồi kia. Trời hôm ấy hơi se lạnh, gió khá lớn, tuy nhiên, cánh cửa sổ vẫn mở một nửa. Một lần, cha quay ra, định nhắc đóng cửa vào nhưng rồi lại thôi, nghĩ bụng ‘Cũng mặc ấm rồi mà. Có lẽ không sao đâu.’ Ông dừng lại quan sát trong nửa phút, đoạn chậm rãi tiếp tục câu chuyện đang kể dở cho con gái. Hơi ấm dịu nhẹ của hai cốc sữa trên bàn không làm những nếp nhăn trên trán ông giãn bớt ra được mấy.

“Vào đây ngồi khỏi mỏi chân đi cháu!”, bà cô cất giọng gọi, song tiếng nhẹ quá, yếu quá, cứ như người bị cảm lạnh cả ngày chưa nói gì. Hình như Jh không nghe thấy, cô bé vẫn đứng ở chỗ cửa sổ, đầu đội mũ len, hai tay đút túi áo khoác. Khuôn mặt cô bé thoáng chút nét cau cau, không dễ thấy nhưng có thể cảm nhận được, ánh mắt tập trung vào một điểm vô định bên ngoài kia. Cô bé đứng như vậy cả chục phút rồi.

Con trai nghiêng đầu dựa vào tấm kính cửa sổ. Tiếng người nói lao xao, không ồn ã mà đôi khi còn có cảm giác xa xăm sao đó. Hai tay con mân mê khối rubic, mắt lúc nhìn món đồ chơi, lúc lại nhìn ra ngoài. Đã được bao lâu rồi nhỉ? Còn bao lâu nữa thì đến? Trong đầu con cứ thắc mắc hai điều ấy, chỉ muốn bận rộn với hai câu hỏi đó mà thôi. Một cách vô thức, mọi dòng suy nghĩ khác của con đều ngừng lại, mọi cảm xúc khác đều lắng xuống, duy nhất cảm giác nôn nao, chờ đợi là vẫn tồn tại từ khi đặt chân lên tàu đến tận bây giờ. Cảnh vật bên ngoài vùn vụt trôi qua. Trôi nhanh. Trôi nhanh. Con hiểu mình đã đi xa lắm rồi…



Bố con chuyển công tác, bố nói cả nhà sẽ tới ở trong căn hộ nhỏ gần chỗ làm mới của bố. Con thẫn thờ khi nghe bố mẹ thông báo, lòng đang khấp khởi vui mừng nghĩ đến chuyến dã ngoại cuối tuần cùng với ông, cô và hai em. Vậy là chỉ còn mấy ngày nữa thôi ư? Chỉ mấy ngày thôi là tất cả chấm dứt sao? Còn có biết bao điều con muốn được thực hiện cùng với mọi người, còn có biết bao chuyện con muốn được nghe từ mọi người, còn cả dự định đi học cùng nhau mà ba anh em nhắm tới cho năm học sau nữa – bởi lúc đó, em út cũng sẽ chuyển tới học cùng trường với con và Jh. Con chưa từng nghĩ trước được rằng sẽ lại có bao giờ rời xa nơi này, rời xa những gì thân thuộc bấy lâu. Nhưng con biết mình chỉ là một đứa trẻ, con đâu thể quyết định làm gì khác.

… Cha cùng Jh đang đứng bên cửa sổ ngắm nhìn khung cảnh chan hòa ánh nắng, có lẽ hơi mỏi chân nên Jh phải tì tay lên bệ cửa. Dù gì thì hai ông cháu cũng ở đây suốt năm phút rồi mà. Cha để ý thấy vậy, liền cúi người bế Jh lên, cô bé hôn má ông, giơ tay chỉ ra ngoài và nói gì đó, cả hai đều mỉm cười. Cách đấy một đoạn, con gái chăm chỉ đọc cho bà cô nghe mẩu tin trong báo, dẫu chưa thạo lắm, song giọng con rất vui vẻ, háo hức, hệt như khi đọc truyện từ quyển sách của riêng mình vậy. Chốc chốc, hai cô cháu lại đưa lên miệng hai cốc nước quả, khoan khoái thưởng thức cái mát lạnh, dịu ngọt trong ấy. Hai hôm trước, con trai gọi điện cho bà cô. Sau cảm giác bất ngờ là niềm hạnh phúc thật khó diễn tả. Suốt ba tuần đằng đẵng vừa qua, bà cô mong ngóng cuộc gọi này đến nhường nào. Con sắp trở về, hai mẹ con con, trở về hẳn. Còn bố sẽ về nhà mỗi cuối tháng vào hai ngày cuối tuần.

(Buổi sáng chủ nhật kia suýt chút nữa đã trở thành buổi sáng buồn nhất đối với cả năm người.)



  1. Con trai

“Hôm nay không ai được trở về mà chưa phát biểu cảm nghĩ đâu đấy nhé!”, cô giáo bảo với cả lớp thế.

Cả lớp học nhỏ của của cô giáo ngồi nghiêm túc lắng nghe một vài yêu cầu cô đặt ra đối với bài phát biểu các em sắp phải trình bày. Cuối cùng, cô giáo trấn an mười tám cô cậu học trò bé bỏng rằng đấy là cô gọi thế thôi, bởi cô tin đối với các em nó rất đáng quý, còn thì nó dài hai câu hay hai trang giấy cũng không quan trọng. Giá trị của nó nằm trong những gì các em thực sự cảm nhận được, và chỉ vậy.

Đúng như cô giáo đã nói, mục phát biểu cảm nghĩ rất đáng quý với lớp học nhỏ. Cô cậu nào cũng nghiêm chỉnh suy nghĩ trong vòng năm phút, cô giáo bảo chỉ cần thế thôi, nếu dài hơn nữa sẽ có nguy cơ các em ê ẩm chân tay vì ngồi yên lâu quá, rồi sinh ra quên mất hoặc xào nấu lộn xộn những cảm nhận ban đầu, vậy thì chẳng phải rất mất công sao.


“Xào nấu cảm nhận là gì ạ?”

“Là đảo lung tung.”

“Đảo bằng gì mà được?”

“Lúc bố mẹ nấu cơm cho tớ cũng làm thế mà.”

