Cận cảnh chương trình, SGK tích hợp của Singapore và kinh nghiệm cho Việt Nam

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Thực tiễn đã chứng tỏ rằng, việc thực hiện quan điểm tích hợp sẽ làm tăng tính hiệu quả của hoạt động giáo dục, giúp phát triển năng lực giải quyết những vấn đề phức hợp và làm cho việc học tập trở lên có ý nghĩa đối với học sinh hơn so với việc thực hiện các môn học, hoạt động giáo dục một cách riêng rẽ.

Khẳng định điều này, thạc sĩ Nguyễn Hồng Liên - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam - đã chia sẻ nghiên cứu về việc thể hiện quan điểm tích hợp trong chương trình, SGK môn Tìm hiểu xã hội cấp tiểu học của Singapore, từ đó rút ra những bài học cho việc phát triển chương trình và biên soạn SGK các môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội cấp tiểu học ở Việt Nam.

Mục tiêu hướng đến các kĩ năng cốt lõi

Theo nghiên cứu của thạc sĩ Nguyễn Hồng Liên, chương trình Tìm hiểu xã hội cấp tiểu học của Singapore được xây dựng trên các quan điểm: Tích hợp các kiến thức Lịch sử, Địa lý với các yếu tố cơ bản của Kinh tế và Xã hội học; góp phần hình thành và phát triển kĩ năng quyết định, giao tiếp và làm việc nhóm.

Nội dung được giảm tải nhằm tăng thời gian và không gian cho giáo viên áp dụng các phương pháp dạy học và tương tác, học sinh phát huy tốt hơn quyền chủ động học tập của mình.

Việc dạy học không chú trọng vào dạy kiến thức mà nhấn mạnh vào việc hình thành cho học sinh phương pháp và kĩ năng tư duy trong học tập, đòi hỏi giáo viên phải có những sáng tạo trong phương pháp dạy học. Giáo viên được khuyến khích sử dụng đa dạng và hiệu quả các nguồn tài nguyên dạy học.

Về mục tiêu, chương trình nhằm phát triển các kĩ năng cốt lõi cho học sinh, bên cạnh mục tiêu về kiến thức và thái độ - giá trị. Trong các bài học đều chú trọng đến việc hình thành và phát triển các kĩ năng như: Phương pháp và điều tra, giao tiếp, tham gia, tư duy phê phán và sáng tạo. Đối với từng kĩ năng, thông qua các bài học đều thể hiện cách tiếp cận xoáy ốc.

Ví dụ, với kĩ năng tham gia, ở lớp 1, học sinh có thể làm việc nhóm hiệu quả và hoàn thành nhiệm vụ hợp tác nhóm đơn giản. Lớp 2, học sinh chia sẻ thông tin và ý tưởng để đóng góp cho việc thực hiện một nhiệm vụ nhóm.

Lớp 3, học sinh tự tổ chức công việc nhóm và lưu giữ các ghi chép đơn giản; lớp 4, các em có thể đưa ra quyết định đúng đắn khi hợp tác với người khác; lớp 5 - có thể phân công công việc và đưa ra các ý tưởng để giải quyết nhiệm vụ nhóm. Đến lớp 6, học sinh học được cách tôn trọng ý kiến của người khác.

Nội dung chương trình xây dựng trên nguyên tắc tích hợp

Về nội dung, chương trình được xây dựng trên nguyên tắc tích hợp các kiến thức lịch sử, địa lý, kinh tế và xã hội, nhằm giúp học sinh có những hiểu biết cơ bản về các lĩnh vực trên.

Bên cạnh đó, nội dung môn học còn được tích hợp với các vấn đề về giáo dục dân tộc; kĩ năng tư duy; CNTT; hiểu biết về kinh tế và tài chính.

Nội dung các lĩnh vực và các mạch kiến thức được xây dựng thể hiện cách tiếp cận sự mở rộng về không gian: Bắt đầu từ trường học đến khu dân cư, đất nước, các nước láng giềng ở Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, cách xây dựng các chủ đề và giảng dạy các khái niệm cũng được quán triệt theo cách tiếp cận xoáy ốc. Cách tiếp cận này hình thành, củng cố các khái niệm và kĩ năng đến học sinh với cấp độ cao hơn sau mỗi năm. Đồng thời, việc lựa chọn nội dung dạy học không phụ thuộc chặt chẽ vào logic khoa học mà nhằm hướng đến hình thành các khái niệm có liên quan đến nhau.

Sử dụng đa dạng phương pháp dạy học

Về phương pháp dạy học, chương trình đã đưa ra các đề nghị về chiến lược giảng dạy, các hoạt động hỗ trợ giảng dạy cho giáo viên. Theo đó, cách tiếp cận tương tác và lấy học sinh làm trung tâm đề nghị để khơi dậy sự quan tâm của học sinh tham gia vào việc học một cách độc lập và tự định hướng việc học của mình.

Phương pháp tiếp cận này bao gồm các chiến lược học tập hợp tác, phương pháp cốt truyện, kể chuyện lịch sử, cung cấp các ví dụ sống động trong cuộc sống thực và các chiến lược cho học tập tích cực và độc lập.

Các hoạt động tạo cơ hội cho học sinh tham gia như: Thảo luận nhóm, các bài tập mô phỏng, đóng vai, tranh luận, đi thực tế tại các bảo tàng, di sản quốc gia hoặc bất cứ nơi nào có liên quan đến bài học đều được khuyến khích thực hiện.

