Chương Lượng tử ánh sáng (môn Vật lý): Những nội dung cần lưu ý

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Hiểu lý thuyết

Cô Ánh nhận định: Theo đề minh họa của Bộ GD&ĐT cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, nội dung bài học Hiện tượng quang điện – Thuyết lượng tử ánh sáng thuộc chương Lượng tử ánh sáng – môn Vật lý 12 chỉ dừng ở mức độ Nhận biết - Thông hiểu.

Vì thế, với bài học này, HS cần hiểu được: Thí nghiệm của Héc về hiện tượng quang điện; Khái niệm hiện tượng quang điện; Định luật về giới hạn quang điện; Giả thuyết của Plăng; Nội dung của Thuyết lượng tử ánh sáng.

Đối với các dạng bài tập, cô Ánh lưu ý cần nắm chắc kiến thức lý thuyết. Cụ thể, câu hỏi về thí nghiệm hiện tượng quang điện của Héc, hiểu rõ đặc điểm của nguồn hồ quang là tử ngoại mạnh.

Phân biệt rõ các trường hợp tấm kẽm tích điện âm hoặc tích điện dương. Hai trường hợp này hiện tượng quang điện vẫn xảy ra nhưng kết quả thí nghiệm lại khác nhau: Tấm kẽm tích điện âm, quan sát thấy góc lệch của kim tĩnh điện kế giảm còn trường hợp tấm kẽm tích điện dương, góc lệch này không đổi.

Chiếu ánh sáng từ nguồn hồ quang sau khi đã chắn nguồn ánh sáng này bằng tấm thủy tinh dày, các tia tử ngoại sẽ bị hấp thụ: Không có hiện tượng quang điện xảy ra. Nếu chiếu các loại bức xạ có bước sóng dài khác (tia hồng ngoại, ánh sáng nhìn thấy...) đều không có hiện tượng gì xảy ra.

Các câu hỏi về khái niệm hiện tượng quang điện, HS cần chú ý: Hiện tượng này xảy ra với kim loại; Các electron bứt ra khỏi tấm kim loại dưới tác dụng của ánh sáng thích hợp.

Về định luật giới hạn quang điện, cần hiểu giới hạn quang điện là gì? Giới hạn quang điện của kim loại kiềm có đặc điểm gì? Điều kiện để xảy ra hiện tượng quang điện với một kim loại, xét theo các trường hợp khác nhau: Bước sóng, tần số, năng lượng của ánh sáng kích thích.

Về nội dung của giả thuyết Plăng, các em cần ghi nhớ: Sự hấp thụ hay phát xạ năng lượng của các nguyên tử, phân tử; Lượng tử năng lượng là gì?

Nội dung của Thuyết lượng tử ánh sáng, kiến thức quan trọng cần nhớ: Trong một chùm sáng đơn sắc, năng lượng của các photon là bằng nhau và không thay đổi khi truyền đi xa, kể cả khi truyền từ môi trường 1 sang môi trường 2; Khi chuyển động trong 1 môi trường, vận tốc của photon bằng vận tốc ánh sáng và chỉ bằng c = 3.108m/s khi truyền trong chân không.

Đối với bài tập về năng lượng của photon, HS áp dụng công thức của Anhxtanh, chú ý đổi đơn vị của các đại lượng.

Bài tập xác định các bức xạ có thể gây ra hoặc không gây ra hiện tượng quang điện với các kim loại: Chú ý có các cách hỏi khác nhau theo các trường hợp sau: λ £ λ0, f ³ f0, e³ A.

Những lưu ý để ghi điểm cao


Cô Việt Ánh hướng dẫn bài cho học trò lớp 12A1 (Trường THPT Vĩnh Bảo - Hải Phòng). Ảnh: TG

Để làm tốt phần Nhận biết và Thông hiểu, HS phải nắm chắc phần lý thuyết: Cần phân tích rõ các hiện tượng, thí nghiệm… để có thể làm đúng được câu hỏi lý thuyết. Do lời dẫn các câu hỏi sẽ thay đổi, có khi chỉ thay đổi một phần nhỏ từ ngữ trong lời dẫn cũng có thể làm nội dung câu hỏi khác đi rất nhiều, vì vậy, các em cần hiểu vấn đề thay vì học thuộc lòng.

Để HS nắm chắc kiến thức lý thuyết, cô Ánh xây dựng hệ thống câu hỏi lý thuyết cho từng bài học dưới dạng tự luận, các em sẽ đọc kỹ bài và trả lời các hỏi lý thuyết. Việc này giúp các em ghi nhớ được nội dung bài học.

Sau đó, GV sẽ kiểm tra vấn đáp, cùng một vấn đề, có thể hỏi theo nhiều cách để các em có thể thích nghi và biết cách phân tích với yêu cầu khác nhau của câu hỏi về cùng một nội dung. Khi trình bày tức là các em đã nắm được kiến thức và sẽ khắc sâu hơn. Trong quá trình tương tác, GV sẽ sửa nội dung mà các em hiểu chưa đúng hoặc hiểu sai. Vì vậy, muốn học chắc phần kiến thức lý thuyết, ngoài trả lời câu hỏi tự luận, trả lời vấn đáp là cách tốt giúp HS khắc sâu, nhớ kỹ kiến thức.

Câu hỏi trắc nghiệm có nhiều dạng khác nhau: Chọn đáp án đúng, sai, điền khuyết, ghép đôi. Yêu cầu HS khi làm câu hỏi này cần đọc kỹ các đáp án. Với các đáp án sai, HS cần chỉ ra điểm sai ở chỗ nào và muốn sửa lại thành đáp án đúng thì có những cách sửa nào.


Theo cô Ánh, đề thi minh họa môn Vật lý Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 của Bộ GD&ĐT, phần Vận dụng và Vận dụng cao chiếm 30%. Để làm được, HS cần nắm được các dạng bài và công thức của từng dạng. Một điều chắc chắn, các em phải trải qua quá trình luyện tập nhiều. Ở phần này, GV xây dựng hệ thống bài tập theo từng dạng nội dung, trong đó là chia thành nhiều mức độ cho HS luyện tập. Bước tiếp theo, HS sẽ luyện tập tổng hợp theo các đề thi ma trận của Bộ GD&ĐT.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top