Chiến lược dài hơi

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Thực ra, khó có câu trả lời tuyệt đối, nó không giống như kết quả của một phép tính. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam như hiện nay, với những gì mà chúng ta đã, đang và sẽ làm, việc cho học sinh đi học trở lại là cần thiết. Ngay tại Trung Quốc, đến đầu tháng 3 này, nhiều tỉnh cũng cho học sinh đi học trở lại. Nói như vậy để thấy rằng, cẩn trọng là cần thiết nhưng cũng không nên quá hoang mang, lo lắng khi các em trở lại trường học.

Trở lại vấn đề, đi học an toàn hơn hay ở nhà an toàn hơn? Không ai có thể khẳng định học sinh ở nhà sẽ tốt hơn, an toàn hơn khi đến trường. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng khi đến trường các em sẽ được chăm sóc, bảo vệ trong môi trường an toàn. Ngành Giáo dục là: Luôn sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại với những nỗ lực cao nhất có thể trong khả năng, phạm vi và trách nhiệm để bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên và bản thân những người làm việc trong ngành..

Nói như Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ: An toàn, an tâm thì học sinh mới đến trường và khi học sinh đến trường thì phải bảo đảm an toàn cho các em. Một số chuyên gia y tế, trong đó có PGS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur cũng cho rằng, học sinh đến trường sẽ an toàn hơn ở nhà.

Không bàn sâu đến việc “hơn – kém” khi học sinh đi học hay ở nhà để phòng tránh Covid-19, việc chúng ta cần quan tâm đó là phương án và kịch bản ứng phó với diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Nói cách khác, chúng ta cần có chiến lược dài hơi cho công tác này, bởi chắc chắn dịch Covid-19 không thể kết thúc trong ngày 1 ngày 2, nhất là hiện nay một số quốc gia bắt đầu bùng phát đại dịch này.

Hơn nữa, cũng cần xác định: Không chỉ có dịch bệnh do Covid-19, chúng ta phải luôn sẵn sàng ứng phó với hàng loạt dịch bệnh khác có thể xảy ra trong cộng đồng hoặc trong học đường. Vì vậy, việc cần làm là, tiếp tục kiểm soát dịch bệnh thật tốt để Covid-19 và bệnh theo mùa khác để không xuất hiện và lây lan trong trường học.


Hơn lúc nào hết, nhà trường phải chủ động, sẵn sàng kịch bản dạy học trong mùa dịch. Ngoài việc vệ sinh, khử trùng, sát khuẩn là yêu cầu bắt buộc, các trường học nói cung và thầy, cô giáo nói riêng cần linh hoạt trong các hoạt động giáo dục, đặc biệt là đề cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Cùng với đó, cần làm tốt khâu rà soát các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ nhiễm Covid-19; khuyến cáo giáo viên, học sinh rửa tay bằng xà phòng, kiểm tra, đo thân nhiệt… và hạn chế một số hoạt động ngoại khoá, các môn học tập trung đông người.

Đồng hành cùng các địa phương và nhà trường, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục, trong đó đặc biệt lưu ý sự chuẩn bị của nhà trường trong thời gian học sinh nghỉ học; Các biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho giáo viên, học sinh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi học sinh đi học trở lại.

Bộ cũng phối hợp với Học viện Quân y biên soạn tài liệu “100 câu hỏi - đáp về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong các cơ sở giáo dục”. Thiết nghĩ, đây là cẩm nang quan trọng nhằm cung cấp cho phụ huynh, học sinh, sinh viên và cán bộ nhân viên ngành Giáo dục những kiến thức cơ bản về dịch Covid-19; đồng thời hướng dẫn thực hiện đúng và hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch do các cơ quan chức năng triển khai. Quan trọng hơn, giúp mọi người có thái độ đúng mực, không chủ quan nhưng cũng không quá lo sợ trước dịch bệnh.

Tâm An
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top