Chứng chỉ, sao mãi băn khoăn?

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Câu hỏi này được một số giáo viên đặt ra, dù cơ quan quản lý giáo dục đã không ít lần làm rõ trên truyền thông. Thậm chí có ý kiến cho rằng, không cần thiết phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN.

Trước hết phải khẳng định: Yêu cầu chứng chỉ nói trên không phải là "sáng kiến" riêng của ngành Giáo dục. Luật Viên chức năm 2010 quy định việc bổ nhiệm CDNN đối với viên chức được thực hiện theo nguyên tắc: "Làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào CDNN tương ứng với vị trí việc làm đó" và "người được bổ nhiệm CDNN nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của CDNN đó".

Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức quy định: "Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN là một trong những điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm, thay đổi CDNN của viên chức". Đây là quy định chung với tất cả viên chức, trong đó có viên chức ngành Giáo dục. Do đó, để được bổ nhiệm vào hạng hoặc tham gia thi, xét thăng hạng để thay đổi CDNN, giáo viên cần phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN. Điều đó không cần bàn cãi.

Lại có ý kiến cho rằng, những nội dung được bồi dưỡng để lấy chứng chỉ vẫn chỉ là kiến thức giáo viên được học trong trường sư phạm và các lớp tập huấn, bồi dưỡng giáo viên đã tham gia, nên không mới. Tuy nhiên, trên thực tế, chương trình đào tạo trong các trường sư phạm nhằm cung cấp, rèn luyện cho sinh viên kiến thức, kỹ năng cơ bản, nền tảng để tốt nghiệp ra trường có khả năng giảng dạy, giáo dục tại cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Còn các khóa bồi dưỡng giáo viên tham gia hàng năm với mục đích bồi dưỡng, cập nhật kiến thức bắt buộc để phát triển nghề nghiệp (như bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng thực hiện chương trình sách giáo khoa...).

Trong khi đó, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN giáo viên các cấp là hình thức bồi dưỡng viên chức, được thực hiện sau khi Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thực hiện luật này có hiệu lực. Đây là hình thức bồi dưỡng áp dụng đối với viên chức của tất cả ngành/lĩnh vực. Hình thức bồi dưỡng này đáp ứng nhu cầu tự thân của mỗi giáo viên để tích lũy đủ tiêu chuẩn nhằm mục đích thăng hạng CDNN trong quá trình hoạt động nghề nghiệp. Đối với mỗi hạng CDNN, nếu có yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN, giáo viên chỉ phải tham gia bồi dưỡng một lần trong suốt quá trình giữ hạng. Nếu không có nhu cầu thăng hạng, trong toàn bộ thời gian hoạt động nghề nghiệp, giáo viên chỉ cần tham gia bồi dưỡng một lần duy nhất để đáp ứng yêu cầu của hạng đã được bổ nhiệm.

Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố các dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn CDNN, bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non và phổ thông công lập để xin ý kiến góp ý rộng rãi. Trong quá trình xây dựng dự thảo các Thông tư nói trên, Bộ GD&ĐT rà soát các quy định về tiêu chuẩn CDNN đã triển khai trong thời gian qua, trong đó có quy định liên quan đến chứng chỉ bồi dưỡng để điều chỉnh cho phù hợp nhằm gỡ khó cho giáo viên. Có thể nói đến việc không quy định tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ đối với hạng thấp nhất (hạng IV); bỏ quy định về ngoại ngữ 2 đối với giáo viên ngoại ngữ để bảo đảm công bằng so với giáo viên dạy Tin học và phù hợp với yêu cầu thực tiễn; quy định các trường hợp "tương đương" về chứng chỉ hoặc công nhận các chứng chỉ bồi dưỡng CDNN mà giáo viên đã được cấp trong thời gian vừa qua. Nếu các quy định này đi vào thực tiễn sẽ gỡ khó cho không ít giáo viên, đồng thời góp phần tạo động lực để thầy cô nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top