Chủ nghĩa trung bình trong học tập

dinhnhuy012

Thành viên
Thành viên BQT
#1
Chủ nghĩa trung bình đang là lối sống của không ít các bạn trẻ, nâng lên thành triết lý, nghệ thuật sống. Bằng lòng với kết quả đủ để gia đình và thầy cô giáo không có lý do để nhắc nhở và phê bình.
Nhiều người còn lý luận: Cứ bình bình bài kiểm tra 5 – 6 điểm không bị ai “soi”, chẳng bị ghen ghét đố kỵ, cứ thế mà “tiến”, thừa thời gian chơi bời, tối kê cao gối vô tư ngủ kỹ, sức khỏe bảo đảm, để tận hưởng lạc thú dài dài mà cuộc đời ban tặng cho mình.
Nhiều kiều nữ tuổi “teen” an phận, “ru” mình bằng lý luận sống: Con gái rồi cũng lấy chồng, nuôi con. Sự nghiệp của phụ nữ là gia đình hạnh phúc, con trai thích con gái “3 ng”. Ngoan một tý, ngon một tý, ngu một tý. Vậy con gái “thoát nạn mù chữ” vào đại học được thì tốt, nếu không tốt nghiệp phổ thông là quá đủ.
Chủ nghĩa trung bình trong học tập là lực cản vô hình, làm giảm ý chí phấn đấu vươn lên trong học tập của một số đông học sinh thuộc tầng lớp con nhà giàu.
Lao động học tập là một sân chơi trí tuệ vốn rất khó khăn gian khổ, đòi hỏi học sinh chăm chỉ, cần cù, kiên nhẫn lâu dài, chiến thắng bản thân mới hy vọng đạt kết quả tốt: Nhiều người biến các điều kiện thuận lợi vật chất của gia đình, không phải theo hướng tích cực, tận dụng nó để phục vụ cho nhiệm vụ trọng tâm học tập.
Ngược lại họ coi vật chất là phương tiện để họ tận hưởng thậm chí trở thành “mốt” của con nhà đại gia. Họ vào “cạ” với nhau, phân chia đẳng cấp, làm vẩn đục bầu không khí trong sáng vô tư, mộng mơ của lứa tuổi “hồng”. Họ chia rẽ bè phái, gây mất đoàn kết, chê bai các bạn say mê học tập là “dại”, “khùng”, “điên”, “không thức thời”.
Chủ nghĩa trung bình trong học tập làm hạn chế tầm nhìn của bạn trẻ. Họ bằng lòng với vốn kiến thức ít ỏi, bảo thủ dương dương tự đắc, cho rằng mình “khôn” “hiểu đời” cái gì cũng biết: Ngoại ngữ đủ để giao tiếp, vi tính có thể “chát” tìm bạn, thuộc dăm ba câu thơ, ít địa danh lịch sử…
Chính việc “cái gì cũng biết” ấy, đánh lừa họ, thực sự họ chẳng biết gì cả. Với tư tưởng trung bình trong học tập, họ chưa đủ “phông” văn hóa để biết chọn màu sắc, kiểu áo quần, tạo dáng mái tóc “tôn” vẻ đẹp hình thức của chính mình, chứ chưa nói đến vẻ đẹp tâm hồn là “phần chìm của tảng băng”, không phải ai cũng đủ trình độ để thấy được.
Sỹ Tứ

Việt Báo (Theo_Tien_Phong)
 

Bình luận bằng Facebook

Top