Chương trình giáo dục phổ thông mới cấp tiểu học: Chuẩn bị về cơ cấu và chất lượng đội ngũ

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Trong phạm vi bài viết, chúng tôi xin được so sánh, phân tích Kế hoạch giáo dục cấp tiểu học mới với Kế hoạch giáo dục cấp tiểu học hiện hành để từ đó đưa ra những nhận xét nhằm định hướng cho công tác chuẩn bị đội ngũ khi thực hiện Kế hoạch giáo dục mới.

Phân tích Kế hoạch giáo dục mới

Nội dung giáo dục ở cấp tiểu học bao gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, cụ thể là:

- Lớp 1 và lớp 2: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật), Hoạt động trải nghiệm và 2 môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1.

- Lớp 3: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Ngoại ngữ 1, Tự nhiên và Xã hội, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật), Hoạt động trải nghiệm.

- Lớp 4 và lớp 5: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Ngoại ngữ 1, Lịch sử và Địa lí, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật), Hoạt động trải nghiệm.

Như vậy, các môn mà tất cả các lớp của cấp học đều có là: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật), Hoạt động trải nghiệm.

Trong chương trình mới, chỉ có một số môn học và hoạt động giáo dục (HĐGD) mới hoặc mang tên mới là: Tin học và Công nghệ, Ngoại ngữ, Hoạt động trải nghiệm.

Việc đổi tên môn Kĩ thuật ở cấp tiểu học thành Tin học và Công nghệ là do chương trình mới bổ sung phần Tin học và tổ chức lại nội dung phần Kĩ thuật. Tuy nhiên, trong chương trình hiện hành, môn Tin học đã được dạy từ lớp 3 như một môn học tự chọn. Ngoại ngữ tuy là môn học mới ở cấp tiểu học nhưng là một môn học từ lâu đã được dạy ở các cấp học khác; thậm chí đã được nhiều học sinh làm quen từ cấp học mầm non.

Hoạt động trải nghiệm cũng là một nội dung quen thuộc vì được xây dựng trên cơ sở các hoạt động giáo dục tập thể như chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Sao Nhi đồng, Đội TNTP Hồ Chí Minh và các hoạt động tham quan, lao động, thiện nguyện, phục vụ cộng đồng… trong chương trình hiện hành.

Hoạt động trải nghiệm của mỗi lớp do giáo viên chủ nhiệm phụ trách, thực hiện theo kế hoạch của nhà trường. Tùy từng hoạt động cụ thể, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với giáo viên môn học, cán bộ phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, cha mẹ học sinh để tổ chức các hoạt động này. Giáo viên và nhà trường cũng cần báo cáo chính quyền địa phương, phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong xã hội để hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động lao động công ích, thiện nguyện.

Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với Hoạt động trải nghiệm.

Thời lượng thực hiện chương trình

Từ bảng so sánh chúng ta thấy, số tiết dạy ở Kế hoạch giáo dục mới so với số tiết dạy ở Kế hoạch giáo dục hiện hành có một số thay đổi, cụ thể là:

- Lớp 1: Môn Tiếng Việt tăng 70 tiết; môn Tự nhiên và Xã hội tăng 35 tiết; môn Giáo dục thể chất tăng 35 tiết; môn Toán giảm 35 tiết; môn Thủ công giảm 35 tiết. Tổng thể tăng 70 tiết/năm (2 tiết/tuần).

- Lớp 2: Môn Tiếng Việt tăng 35 tiết; môn Tự nhiên và Xã hội tăng 35 tiết; môn Thủ công giảm 35 tiết. Tổng thể tăng 35 tiết/năm (1 tiết/tuần).

- Lớp 3: Môn Tiếng Việt giảm 35 tiết; môn Thủ công giảm 35 tiết; môn Ngoại ngữ tăng 140 tiết; môn Tin học và Công nghệ tăng 70 tiết. Tổng thể tăng 140 tiết/năm (4 tiết/tuần).