“Nhưng cảm nhận có giống thức ăn đâu. Tớ còn chả hiểu nó là cái gì…”

“Thế tức là cậu sẽ không phát biểu cảm nghĩ được hả?”

“Xào nấu cảm nhận tức là thay đổi, khiến nó không còn như lúc đầu các em cảm thấy nữa, khiến trật tự của các cảm nhận không theo thứ tự thời gian của sự việc nữa. Cơ bản là thế đấy.”, cô giáo nhìn một lượt vòng tròn mười tám mắt xích xinh xắn trước mặt mình, nụ cười rộng tự nhiên vẽ trên gương mặt cô sáng bừng lên khi ánh nến lung linh đầu tiên được tỏa sáng. Lần lượt, mười tám ánh nến, cùng với nhau, kết nối vòng tròn mắt xích cô hết mực yêu thương này, một kết nối ngay chính từng người các em cũng bất giác cảm thấy. Và cũng lần lượt, cô giáo lắng nghe bài phát biểu của từng học trò, dài ngắn đủ cả, trơn tru tương đối hay vấp váp vô cùng cũng chẳng thiếu. Sở dĩ chỉ trơn tru ở mức tương đối thôi là bởi chúng đều rất thật, chân thành, trong sáng, các em còn trẻ thơ lắm. Sao có chuyện tuyệt đối trơn tru mà thật nổi cơ chứ?

Con trai tất nhiên cũng im lặng nghe bạn bè nói, đôi lúc con chăm chú quan sát cây nến nhỏ của mình. Tới phiên con rồi, con ngẩng đầu lên khỏi cây nến, lưng con thẳng ra, sau đó lại hơi gù xuống. Đôi mắt con trai nhìn không chớp vào một điểm nào đấy ở trung tâm vòng tròn, đoạn con ngửa cổ, mắt hướng lên trần.

“Bắt đầu nhé!”, cô giáo nhẹ nhắc.

Con trai giữ nguyên tư thế kia trong suốt một phút tiếp theo. Sau cùng, cô giáo bèn lên tiếng: “Có lẽ hôm nay bạn hơi khản giọng mất rồi, vậy lớp mình thông cảm cho bạn nhé. Chúng ta hãy tiếp tục nào!”

Điểm chùng tại mắt xích của con trai không ảnh hưởng gì tới luồng kết nối cùng hứng khởi chạy lan trong vòng tròn. Lớp học nhỏ của cô giáo vốn vẫn luôn như vậy, là do các cô cậu bé bỏng vô tư không bận tâm hay do các em hiểu nỗi niềm của bạn để mà biết cách lảng đi cho bạn khỏi lúng túng? ‘Quan trọng gì đâu’, cô giáo thường tự nhủ.

Hôm ấy, cô giáo đã thấy chút long lanh trong đôi mắt hướng lên trần của con trai. Cổ họng con cũng hơi nghèn nghẹn nữa, có lẽ cô hiểu. Chủ đề cần phát biểu cảm nghĩ với con thân thương quá, con không cất lời trước mặt nhiều người được. Con đành để dành…

Con trai về nhà. Buổi học hôm nay rất bình thường. Đó cũng là câu con trả lời người lớn lúc cởi giầy đi vào nhà. Đừng ai lo con không vui nhé, người lớn nhà con vốn còn không lo mà.

Con trai hỏi người lớn: “Mẹ có bao giờ phải phát biểu cảm nghĩ chưa ạ?”

“Cũng không nhiều lắm, nhưng mẹ cũng chẳng nhớ, có khi chỉ hồi đi học thôi.”

“Nó không phải một môn học…”

Con ngừng ngang, cắn một miếng táo, chờ đợi điều gì đó rồi lại cắn một miếng nữa, không có ý kết nốt câu nói dở dang. Hàng thế kỷ sau con mới cất lời:

“Nhưng mà con vẫn hơi thấy lo ạ.”, giọng con trai bình thản vô cùng, dẫu cho pha đâu đó cái cảm giác mơ hồ rằng con đang suy nghĩ rất nhiều về điều mình vừa nói ra.

  1. Chuyện dòng sông

Căn phòng chung giống như dòng sông trong giấc mơ của mỗi thành viên, ở đó, họ có thể nhàn tản xuôi dòng cùng bao câu chuyện. Bà cô và cha ngồi ngắm ba đứa trẻ đọc sách tranh bên chiếc bàn dài, lòng thấy thư thái lạ lùng. Tựa đàn gà con đang chụm lại líu ríu một góc, những bàn tay nhỏ mềm mại, những ngón tay xinh xắn chỉ trỏ cử động, những đôi mắt sáng long lanh vừa chăm chú, vừa háo hức, tất cả đều khiến hai người lớn đang ngồi kia yêu thương quá đỗi.

Tâm trí bà cô miên man trôi về một vùng suy tưởng riêng tư được cất gọn ở một góc của trái tim, nơi được bao bọc bởi lớp màn mỏng tang nhưng lại chắn được gió to, ngăn được ánh mắt của phần đông những người xa lạ tò mò. Lâu lâu, bà cô tìm về với vùng suy tưởng riêng ấy, vén bức màn mỏng đặc biệt lên, ngọn nến soi sáng vẫn cháy qua tháng năm dẫn đường cho bà cô đi trên con đường lát đá nhỏ ở một nơi xa xôi thân thương nào đó. Tiếng cười khẽ vang lên từ thảm cỏ xanh rờn của căn nhà gỗ giản dị trước mặt, bà cô đưa mắt nhìn và mỉm cười, tim bất giác lỗi một nhịp: những bóng dáng quen thuộc xuất hiện trên thảm cỏ đồng loạt quay nhìn bà cô, và ánh nắng ấm áp bừng tỏa khắp chốn thân thương này…

“Chuyện của con sao rồi? Có gì mới không thế?”, cha rót thêm cho mình một cốc trà nữa rồi đẩy cái ấm về phía bà cô, đôi mắt ông hơi nheo lại nhìn.

Bà cô không căng thẳng, với cha thì bà cô biết rằng dù lời mở đầu có vẻ giống hay không giống lời mở đầu của một cuộc đối thoại nghiêm túc, cha không bao giờ đòi hỏi hay chờ đợi điều gì cụ thể ở bà cô. Tất cả đều tự nhiên, đều tùy thuộc vào mong muốn của bà cô.