Đánh giá theo sự tiến bộ của học sinh

Theo thạc sĩ Nguyễn Hồng Liên, dù đây là môn học không thi với tất cả các lớp nhưng chương trình vấn chú trọng khuyến khích giáo viên đánh giá quá trình học tập của học sinh thông qua đánh giá chính thức và đánh giá không chính thức với nhiều hình thức phong phú, như:

Đánh giá qua bút và giấy, các phiếu bài tập hoặc bài tập từ Sách bài tập, đóng vai, thảo luận, phỏng vấn, viết nhật kí, biểu diễn...

Tuy nhiên, chương trình vẫn chưa có những hướng dẫn thật cụ thể cho quá trình đánh giá thường xuyên ở trên lớp.

Phong phú tài liệu dạy học

Về tài liệu dạy học, thông qua chương trình, giáo viên dạy môn Tìm hiểu xã hội được khuyến khích sử dụng hình ảnh, trích đoạn báo chí, sách, trò chơi, đĩa chứa dữ liệu, video và internet để hỗ trợ quá trình giảng dạy.

Bên cạnh đó, các chuyến đi thực tế đến các bảo tàng, di sản quốc gia và bất cứ địa điểm nào có thể, liên quan đến bài học đều cung cấp nguồn tài liệu bên ngoài hữu ích, cần thiết đối với giáo viên và học sinh đều được khuyến khích.

Biên soạn SGK theo chương trình định hướng tích hợp

Theo thạc sĩ Nguyễn Hồng Liên, cấu trúc của mỗi quyển sách gồm: Bìa, lời cảm ơn, mục lục nội dung, phần giới thiệu, các chương.

Cấu trúc của mỗi chương (tương đương mỗi bài học) thường gồm 5 phần: Tiêu đề, phần nội dung chính, phần thông tin thêm, phần kênh hình, phần thực hành. Tỷ lệ kênh hình giảm dần từ lớp 1 đến lớp 6 và kênh chữ tăng lên theo các lớp học từ thấp đến cao.

Với đặc trưng bộ môn tích hợp, xây dựng SGK cũng thể hiện quan điểm đó. Với môn Tìm hiểu xã hội cấp tiểu học của Singapore, việc lựa chọn nội dung đưa vào SGK không tuân theo logic của khoa học Lịch sử hay Địa lý, Kinh tế hay Xã hội học mà có sự kết hợp kiến thức nhiều ngành thuộc khoa học xã hội và gần gũi với học sinh.

Đồng thời, việc biên soạn SGK cũng tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng nhiều phương pháp dạy học và nhằm phát huy tính tích cực, chủ động rèn luyện các năng lực cốt lõi cho học sinh, đánh giá sự tiến bộ của các em qua mỗi bài học.

Nội dung đưa vào SGK được lựa chọn trên cơ sở giúp học sinh nắm vững các khái niệm cơ bản đã được đưa ra trong chương trình và theo 2 cách tiếp cận: Mở rộng về không gian và xoáy ốc.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn nội dung và xây dựng các chủ đề học tập cũng rất gần gũi với học sinh. Ví dụ, với SGK lớp 1, nội dung thể hiện sự tích hợp cao kiến thức của các lĩnh vực, tên các chương trong bài học khá gần gũi với học sinh.

Bài học cho Việt Nam xây dựng chương trình tích hợp

Từ nghiên cứu chương trình, SGK môn Tìm hiểu xã hội cấp tiểu học của Singapore, thạc sĩ Nguyễn Hồng Liên đưa ra một số kiến nghị cho việc xây dựng chương trình các môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội cấp tiểu học ở Việt Nam theo định hướng tích hợp.

Theo đó, xây dựng chương trình tích hợp cần đảm bảo các yếu tố của một chương trình tích hợp: Sự tích hợp về nội dung, những kĩ năng cốt lõi cần hình thành cho học sinh, đa dạng về phương pháp dạy học và chú trọng vào sự tham gia tích cực của học sinh, đánh giá kết quả học tập cần nhấn mạnh vào quá trình tiến bộ của học sinh và tài liệu học không bị bó hẹp trong tài liệu SGK.

Việc lựa chọn nội dung thuộc lĩnh vực khoa học xã hội để đưa vào chương trình tích hợp cần chú ý hơn đến tính ứng dụng, thực tiễn, phù hợp và gần gũi hơn với cuộc sống của học sinh; tránh sự lệ thuộc quá lớn vào logic của khoa học bộ môn làm cho kiến thức đưa vào nhà trường mang tính hàn lâm, nặng nề.

Biên soạn SGK cần chú ý đến đối tượng học sinh, sự phù hợp với thị hiếu của trẻ em và tạo điều kiện tốt cho đổi mới phương pháp dạy học hướng vào phát huy tính tích cực của học sinh.

Việc biên soạn SGK cần tăng cường tỉ lệ hình ảnh, màu sắc, phong phú hơn trong cách thể hiện thông tin. Hệ thống bài tập cần chú ý hơn đến các câu lệnh nhằm yêu cầu học sinh tích cực tham gia, giúp học sinh có thể phát triển được năng lực tự học, học tập suốt đời, không chỉ phụ thuộc vào SGK mà còn biết khai thác các nguồn tài liệu khác.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top