- Lớp 4: Môn Tiếng Việt giảm 35 tiết; môn Kỹ thuật giảm 35 tiết; môn Ngoại ngữ tăng 140 tiết; môn Tin học và Công nghệ tăng 70 tiết. Tổng thể tăng 140 tiết/năm (04 tiết/tuần).

- Lớp 5: Môn Tiếng Việt giảm 35 tiết; môn Kỹ thuật giảm 35 tiết; môn Ngoại ngữ tăng 140 tiết; môn Tin học và Công nghệ tăng 70 tiết. Tổng thể tăng 140 tiết/năm (4 tiết/tuần).

Sở dĩ có sự tăng thời lượng như vậy là do Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thiết kế dạy học 2 buổi/ngày còn Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành được thiết kế dạy học 1 buổi/ngày.


Băn khoăn về số lượng và cơ cấu giáo viên

Trước hết, chúng ta cùng thống nhất về khái nhiệm “giáo viên văn hóa” và “giáo viên chuyên biệt”. Giáo viên văn hóa là giáo viên dạy các môn học và hoạt động giáo dục: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Hoạt động trải nghiệm. Giáo viên chuyên biệt là giáo viên dạy các môn học và hoạt động giáo dục: Ngoại ngữ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật), Hoạt động trải nghiệm.

Từ sự thống nhất trên ta thấy:

- Lớp 1, 2: Về cơ bản, số lượng và cơ cấu giáo viên dạy các môn học và hoạt động giáo dục không thay đổi so với kế hoạch giáo dục hiện hành.

- Lớp 3, 4, 5: Nếu môn Tin học và Công nghệ gồm hai phần: Phần Tin học và phần Công nghệ (phần Tin học do giáo viên Tin học dạy, phần Công nghệ do giáo viên văn hóa dạy) thì số tiết của giáo viên văn hóa giảm 35 tiết/năm (1 tiết/tuần) và số tiết của giáo viên chuyên biệt tăng thêm 175 tiết/năm (5 tiết/tuần). Cụ thể số tiết tăng: Giáo viên dạy Ngoại ngữ tăng 140 tiết/năm (4 tiết/tuần), giáo viên Tin học tăng 35 tiết/năm (1 tiết/tuần).

Nếu môn Tin học và Công nghệ tích hợp với nhau (chỉ giáo viên Tin học dạy) thì số tiết của giáo viên văn hóa giảm 70 tiết/năm (2 tiết/tuần) và số tiết của giáo viên chuyên biệt tăng thêm 210 tiết/năm (6 tiết/tuần), trong đó số tiết của giáo viên dạy Ngoại ngữ là 140 tiết/năm (4 tiết/tuần), giáo viên Tin học là 70 tiết/năm (2 tiết/tuần).

Như vậy, ở các lớp 3, 4, 5 có sự thay đổi về số lượng và cơ cấu giáo viên, đặc biệt là thêm giáo viên dạy môn Ngoại ngữ và Tin học. Trong kế hoạch giáo dục hiện hành, môn Ngoại ngữ và Tin học là hai môn học tự chọn. Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều trường tiểu học dạy học hai môn học này.

Lo về chất lượng đội ngũ

Khó khăn lớn nhất khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp tiểu học là đội ngũ giáo viên phần lớn được đào tạo và đã giảng dạy nhiều năm theo định hướng dạy học “chủ yếu trang bị kiến thức cho học sinh” nay chuyển sang dạy học theo định hướng “phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh”. Vì vậy, các cấp quản lý giáo dục cần chú trọng công tác đào tạo lại, tập huấn và bồi dưỡng giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trên đây là một số phân tích, nhận xét về kế hoạch giáo dục cấp tiểu học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Rất mong các bạn quan tâm đến vấn đề này cùng nghiên cứu và trao đổi.

Phan Duy Nghĩa (Phòng GDPT, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh)
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top