“Vẫn dậm chân tại chỗ thôi ạ!”, bà cô cười, nheo mắt nhìn lại cha. “Nếu có gì thay đổi thì cả bốn người đều sẽ biết ngay còn gì.”.

“Nhưng nếu đó là một thay đổi chính con cũng không hoàn toàn nhận ra thì sao?”

“Lịch trình hàng ngày của con không khác đi mà. Vậy thì sao có thay đổi được ạ?”

“Thỉnh thoảng vẫn có mấy giấc mơ đó sao? Lạ thật nhỉ, hẳn chúng phải có ý nghĩa gì chứ.”

“Con cũng luôn thắc mắc vậy, nhưng lắm lúc con nghĩ cũng chẳng có gì đâu ngoài việc nó cho thấy rằng con còn lâu lắc nữa mới hết trẻ con.”

Cha gật gật đầu: “Một đứa trẻ con chẳng được cái nết gì ấy hả? Có khi thế thật.” Giọng cha trìu mến, hài hước, ông vỗ dánh bốp lên cổ tay bà cô và hướng về chỗ ba đứa trẻ: “Phải không nào mấy đứa?”

Con trai cười mím chi cọp, dễ thương gì đâu! Jh thì lắc đầu quầy quậy: “Đâu mà, đâu mà! Cô là nhất, cô nhỉ?”

“Cô không biết được. Cháu thử nói xem cô có cái nết gì nào?”

Jh ào tới ôm cổ bà cô, cô bé cười tươi rói, cằm tựa lên vai bà cô. “Vì bọn cháu yêu cô nhất, ông cũng yêu cô nhất, nên tất nhiên không phải thế rồi.” Tim bà cô lại lỗi nhịp.

“Lí do xác đáng đấy!”, cha tán đồng, vuốt tóc Jh. “Cháu giỏi lắm!”

“Chẳng được nết gì là gì hả ông?”, con gái thắc mắc. “Ông bảo cô hư ạ?”

Con trai bật cười giòn tan: “Không đâu, ông đùa đấy!”

Jh cười toét miệng theo con trai. “Nghĩa là cô không giỏi gì hết, không có tính gì ngoan.”

“Ông có bao giờ mắng cô đâu, cô ngoan mà, ông nhỉ?”, con gái nghiêng đầu nhìn cha chờ đợi, ánh mắt con đượm vẻ tò mò.

“Ừ, các cháu cũng rất ngoan nữa!”, đoạn, cha vỗ bộp vào cổ tay bà cô lần thứ hai.

Cả ba đứa trẻ nhoẻn miệng. Bà cô của ba đứa ghi khắc mãi hình ảnh của ngày hôm ấy trong lòng mình như một lời nhắc nhở và động viên bản thân mỗi khi buồn nản đến vô cùng. Nó nhắc bà cô nhớ rằng dẫu cho bà cô già không phải, trẻ cũng không đúng này có vô tích sự trong mắt những ai khác đến đâu, thì đối với bốn con người đặc biệt kia, bà cô vẫn là “đứa trẻ ngoan”. Mơ suốt về một người bạn gần chục năm trời không liên lạc gì mà chỉ gặp mặt đúng một lần cũng được. Mơ suốt về một điều trong veo đã trôi qua mười mấy năm rồi cũng được. Hoài niệm mãi cũng được. Ít ra bà cô vẫn biết bản thân may mắn hơn nhiều người vì còn có thể yêu thương thứ gì đó lâu đến thế, may mắn lắm… Bà cô vẫn sống đấy chứ, vẫn được biết và được yêu thương thêm bốn con người kia – bốn con người không thể nào thay thế trong cuộc đời bà cô.

  1. Jh

Lại thêm một ngày gió lạnh nữa giữa thời điểm chuyển mùa trong năm, cũng may là người lớn trong nhà hôm nào cũng theo dõi mục dự báo thời tiết nên từ tối qua, Jh đã được chuẩn bị đồ ấm mặc cho hôm nay đến trường. Buổi học sắp tới đặc biệt hơn những ngày khác một chút, lớp Jh sẽ chỉ bắt đầu giờ học chính thức vào thời điểm giữa của lịch học bình thường buổi sáng và kết thúc sớm hơn các lớp cùng khối một tiết. Với giờ giấc ngoại lệ như thế này, Jh bước ra khỏi nhà trong tâm thế sẵn sàng cho hai cuộc đi bộ một mình đến lớp rồi trở về, bởi lẽ trong lớp cô bé chẳng có ai sống ở khu phố này cả, nghĩa là sẽ không thấy bóng dáng bạn nào đi trước hay sau cô bé hết. Nói vậy không phải vì Jh sợ đi một mình đâu, thậm chí cô bé còn thấy việc nhẩn nha ngắm nhìn mọi thứ xung quanh lúc trời lành lạnh cũng hay hay. Ông anh họ từng dắt tay cô bé đi từ ga tàu về nhà trong một ngày tương tự như hôm nay, ấn tượng về chuyến đi tuy không dài nhưng đặc biệt đó cô bé vẫn luôn ghi nhớ. Những câu hỏi lạ kì ông anh đặt ra khiến cô bé ban đầu bối rối, chẳng rõ anh ấy có phải đang muốn hỏi mình hay không, song rồi cô bé lờ mờ cảm thấy rằng có vẻ như anh ấy vừa đang nói chuyện với chính bản thân anh ấy, cũng vừa đang trò chuyện với cô bé. Mọi cảnh vật hai bên đường đi vốn khá giống với quang cảnh từ nhà tới trường của Jh không hiểu sao qua mấy câu hỏi và lời nhận xét của ông anh bỗng trở nên mới lạ, lý thú hơn hẳn. Như được nhìn thế giới qua một lăng kính khác, Jh bất giác nhận thấy mình đang chú tâm vào từng chi tiết nhỏ nhặt trên tấm biển quảng cáo treo trước mặt, trên một chiếc lá bàng rụng mà cô bé vừa nhặt lên, trên cả những viên đá lát đường hai anh em đang bước đi nữa. Trời nhiều mây, hơi âm u, gió lạnh thổi khá gắt, ánh sáng mặt trời thật không giống với ánh sáng của một buổi sáng vào lúc chín giờ rưỡi chút nào, ấy vậy mà trong mắt Jh lại bừng lên những tia sáng rạng rỡ của sự đổi thay và sáng tỏ. Cô bé tin rằng mọi thứ tồn tại đều có lí do riêng, vẻ đẹp riêng của nó, chỉ cần ta chịu khó quan sát. Bởi có niềm tin đó, đoạn đường cô bé đến lớp hôm nay cũng không hề đơn độc, cảm giác như có ông anh họ hoặc bà cô đang đi cùng vậy – những người tuy lớn hơn cô bé rất nhiều song chẳng khác nào một người bạn đồng trang lứa. Họ cho cô bé sự an tâm, thoải mái, được lắng nghe.

