Cầu thị và kiên định

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Tiếp tục nghiên cứu mọi phương án để tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia chặt chẽ hơn

GD&TĐ - Trong tuần qua, liên tiếp hai cuộc họp tầm Chính phủ có bàn đến Kỳ thi THPT quốc gia. Với tinh thần chung là đánh giá khách quan cả những điểm tích cực và hạn chế, quan điểm được thống nhất là tiếp tục hoàn thiện và duy trì kỳ thi theo lộ trình đã đặt ra.


Ngày 31/7, TS Lê Thống Nhất đã chia sẻ bài ghi chép về một cuộc trao đổi, góp ý diễn ra tại trụ sở Chính phủ mà ông được tham gia với tư cách chuyên gia.

Cuộc trao đổi với nội dung thời sự, đang được xã hội quan tâm diễn ra trọn 2 buổi ngày 30/7 được TS Lê Thống Nhất nhận định là “rất cởi mở, thẳng thắn” giữa nhiều chuyên gia với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, cũng là “cuộc gặp trực tiếp mà rất nhiều chuyên gia giáo dục cũng như cộng đồng chờ đợi”, “cho thấy sự cầu thị của người đứng đầu ngành Giáo dục”.

Theo đó, “không chỉ trao đổi cởi mở với các đại biểu trong cuộc họp chính thức mà ngay trong thời gian nghỉ trưa, Bộ trưởng cũng tranh thủ trao đổi với cá nhân và một số nhóm”.

Cầu thị và nghiêm túc lắng nghe, luôn hướng tới lợi ích của người học là cách làm được Bộ GD&ĐT thể hiện nhất quán trong quá trình thực hiện đổi mới thi. Với tinh thần ấy, qua các năm, Kỳ thi THPT quốc gia ngày càng hoàn thiện. Mới đây nhất, Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã được tổ chức đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, tiết kiệm, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội.

Một số hạn chế của kỳ thi cũng được thẳng thắn nhìn nhận. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, trong cả buổi làm việc ngày 30/7 với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/8 đều nêu rõ những hạn chế này.

Theo Bộ trưởng, Bộ GD&ĐT sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và xã hội để xây dựng phương án thi tốt nhất, chặt chẽ nhất trong những năm tới. Nhấn mạnh sai phạm phải xử lý nghiêm, người đứng đầu ngành Giáo dục đồng thời kiên định với lộ trình đặt ra và cho rằng, không thể vì sai phạm mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi, càng không phải vì thế mà đặt vấn đề xóa bỏ kỳ thi.

Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết năm học 2017 - 2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 toàn ngành: Đổi mới giáo dục là cả quá trình, không phải như xây nhà, làm đường và trong quá trình ấy không bao giờ có giải pháp nào là hoàn hảo.

Tính không hoàn hảo của giải pháp thể hiện ở giáo dục không chỉ liên quan đến gia đình, xã hội, nhà trường, mà cũng đặt chung trong bối cảnh của đất nước về tình hình kinh tế, xã hội và cả thói quen, truyền thống... Do đó, phương án đưa ra phải rất khoa học, cầu thị, nhưng cũng cần kiên trì, kiên định với những gì đã đúng. Ngay cả từ việc nhỏ như thi cũng vậy.

Đúng tinh thần ấy, cũng trong Hội nghị tổng kết năm học, Bộ GD&ĐT một lần nữa khẳng định sẽ tiếp tục hoàn thiện Kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ cho tuyển sinh giáo dục đại học, tuyển sinh nghề nghiệp, khắc phục tình trạng chạy theo thành tích trong giáo dục, giảm áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội.

Những công việc cần làm là rà soát, đánh giá nghiêm túc, xử lý kịp thời những tiêu cực và hạn chế bất cập xảy ra trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 để rút kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo tổ chức thi; tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi, đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của Kỳ thi THPT quốc gia; hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi; cải tiến phương thức tổ chức chấm thi theo hướng chấm tập trung theo các cụm và tăng cường chức năng quản lý Nhà nước, vai trò giám sát, thanh, kiểm tra của Bộ GD&ĐT và trách nhiệm đối với các hội đồng thi.

Sự cầu thị và quyết tâm của Bộ GD&ĐT, những góp ý đầy trách nhiệm và xây dựng của các chuyên gia tâm huyết và cộng đồng quan tâm tới giáo dục là cơ sở để chúng ta tin tưởng kỳ thi qua các năm tiếp tục tốt hơn lên.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top