Chương trình GDPT mới: Bí quyết dạy và học hiệu quả môn Ngữ văn

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Cô giáo Phạm Thị Thu Hằng, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (Cần Thơ) chia sẻ với Báo GD&TĐ về những mong muốn của thầy và trò.

Chương trình mở

- Sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ áp dụng Chương trình GDPT mới đối với các cấp học. Với bộ môn Ngữ văn THPT, cô đã được tiếp cận các vấn đề này như thế nào?

- Với Chương trình GDPT mới, môn Ngữ văn trong trường phổ thông được xây dựng hướng tới mục tiêu lấy người học làm trung tâm, phát huy năng lực chung và năng lực đặc thù của HS. Đồng thời, tạo độ mở về nội dung và có sự phù hợp với tổng thể các thay đổi của chương trình giáo dục phổ thông.

Nội dung cốt lõi của môn Ngữ văn là sự tổng hòa giữa các mạch kiến thức, kỹ năng cơ bản, thiết yếu về tiếng Việt và văn học với sự phù hợp các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực HS mỗi cấp học. Chương trình GDPT mới là một chương trình mở, hợp xu thế, không chỉ trao cho GV quyền được lựa chọn nội dung, ngữ liệu giảng dạy thích hợp mà còn tạo điều kiện cho HS được phát huy một cách tốt nhất năng lực trong học tập. Sự thay đổi về nội dung chương trình cũng được xem xét để mở ra cho người dạy sự linh hoạt và những hướng lựa chọn, tiếp cận thích hợp các tác phẩm văn học.

Đưa ra quan điểm để GV dạy môn Ngữ văn có thể không cần dựa vào bất cứ cuốn sách giáo khoa nào mà có thể tùy chọn bất cứ tác phẩm nào để dạy học đồng nghĩa với việc tạo cho cả người dạy và người học được tiếp cận với các tiết học có nội dung mở. HS được thực hành, luyện tập và vận dụng nhiều kiểu loại văn bản khác nhau. Sau khi rời nhà trường, các em có thể tiếp tục học suốt đời và có khả năng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

- Môn Ngữ văn sẽ có những thay đổi nào trong quá trình giảng dạy?

- Chương trình Ngữ văn mới sẽ lấy các kỹ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) làm trục chính xuyên suốt cả ba cấp học, nhằm đáp ứng yêu cầu theo định hướng năng lực và bảo đảm tính chỉnh thể, sự nhất quán liên tục trong tất cả các cấp/lớp. Đọc bao gồm yêu cầu đọc đúng và đọc hiểu. Yêu cầu về đọc hiểu bao gồm các yêu cầu hiểu văn bản (trong đó có cả đọc thẩm mỹ, cảm thụ, thưởng thức và đánh giá) và hiểu chính mình (người đọc).

Viết không chỉ yêu cầu học sinh biết viết chữ, viết câu, viết đoạn mà còn tạo ra được các kiểu loại văn bản, trước hết là các kiểu loại văn bản thông dụng, sau đó là một số kiểu loại văn bản phức tạp hơn. Nói và nghe căn cứ vào nội dung của đọc và viết để luyện tập cho học sinh trình bày, nói và nghe tự tin, có hiệu quả; từ nói đúng đến nói hay.

Trước yêu cầu đổi mới môn học Ngữ văn, GV bắt buộc phải có sự thích ứng nhanh với việc tự đổi mới. Trên nền chương trình, GV vẫn là người cung cấp kiến thức, nhưng đồng thời còn phải tổ chức tốt các hoạt động giáo dục khác nhằm thu hút học sinh tham gia có chủ đích vào việc học.

Thầy cô phải hạn chế sự áp đặt trong dạy và học, giúp cho HS nâng cao đáp ứng sở thích và nhu cầu học tập, HS được nâng cao hơn về cả nội dung và hướng tới sự phân hóa. Môn Ngữ văn hướng tới cho HS cơ hội khám phá bản thân và thế giới xung quanh, biết đồng cảm, sẻ chia, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn; Bồi dưỡng cho HS tình yêu đối với tiếng Việt và văn học, có ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc.

Phải thích ứng với nhiều điểm mới


Cô giáo Phạm Thị Thu Hằng

- GV bộ môn Ngữ văn có những thuận lợi và khó khăn như thế nào trong việc áp dụng Chương trình GDPT mới?

- Một trong những khó khăn là các GV phải thích ứng với nhiều điểm mới của Chương trình GDPT mới. Những điểm mới trên đòi hỏi người giáo viên phải được trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp, lẫn kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động dạy học.

Khó khăn tiếp theo là vấn đề thống nhất và kiểm soát được các nội dung, ngữ liệu dạy học ở từng khối lớp. Cho người dạy quyền được lựa chọn ngữ liệu sẽ giúp gia tăng sự linh hoạt, sáng tạo và hạn chế sự nhàm chán trong quá trình giảng dạy. Điều này sẽ tạo cảm hứng cho cả người dạy và người học.

Tuy nhiên khi mỗi giáo viên có cách lựa chọn tác phẩm phục vụ giảng dạy riêng thì học sinh sẽ gặp khó khăn với các đề thi chung không đề cập tới các tác phẩm văn học đã được học trên lớp. Các nhà trường có thể giám sát toàn diện quá trình lên lớp của giáo viên cũng như việc lựa chọn ngữ liệu của giáo viên có chuẩn chỉ với mục tiêu giáo dục hay không? Do đó việc lựa chọn bộ sách sắp tới cũng cần xem xét để quản lý một cách thống nhất và hệ thống hơn.

Bên cạnh đó là những hạn chế, bất cập về cơ sở vật chất, kinh phí đào tạo trong ngành Giáo dục. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, không gian riêng ở nhiều địa phương sẽ không đáp ứng được yêu cầu do có nhiều môn học mới, đòi hỏi rèn luyện kỹ năng, chú trọng giáo dục nhân cách cho học sinh. Hơn nữa, việc giáo dục trải nghiệm sáng tạo cũng cần kinh phí thực hiện và hơn hết là bảo đảm sự an toàn cho học sinh, tạo niềm tin cho phụ huynh cùng đồng hành với nhà trường trong việc giáo dục con em mình.

Song đội ngũ GV cũng được tạo điều kiện trong quá trình giảng dạy. Đó là xu thế hội nhập. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đem đến nhiều đổi mới chất lượng cao, sự tương tác trong vấn đề giáo dục. Công tác bồi dưỡng, tập huấn được tiến hành thường xuyên.

Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đã mở lớp tập huấn ngắn hạn về chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên cốt cán, học trực tuyến, bồi dưỡng tại chỗ, phát huy năng lực tự nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Các hình thức tập huấn hết sức đa dang, ngành GD-ĐT tổ chức các buổi giao lưu học tập kinh nghiệm; Tổ chức hội thảo chuyên đề các cụm trường, mời chuyên gia để truyền đạt ý tưởng, tạo động lực để giáo viên chủ động tiếp cận Chương trình SGK mới một cách thiết thực và hiệu quả hơn.

- Xin cảm ơn cô về cuộc trao đổi!
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top