… Giờ thực hành hôm nay rất thú vị. Lớp được phân thành các nhóm nhỏ để làm việc. Trái với sự lộn xộn khi chưa bắt đầu, không khí nghiêm túc nhanh chóng hình thành và giữ được sự ổn định trong suốt cả buổi. Gần cuối giờ, thầy giáo rời lớp sớm như đã báo trước, các nhóm chỉ còn cần tập trung vào nhiệm vụ của mình thêm mười phút nữa là có thể ra về. Nhóm của Jh gồm bốn người thuộc hai bàn liền kề nhau. Sau giai đoạn ngắn ngủi bỡ ngỡ ban đầu, bốn thành viên trong nhóm nhanh chóng quen với cách thức tiến hành và say mê, tỉ mẩn làm quên mất cả thời gian. Kết thúc buổi thực hành, khi tất cả đang thu dọn dụng cụ với vẻ mặt hân hoan, hài lòng, Jh đứng lên định vươn vai cho đỡ mỏi. Thoáng lơ đễnh của giờ phút cuối khiến bàn tay cô bé vô tình quơ trúng một sản phẩm vừa hoàn thành. Thật may mắn là cô bé nhận thấy ngay, bèn thụp xuống đỡ kịp. Thiếu chút nữa thì nó rơi xuống sàn. Tim cô bé đập rộn, ngẩng lên thấy các bạn cùng nhóm há hốc miệng hốt hoảng, cô bé thở phào rồi tất cả bật cười nhẹ nhõm. Bao nhiêu công sức từ đầu đến giờ, cả sự hào hứng và vui thích trong đó nữa, sẽ thật đáng sợ nếu có bất kì trục trặc nào xảy ra. Giờ thì cả nhóm đứng nguyên vị trí, cẩn trọng cất dọn các thứ vào túi, hộp và cặp từng người.

Bốn thành viên lần lượt ra khỏi lớp với đống đồ trên tay. Người thứ nhất, thứ hai rồi thứ ba đã bước qua ngưỡng cửa. Đúng lúc Jh quay đầu lại nhìn, một âm thanh bịch nặng nề phát ra… chiếc túi trong tay thành viên thứ tư tuột ra, đáp xuống nền đá hoa. Nụ cười vụt tắt trên gương mặt bạn ấy, ba người còn lại thì đứng im như tượng mất gần chục giây, nối tiếp bằng những cái nhăn mặt sợ sệt và mấy câu than thở thất vọng. Riêng có Jh gần như không biểu lộ cảm xúc gì sau đấy, cô bé chỉ nói “Tiếc quá!”, đồng thời ngồi ngay xuống mở chiếc túi ra xem xét. Bên trong lem luốc hết rồi, cả sản phẩm lẫn dụng cụ đều có hư hại. Trong khi các bạn vẫn chôn chân tại chỗ, cô bé nhẹ ôm chiếc túi đi về chỗ bồn rửa ngoài trời. Dòng nước xối vào tay khiến cô bé lạnh buốt, nhưng những ngón tay vẫn cặm cụi rửa từng món đồ một, thỉnh thoảng miệng xuýt xoa, hà hơi. Rửa xong, cô bé lấy mảnh vải khô từ cặp mình lau chùi tất cả và cất lại chúng vào túi. Cầm sản phẩm bị hư trong tay, lòng cô bé bỗng thấy nuối tiếc vô cùng…

Jh chầm chậm và lơ đễnh đi về. Con đường lúc này dường như dài thêm gấp đôi, những sự khác với bình thường của toàn bộ buổi sáng ngày hôm nay khiến cô bé chưa thôi sửng sốt.

“Đợi anh với!”; Jh giật mình dừng bước, quay lại nhìn. Con trai mỉm cười chạy đến. “Lớp anh cũng được về sớm!”, con trai đưa tay ôm bớt cái hộp cho Jh. Hai đứa trẻ lặng lẽ đi cạnh nhau. Được một lát, con trai dợm bước chạy lên phía trước, ngước nhìn trời rồi reo to: “Mặt trời kìa! Mặt trời kìa Jh ơi!”

Hai chân Jh chậm hẳn lại, cô bé ngẩng lên theo tay chỉ của con trai. Giữa cả bầu trời xam xám nhiều mây, một khoảng xanh ngắt đang lộ ra cùng vầng sáng vàng ấm áp. Giản đơn vậy thôi, nhưng hết thảy mọi vất vả, lo lắng và suy tư đều tan đi trong khoảnh khắc này. Cô bé lại thấy lòng mình nhẹ bẫng như không.

  1. Những giấc mơ

“Cháu có bao nhiêu giấc mơ tất cả rồi nhỉ?”, Jh hỏi bà cô, tay cầm cây bút chì màu xanh lá cùng một tờ giấy trắng được kẻ dòng, kẻ ô cẩn thận, ngay ngắn bằng bút chì xám thông thường. Con gái đã tặng cô bé cây bút chì xanh, trong khi những ô hàng thẳng lối là sản phẩm của con trai, câu hỏi cô bé vừa đặt ra xuất phát từ gợi ý của cha với lũ trẻ vào một buổi chiều nào đó cách đây không lâu. Bà cô thích thú cảm thấy nhiệm vụ của mình hiện giờ là phải tham gia đóng góp nốt cho cái công trình tập thể nho nhỏ này, vậy nên bà cô nghiêm túc nở nụ cười toét miệng, cố gắng dò lại những gì có thể nhớ được.

