Hồi dọn về nhà mới, bố tôi sắm cho bà một chiếc tủ gỗ để bà đựng quần áo và đồ dùng cá nhân nhưng bà vẫn không chịu rời chiếc rương gỗ.
- Với người già, những thứ đồ dùng đơn giản đôi khi là kỷ vật vô giá.
Bố nói với chúng tôi như thế khi không có mặt bà nửa như giải thích, nửa như dặn dò. Vậy nên dù không muốn, bố vẫn kê lại y nguyên chiếc rương gỗ cho bà như hồi còn ở nhà cũ.
Quần áo của bà không có nhiều, dăm ba bộ quần áo xếp ngay ngắn trên kệ tủ, vài chiếc áo cánh treo trên móc, khăn quàng và khăn đội đầu bà gấp vuông vức để vào một cái túi ni lông. Không hiểu bà đựng gì trong chiếc rương gỗ cũ kỹ ấy mà chưa một lần tôi bắt gặp bà mở nó ra. Sự im lặng vô hình giấu trong chiếc rương gỗ khiến tôi tò mò thực sự.
Rồi một lần trí tò mò của tôi được cái Hân, nhỏ em tôi khiêu khích:
- Em cá với chị trong đó chắc có rất nhiều thư tình ngày xưa ông nội gửi cho bà, nếu không thì phải có những thứ gì đó quan trọng lắm.
Tôi biết nơi bà để chìa khoá nên nhân lúc bố mẹ đi vắng, bà sang bên nhà hàng xóm ăn cỗ, tôi nháy mắt với Hân:
- Mày mà bép xép với bà thì đừng có trách chị.
Con nhỏ gật đầu. Nhìn vào đôi mắt sáng rực của nó, tôi biết nó còn háo hức hơn cả tôi.
Phân công cho nhỏ Hân đứng ở cửa canh bà, tôi tra chìa khoá vào ổ. Chiếc khoá lâu ngày han rỉ vang lên âm thanh khô khốc. Cạy nắp rương, tôi thở hắt ra một tiếng đầy thất vọng. Trong chiếc rương gỗ chẳng có những thứ như chị em tôi phỏng đoán mà lỉnh kỉnh những khăn len, giày vải, que đan...Tôi đưa từng thứ lên ngắm nhìn và chợt nhớ ra: Chiếc khăn len màu vàng chính bà đã đan cho tôi năm tôi vào lớp 1, đôi giày vải màu hồng bố mua cho nhỏ Hân khi nó tham gia đội múa của trường mầm non, đôi que đan trước đây bà vẫn dùng đan khăn mũ cho cả nhà mỗi độ đông về...Trong bọc ni lông có một ít giấy tờ được gói ghém cẩn thận. Mắt tôi nhoè đi khi nhìn thấy tờ giấy báo tử có ghi tên bác Toản. Những nét chữ nhạt nhoà, có lẽ vì nó đã thấm quá nhiều nước mắt của bà. Còn nữa, hai tờ giấy chứng sinh của chị em tôi ghi rõ cả giờ sinh và cân nặng khi chào đời. Còn nữa, tờ giấy chứng nhận gia đình văn hoá mà xã cấp cho nhà tôi khi còn ở dưới quê. Còn nữa, những đồ vật khác mà khi chạm tay vào tôi có cảm giác những kỷ niệm về gia đình như đang được khơi gợi lại.
- Đúng là bà, giữ gì không giữ toàn giữ những thứ "đồng nát".
Nhỏ Hân ngó cổ vào nhìn buông một câu ngây ngô rồi bỏ đi chơi. Tôi xếp mọi thứ trong rương về đúng chỗ ban đầu rồi lại tra chìa khoá vào ổ. Ngồi lặng trước chiếc rương gỗ của bà, khoé mắt cay xộc.
Bao nhiêu năm đã đi qua, chúng tôi cứ hồn nhiên lớn lên giữa biết bao sự đổi thay, háo hức đi tìm những thứ mình chưa có. Còn bà, bà vẫn lặng lẽ ngồi xếp những đồ vật thân thương, ghép những mảnh ghép yêu thương thành ký ức vào chiếc rương gỗ cũ kỹ để một ngày nào đó khi đã trưởng thành, chúng tôi không phải mệt nhoài đi tìm những gì mình đã lãng quên, đã đánh mất, không phải day dứt trong lòng vì một niềm nuối tiếc: Ngày xưa ơi, đâu rồi?
Bùi Thu Hoàn