Chương trình mới môn tiếng Anh tiếp cận được những quan điểm chuẩn mực của thế giới

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Mục tiêu đạt bậc 3/6 có nghĩa là học sinh học hết phổ thông, có khả năng nghe nói tốt trong phạm vi quy định của chương trình


Thầy Nguyễn Quốc Hùng, MA cho biết:

Nghiên cứu Chương trình mới, môn Tiếng Anh của Bộ GD&ĐT tôi thấy đây là chương trình tiếp cận được những quan điểm chuẩn mực và phương pháp của thế giới. Chương trình đã xác định mục tiêu rất rõ ràng là "hình thành và phát triển năng lực giao tiếp" thông qua bốn kỹ năng nghe-nói, đọc, viết.

Kết thúc THPT học sinh đạt được Bậc 3/6 của khung năng lực 6 bậc theo Thông tư số: 01/2014/TT-BGDĐT, ngày 24-01-2014. Kèm theo mục tiêu này Khung chương trình đã quy định đầy đủ nội dung về ngữ liệu (từ vựng, ngữ pháp, phát âm) và phương pháp dạy - học (định hướng giao tiếp và lấy người học làm trung tâm).

Mục tiêu đạt bậc 3/6 có nghĩa là học sinh học hết phổ thông, có khả năng nghe nói tốt trong phạm vi quy định của chương trình.

Về nói:

Có thể giao tiếp tương đối tự tin về các vấn đề quen thuộc liên quan đến sở thích, học tập và việc làm của mình. Có thể trao đổi, kiểm tra và xác nhận thông tin, giải thích vấn đề nảy sinh. Có thể trình bày ý kiến về các chủ đề văn hóa như phim ảnh, sách báo, âm nhạc, v.v...

- Có thể tham gia đàm thoại về các chủ đề quen thuộc mà không cần chuẩn bị, thể hiện quan điểm cá nhân và trao đổi thông tin về các chủ đề quen thuộc liên quan đến sở thích cá nhân, học tập, công việc hoặc cuộc sống hằng ngày.

(Trích 2.2.1. Đặc tả tổng quát cho kỹ năng nói độc thoại. Khung năng lực 6 bậc)

Về nghe:

Có thể hiểu được những thông tin hiện thực đơn giản được diễn đạt rõ ràng bằng giọng chuẩn về các chủ đề liên quan tới cuộc sống và công việc thường ngày.

- Có thể xác định được ý chính trong các bài nói được trình bày rõ ràng về những chủ đề thường gặp trong cuộc sống, công việc hay trường học, kể cả các câu chuyện khi được diễn đạt rõ ràng bằng phương ngữ chuẩn phổ biến.

(Trích 2.1.1. Đặc tả tổng quát cho kỹ năng nghe. Khung năng lực 6 bậc)


Thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng, MA

Tôi thấy như vậy, về mặt chỉ đạo, Bộ GD&ĐT đã có kim chỉ nam để thực hiện mục tiêu này. Học sinh có đạt được trình độ này hay không, đến nay không còn phụ thuộc vào chất lượng của chương trình mà phụ thuộc vào ba yếu tố:

1. Người thầy: Người thầy phải có đủ trình độ tiếng Anh để đứng lớp, phải có trình độ nghiệp vụ đủ để thực hiện yêu cầu của chương trình, và bắt kịp nhịp đập của kỹ thuật dạy tiếng trên thế giới.

2. Sách giáo khoa: Sách giáo khoa phải phù hợp với học sinh Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu về chuẩn kiến thức của chương trình, đáp ứng 44 tiêu chí đánh giá sách giáo khoa theo Thông tư Số 31/2015/TT-BGDĐT, ngày 14-12-2015.

3. Điều kiện học tập, trong đó có thái độ học tập của học sinh. Các lớp học phải có đủ học cụ tối thiểu: phấn-bảng và băng đĩa (CD). Học sinh phải có thái độ học tập nghiêm túc, tránh xu hướng học đối phó, không học mà chờ chạy điểm.

Nói tóm lại nếu hội tụ được đầy đủ ba yếu tố trên thì mục tiêu của chương trình sẽ khả thi đối với đại đa số học sinh tốt nghiệp THPT. Như vậy sự thành công tới mức nào, tức là khả năng nghe nói tốt tới mức nào, còn phụ thuộc vào các cơ sở đào tạo cũng như cá nhân học sinh.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top