“Tính từ ngày các cháu bắt đầu kể cho ông với cô thì cũng được nửa năm rồi đấy. Cô không chắc cô nhớ hết được đâu. Từ từ nhé. Cháu cũng thử điểm lại xem sao đi.”

“Có nhiều hay ít giấc mơ đều được hả cô?”

“Tất nhiên, đó là quyền của mỗi người mà.”

“Cháu nhớ mình có khá nhiều, nhưng giấc mơ nào cháu cũng thấy quan trọng hết. Cháu không mơ chơi đâu ạ.”

Cha bật cười: “Mơ chơi cũng được, đâu có sao.”

“Sao lại là mơ chơi?”

“Cháu nghe thấy người ta hay bảo ‘nói chơi thôi’ với ‘đùa thôi’, nên chắc ‘mơ chơi’ cũng giống giống thế.”

“Cô tin mọi giấc mơ của các cháu đều quan trọng. Đã viết được đến đâu rồi? Ừ, cô có nhớ mấy cái đó, sẽ bổ sung thêm sau nhớ.”

“Hôm trước em viết ra rồi, em chỉ nhớ được năm giấc mơ thôi. Ông nhỉ?”, con gái vui vẻ góp chuyện.

“Bốn chứ. Em có bốn giấc mơ.”, con trai sửa lại ngay.

“Anh nhớ của em à? Thật à?”

“Nhớ chứ. Anh không nhớ hết cụ thể, nhưng chắc chắn là bốn.”

“Anh nhớ thì chính xác rồi, cháu cứ yên tâm.”, cha gật gù nhìn con trai.

“Em tưởng chỉ có ông và em biết thôi chứ, hôm đấy em ngồi viết với ông mà.”

“Anh có mặt trong phòng nên là anh nhớ hết.”, bà cô cười, mắt chăm chú ngước lên trần, nghĩ ngợi. “Về nhà kiểm tra nhất định sẽ thấy không sai.”

“Cháu sẽ không kiểm tra lại đâu, chỉ cần anh nhớ là đủ rồi.”, con gái khẳng định, tươi tắn và có chút cảm ơn quay nhanh sang nhìn con trai. Con trai đáp lại bằng nụ cười nhoẻn quen thuộc, nhưng đôi mắt con lần này pha thêm chút lấp lánh. Con cũng thấy có chút cảm ơn khi nghe câu khẳng định của cô em út. Cái cảm giác cảm ơn ấy người lớn hay gọi là gì không biết nữa, hiện tại con chẳng nhớ ra.

“Em có nhớ anh có mấy giấc mơ không?”

“Ơ, em không nhớ… A, nhưng mà anh đã viết ra lần nào đâu!”

Con trai gật đầu chắc nịch, miệng cười mở rộng ra hơn bao giờ hết. Vui thích quá, con không cần thêm bất cứ lời nào xác nhận nữa. Cô em út cũng vậy, đồng thời nhẹ người vì vừa nãy sợ mình đã quên mất. Lỡ đúng mình quên thì buồn lắm.

Jh bấy giờ đã liệt kê được bảy giấc mơ. Dòng nào cô bé cũng nắn nót ghi, mỗi đầu dòng luôn là một hình ngôi sao nhỏ đánh dấu. Trong lúc ngồi nghĩ ngợi nốt, cô bé có nhìn chăm chú trang giấy chốc lát rồi khẽ nói, dường như với chính mình: “Dòng kẻ thẳng thật!”

Con trai nghe thấy, ngẩng lên ngó tờ giấy trước mặt Jh, sau vài giây quan sát, con nhận xét: “Màu bút xanh viết chữ rất đẹp.”

“Ừ đúng, rất đẹp. Em phải giữ bút này thật kĩ mới được.”, Jh nhẹ vuốt ve cây bút, vuốt phẳng tờ giấy vốn phẳng phiu, đoạn hơi cau mặt lại, tập trung và cẩn thận ghi tên mình xuống dưới. Cô bé quyết định kẹp tờ giấy vào quyển sách tranh yêu thích nhất đặt ở bên cạnh; đối với cô bé, những gì từng hiện diện trong căn phòng ấm cúng thân thương này luôn dễ dàng ghi nhớ hơn. Mẩu đối thoại ngắn ngủi thú vị giữa mọi người vừa rồi càng khiến cô bé tin tưởng vào điều đó thêm. Tờ giấy ước mơ của cô bé sẽ được lưu giữ tại nơi đây, một ngày nào đấy gần thôi, cô bé nhất định làm thêm tờ giấy ước mơ cho cô với ông nữa, cả một tờ chép lại từ giấy của em út và chờ đợi đến lúc nghe rồi ghi lại những giấc mơ của anh. Tất cả chúng khi ấy sẽ cùng nằm giữa hai trang sách kia.

Ước mơ mà thả thuyền trôi sông thì có bao nhiêu phần trăm có thể trở thành sự thật? Hay nếu buộc vào bóng bay thả lên trời sẽ hiệu quả hơn? Hay cứ đơn giản thỉnh thoảng lẩm nhẩm trong đầu để đến một hôm cùng nhau cầu mong cho chúng được đáp ứng mới là tốt nhất? Con trai chọn cách thứ hai, con gái thích cách đầu tiên, Jh chọn cách thứ ba. Cuối cùng, cả ba anh em nhất trí sẽ thử tất cả các phương án, thầm mong ít nhiều gì cũng sẽ có giấc mơ của một người thành hiện thực. Được vậy thì thật may!



  1. Bà cô

Nhà bà cô từng nuôi một con mèo, nó được đem về khi còn nhỏ. Sự có mặt của nó khiến bà cô cảm thấy khó nghĩ sao đó. Không phải người có tình yêu thương đặc biệt gì lắm với các con vật, lại chẳng mấy cảm tình với loài mèo vì lí do buồn cười là nhìn hai mắt chúng trong bóng tối hay từ xa đều rất gây cảm giác, một cảm giác không tích cực đối với cá nhân bà cô. Con mèo con khi mới đến chỉ loanh quanh trong góc nào đó, chẳng mấy khi ló mặt ra ngoài, thành thử phải sau vài hôm cả nhà mới được thấy rõ mặt mũi nó. Cũng không có gì đặc biệt, bà cô còn tự hỏi chẳng hiểu buổi tối mắt nó có xanh lè, sáng quắc lên hay không nữa? Nó ăn uống vào cái giờ giấc khá thất thường, có lúc để cả buổi tối mà nó chẳng động đến bát cơm, thế nhưng sáng hôm sau ngủ dậy lại thấy cái bát sạch bong. Nó hay kêu meo meo lắm, nhưng tuyệt nhiên ít thấy mặt. Cứ đi làm về, đi qua bếp gần chỗ nó là bà cô lại sốt ruột, trong đầu thầm nhủ: “Đừng có kêu nữa. Tao không yêu mày đâu.”, và lặp lại như vậy mỗi lần nghe tiếng nó. Về mặt lý trí thì bà cô nghĩ cũng thương thương con mèo con, đời nó sẽ cứ quanh quẩn trong góc thôi sao, lại chẳng được ai cưng chiều gì. Nó có mặt ở nhà bà cô kể cũng thiếu may mắn, nhiệm vụ của nó chỉ là đuổi chuột và quyền lợi là được ‘ăn uống’ đầy đủ – không hơn không kém. Liệu nó như thế có buồn không nhỉ, bà cô cảm thấy khó xử, nhưng không khác được, bà cô không thể buộc mình yêu mến nó. Thôi cứ để bình thường thôi vậy. Về mặt tình cảm, bà cô quyết định thế. Chắc nhiều nhất nó cũng chỉ ở nhà bà cô nửa năm, rồi nó sẽ được tới một gia đình khác, sẽ có nhiều may mắn hơn dành cho nó.

Nhiều năm trước, vào một buổi chiều muộn nơi điểm chờ xe buýt, có hai người bạn đứng cạnh nhau rất lâu. Người thứ ba đi khỏi gần chục phút rồi, người thứ hai lẽ ra có thể về cùng khi đó nhưng bạn đã không làm vậy. Bạn bảo với người thứ ba kia: “Hôm nay buổi cuối cùng, tớ phải ở lại với bạn G. chứ!” Người thứ hai sắp đi xa, không biết bao giờ trở về. Bạn đứng chờ xe cùng người thứ nhất đến tận tối, cho đến khi người thứ nhất bắt được chuyến xe về nhà. Cả hai không phải bạn thân, chắc chắn thế, thường chỉ nói chuyện với nhau về việc học hành, từng một vài lần cùng về trên một chuyến xe buýt giữa trưa nắng hay tối đông lạnh. Không phải thân, cũng chẳng phải sơ, chỉ có duy nhất sự gắn kết giản dị bạn bè. Giờ không biết bạn ra sao, thậm chí đã trở về hay chưa, nhiều lúc tưởng lãng quên nhưng thật ra người thứ nhất vẫn nhớ. Thôi thì cứ hi vọng bạn đang hạnh phúc. “Vậy cũng đã đủ rồi.”, bà cô thầm nghĩ.



  1. Ngày đặc biệt

Đã từ hai năm nay, hễ cứ đến ngày khai giảng năm học mới là trong gia đình ba đứa trẻ lại rộn ràng hẳn lên. Chẳng phải bởi không khí náo nức tựu trường như người ta vẫn thường nghĩ đâu, đối với ba đứa trẻ thì những ngày đi học hay nghỉ hè đều vui vẻ và không mấy khác biệt kể từ khi hội nhóm đặc biệt ra đời. Nếu có chút bận rộn hay căng thẳng gì ở trường học, với bài vở, thầy cô – đấy là nếu có nhé -, tất cả sẽ dịu đi và trở nên nhẹ nhàng hơn nhờ vào những buổi họp mặt nơi căn phòng nhỏ. Thời gian trôi đi trong mắt lũ trẻ không được tính bằng mùa hay ngày tháng, nó được tính bằng số buổi gặp gỡ, bằng những kế hoạch riêng nho nhỏ của hội nhóm, kế hoạch tập thể ở trường lớp – trong nhà hoặc ngoài trời; mọi kỉ niệm được lưu lại cũng gắn mốc của niềm vui, nỗi buồn, số lần thành công hay chưa được như ý. Công việc học tập, vui chơi của ba anh em luôn đan xen hài hòa với nhau, bất kể thời điểm nào trong năm. Ngày đến trường sở dĩ khác hơn nhiều so với mọi ngày vì sau lễ khai giảng và buổi học đầu, lần tập hợp đầy đủ cả nhóm lẫn các thành viên trong gia đình nhà các con sẽ diễn ra tại nhà cha. Mỗi năm chỉ duy nhất một dịp như vậy mà thôi, thành thử nó đặc biệt lắm. Từ sáng sớm, các công tác bếp núc, chợ búa đã được phân công rõ ràng, ai nấy khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao để có thể hoàn thành bữa trưa tươm tất, ngon lành chờ đón năm người trở về. Các món ăn đều được người lớn chuẩn bị tại nhà ba anh em rồi mới cùng mang sang nhà cha.

Bù lại cho những vất vả, bận bịu ấy, bà cô cùng cha sẽ đảm nhận việc đưa đón ba anh em đến trường. Buổi sáng, hai người ra khỏi nhà sớm hơn gần một tiếng đồng hồ, trong khi buổi trưa thu xếp việc về sớm hơn nửa tiếng. Như thế hơi bất tiện cho chuyện đi lại, nghỉ ngơi của cả hai, tuy nhiên, hai người lần nào cũng có mặt đúng giờ, chưa bao giờ để lũ trẻ phải chờ. Sự háo hức, trông đợi của lũ trẻ không được phép bị phá hỏng, dù chỉ là một chút.

Trống trường đã điểm, các lớp học rộn tiếng cười nói, gọi nhau í ới. Chào tạm biệt mấy người bạn thật nhanh, ba anh em – mỗi người từ một hướng – chạy vù xuống gặp nhau ở chân cầu thang rồi thong thả hướng về phía cổng trường. Vừa đặt bước chân đầu tiên qua khỏi cổng, nụ cười đã mở rộng trên gương mặt con gái, mắt con hơi nheo lại vì ánh nắng. Cha và bà cô đang rảo bước tới. Bà cô giơ tay vẫy, còn cha chìa cánh tay ra trước, lập tức ba đứa trẻ ùa đến ôm lấy hai người kèm theo câu chào ríu rít. Nắng dịu lại, năm chiếc bóng nhạt đi trên nền gạch lát đường. Và hành trình trở về bắt đầu trong những bóng râm mát mẻ luôn khẽ lay động.

“Hình như chốc nữa có món ông thích đấy ạ. Lúc ở nhà cháu đã thấy nguyên liệu. Mẹ cháu cứ nói sẽ có bất ngờ, nhưng cháu không tin đâu, cháu biết mà.”, Jh lên tiếng đầu tiên. Mái tóc xù dài qua vai của cô bé hơi bay bay, trông xa như hình ảnh trên một tấm bưu thiếp dễ thương nào đó.

“Thật hả? Cháu không đoán nhầm chứ? Sáng nay ông để dành bụng chủ yếu cho bữa trưa này đấy.”, cha khoác vai và kéo cô bé lại gần.

Jh gật đầu chắc chắn, đoạn ngẩng lên nhìn cha với ánh mắt cam đoan, tròn xoe, nghiêm túc: “Nhất định không nhầm ạ. Ông đợi xem nhé.” Cánh tay cô bé quàng qua hông cha, như một cách xác nhận mối liên hệ bình đẳng, thân thiết giữa các thành viên trong hội.

“Nếu cháu nhầm thì sao đây?”, bà cô cầm tay con trai và con gái đi đằng sau, cái ba-lô đeo sau lưng khiến vai trái của bà cô hơi mỏi.

“Ờ… Nếu thế cháu sẽ…”, Jh ngừng lại, nghĩ ngợi. “Cháu sẽ làm món đó cho ông. Cháu sẽ hỏi mẹ cách làm.”

“Cả cháu nữa.”, con gái đung đưa bàn tay bà cô, nghiêng người sang nhìn con trai.

“Đúng ạ, bọn cháu sẽ cùng làm.”, con trai gật đầu đáp nối tiếp ngay. Cả hai anh em đồng thời rút bàn tay ra khỏi bàn tay bà cô.

“Được không đấy?”, bà cô bật cười, hai vai cảm nhận được cái sự nhẹ bẫng trong vài giây luân phiên xuất hiện từ bên này sang bên kia. Bà cô biết con trai với con gái đang phối hợp thay nhau nâng ba-lô lên ở phía sau.

“Được ạ. Đoàn kết thì sẽ được ạ.”, con gái lẫn Jh đồng thanh, làm con trai cũng bật cười. “Chắc chắn ạ.”

Cha gật đầu vui vẻ, vỗ vỗ vai Jh: “Ông để dành bụng đúng là không uổng rồi.”

“Mà sao mấy đứa hay thế nhỉ, đã biết nấu ăn cơ đấy. Ngày trước ông xem bố mẹ nấu nướng mà mãi đến năm lớp năm mới tự tay nấu được hai, ba món cơ bản thôi.”

“Mấy đứa cũng giỏi hơn cả cô nữa. Biết vừa học vừa chơi vậy là tốt. Cùng nhau nấu thú vị mà, đúng không?”

“Vâng, rất vui ạ. Giống như đang chơi trò chơi ấy, mỗi người một vai.”, hôm nay con trai tích cực tham gia cuộc hội thoại, chủ động chơi đùa, nhí nhảnh chẳng khác những đứa trẻ khác là bao. Nét hoạt bát, hiếu động trong con vốn cứ thỉnh thoảng lại nổi lên, đôi lúc ở vào những thời điểm ít ai ngờ đến, một kiểu tùy hứng rất dễ thương, và thu hút đến lạ kì.

… Những bước chân chậm dần lại, cánh cửa sơn xanh lá nhà cha đã hiện ra trước mắt. Năm người giờ đang cầm tay nhau đi thành hàng ngang, mồ hôi lấm tấm trên trán nhưng gương mặt rạng rỡ, tiếng cười giòn khuấy động bầu không khí khá yên lặng của buổi trưa mùa thu. Ở bên trong căn hộ, tất cả người lớn lẫn trẻ em nhà ba anh em đều đã có mặt đông đủ. Hai chiếc bàn thấp, dài đầy chật món ăn kê ngay ngắn ngay giữa phòng khách, mọi cửa sổ đều mở toang, tiếng người nói trong vô tuyến khẽ vọng ra ngoài.

Năm thành viên già trẻ, lớn bé lần lượt đi vào phòng. Không ai bảo ai, cả năm đều nhìn một lượt những thứ bày trên bàn. Người nào nhìn xong cũng mỉm cười. Jh quay đầu tìm mẹ, cười tươi hơn hết thảy. Cuộc hội ngộ thêm một lần nữa được bắt đầu.

  1. Con gái

Trời nắng oi ả như đang mùa hè, dù mới đi trên đường được vài phút thôi mà con đã cảm thấy mồ hôi túa ra ướt đầm trán. Đường trưa thảng hoặc tiếng xe cộ, người nói hay một âm thanh ở đâu đó vọng đến. Đôi lúc lại có tiếng lao xao phía sau hoặc đằng trước con, ấy là một vài tốp học sinh các lớp trên đang chuyện trò trên đường về. Đôi mắt hơi nheo nheo, con đưa tay lên che bớt ánh nắng dù chiếc ô nhỏ vẫn mở bóng trên đầu. Con rẽ vào một ngõ tương đối rộng với hàng cây rợp bóng phía trước những ngôi nhà. Cánh cửa nhà con đã mở sẵn chờ đợi, con bước qua cửa, và mọi âm thanh dường như lùi lại hết phía sau, chúng được thay thế bằng tiếng dọn bát đũa lanh canh, tiếng người lớn trong nhà nói chuyện.

“Nắng lắm không con?”

“Có ạ, con phải che bằng cả ô lẫn tay đấy bố.”, giọng con gái bình thường rồi chuyển sang pha chút nũng nịu, con ngồi phịch xuống ghế lấy lại sức, muốn hưởng gió quạt mát mẻ một lúc trước khi cất cặp và thay quần áo.

Người lớn nhà con kéo chiếc cặp trên vai con ra, vừa mỉm cười vừa vui vẻ đề nghị: “Bố lấy nước mát cho con nhớ?”

“Thôi ạ. Con còn phải ăn cơm chứ.”, nói đoạn, con đứng vụt dậy, chạy vù vào phòng mình. Người lớn nhà con lại khẽ cười.

Mùi thức ăn quen thuộc vương vất khắp nhà, nó thúc giục con nhanh nhanh thêm chút để có mặt bên mâm cơm. Bữa ăn đơn giản và toàn món dễ ăn, đối với con ngon vô cùng: Canh rau luộc này, thịt rang này, đậu rán này. Chỉ vậy thôi nhưng con sẽ ăn đủ hai bát mới dừng.

Người lớn đều đã xong bữa trước và đi nghỉ để chút nữa lại đi làm, còn mình con nhẩn nha ăn nốt bát cơm thứ hai, thỉnh thoảng ngước mắt nhìn vào vô tuyến. Con rất thích cảm giác trở về nhà sau mỗi buổi học, nhất là vào buổi trưa. Con luôn cảm thấy mình đã cố gắng, đã chăm chỉ, do đó nên cơn đói đến như một lẽ tất nhiên, sự dễ chịu khi được nghỉ ngơi, được lấp đầy bụng cũng vậy, tất cả đều tự nhiên, thong thả; con gần như chẳng nghĩ gì trong khoảng thời gian ngắn đặc biệt này. Có lẽ con chưa biết đâu, song như thế chính là con đang tận hưởng nó một cách trọn vẹn nhất.

Dọn gọn bát đũa của mình xong, con gái nhẹ đóng cánh cửa nhà, khóa chắc rồi đứng nấn ná chốc lát trước màn hình, chẳng hiểu sao con hay làm thế lắm, bất kể lúc ấy đang phát chương trình gì. Cứ như con muốn gắng níu giữ thêm cái phần còn lại của không gian bữa cơm trưa vậy, kể cả biết rằng tiếp sau đấy, sẽ tới lượt căn phòng ngủ nhỏ xinh cùng chiếc giường êm cũng hết sức thoải mái sẵn sàng đợi mình.

Tầm hơn một giờ, con chìm vào giấc ngủ yên tĩnh. Trong giấc ngủ, con nghe được tiếng gió rì rào giữa hàng cây xanh trước nhà.

…”Dậy đi cháu ơi!” – “Dậy đi em, mọi người đến cả rồi!” – “Dậy chuẩn bị để cùng đi thôi nào!”

Con gái mở mắt, dụi dụi vài cái, nhìn một lượt hết bốn gương mặt, miệng hơi cười và từ từ ngồi dậy. Con nhìn ra cửa sổ, trời đang không có nắng, cây lá vẫn đung đưa.

“Cần mang gì để cô lấy giúp cho, cháu đi rửa mặt đi.”

“Bố cháu chuẩn bị rồi ạ. Ở trong cái ba-lô màu vàng kia ạ.”

“Đúng rồi, tất cả chúng ta mang túi vàng. Em nhìn này, túi của chị gần giống ba-lô của em. Và giống hệt túi của anh nữa.”

“Ơ, giống thật. Sao lại thế ạ?”

“Vì bọn anh đã cùng tham gia hội trại ở trường năm ngoái. Được tặng đấy.”

Mười phút sau, cả nhóm năm thành viên cùng bước đi trên những con đường vắng bao chứa bởi không gian hầu như không chút xáo động nào ngoại trừ âm thanh chim hót, gió reo. Ba-lô, túi xách được khoác trên tay, một bên vai hay đeo sau lưng, kích cỡ loại to, loại nhỏ, nhưng chung màu sắc. Đoạn đường cuối cùng dẫn ra sông đặc biệt nhiều cây bụi, dù chúng thấp thấp, nhỏ nhỏ song dẻo dai và vững chắc lắm, lá của chúng lại còn có hình dáng khá lạ lùng nữa – hình hoa sao, to bản.

“Đến nơi rồi! Đến thật rồi!”

Ba đứa trẻ vẫy nhau chạy tới bên bờ sông thoai thoải, hơi nhấp nhô những tảng đá trơn nhẵn chỉ ló phần trên cùng lên khỏi mặt đất. Cả ba mỗi người chọn ngồi ở một vị trí gần nhau. Hai chị em gái cùng quay lại nhìn hai người lớn đi đến, nở nụ cười y chang nhau. Gió thổi ở đây có vẻ mạnh hơn, mát hơn trong phố, ai nấy đều thích thú nằm dài bên dòng nước lấp lánh dù trời không hề gợn nắng.

“Đợi lát nữa chúng ta sẽ đi thuyền dạo sông nhé!”

“Hay quá! Nhưng nằm đây cũng thích ông ạ!”

“Thuyền ở chỗ nào hả ông?”

“Sắp có một bác mang tới đấy. Cô đã bảo với bọn chị lúc đến nhà em.”

“Bác ấy bê đến ạ? Thế thì nặng lắm hả cô?”, con gái tròn mắt, hơi nhổm người dậy.

“Không, bác ấy sẽ cầm dây kéo thuyền. Thuyền bơi trên mặt nước ấy cháu.”

“Nếu bê thì phải hai người mới được, cô nhỉ?”

“Phải đấy, còn phải ba người lớn ấy chứ. Ba anh em mình không được đâu.”

Trong lúc ba thành viên trẻ lan man đủ chuyện, bàn bạc, nêu ý kiến xem nếu ba đứa hợp sức lại sẽ vác nổi con thuyền kích thước lớn cỡ nào, nếu kéo dây như bác kia thì sẽ cần hai hay chỉ một là đủ, hai thành viên già đi ngược lên hướng dốc của bờ sông, ngóng đợi người mang thuyền tới. Khoảnh khắc bóng dáng con thuyền gỗ đơn sơ mà vững chắc hiện ra trước mắt họ, khoảnh khắc thấy cánh buồm nhỏ căng tràn nhờ làn gió mạnh mẽ, thành viên trẻ hơn lờ mờ hiểu rằng viễn cảnh tươi đẹp trong bài thơ mình yêu thích nhất dường như bắt đầu trở thành hiện thực:

‘Cha mượn cho con buồm trắng nhé

Để con đi…’

Một bàn tay ấm áp đặt lên vai thành viên trẻ hơn, ba tiếng cười giòn vang lên ngay cạnh. Cảm giác như một giấc mơ đang mở lối…

Bình luận


bình luận
Nguồn: truyenngan.net
 

Bình luận bằng Facebook

Top