Cảm xúc giáo viên: Đề thi Ngữ văn quá GẦN GŨI

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Cô Vũ Thị Hương Thảo - Giáo viên Ngữ văn Trường THPT Tam Điệp (Ninh Bình): Đề thi không đánh đố

Cảm nhận đầu tiên khi giáo viên tiếp xúc với đề thi Văn năm nay là sự yên tâm vì đề thi không "đánh đố" học sinh, đề rất hay, đúng trọng tâm kiến thức và có tính phân loại tốt.

Không đề cập đến những vấn đề thời sự, nóng hổi hiện nay chính là điểm mới lạ của đề thi Ngữ văn năm nay. Mỗi vấn đề được đề cập trong đề thi đều giản dị, quen thuộc, rất dễ hiểu, gần gũi với những vấn đề thường ngày học sinh được tiếp xúc ôn tập.

Đề thi với những câu hỏi mang đầy ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Hiểu sâu xa, nói về cái hay, cái đẹp của Tiếng Việt, giúp các em thêm yêu tiếng mẹ đẻ cũng chính là hun đúc và bồi dưỡng tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc.

Phần nghị luận xã hội (câu 1 - phần II) được đánh giá là câu hỏi mang tính phân loại cao, lựa chọn những học sinh xuất sắc.

Phần nghị luận văn học (câu 2 - phần II) về tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân - rõ ràng rất quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh nhưng để đạt yêu cầu của đề học sinh nhất thiết phải có năng lực cảm thụ và nghị luận tốt mới có thể giành điểm cao.

Suy cho cùng, đánh giá năng lực môn Ngữ văn chính là đánh giá khả năng cảm thụ của học sinh. Và với đề thi năm nay, giáo viên hoàn toàn yên tâm với những học sinh chăm học.

Dự đoán phổ điểm năm nay sẽ phổ biến ở mức 6 - 7 cho học sinh dự thi đại học, cao đẳng khối C, D và không khó để học sinh những khối khác đạt điểm trung bình. (Kim Thoa ghi)

ThS. Nguyễn Thị Xuân Mai - Tổ phó Tổ Ngữ văn Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp): Có sự phân hóa rõ nét

Đề thi THPT quốc gia 2016 so với đề thi Ngữ văn THPT Quốc gia 2015 có phần ngắn gọn hơn. Đề vừa sức, không mang tính chất đánh đố, làm khó thí sinh. Tuy nhiên đề có sự phân hóa rõ nét.

Về nội dung kiến thức: Đề thi nằm trong chương trình, có một đoạn ngữ liệu 2 phần đọc hiểu lấy ở chương trình 11 HKII ở bài "Thao tác lập luận bác bỏ".

Về cấu trúc: Đảm bảo cấu trúc hai phần: Đọc hiểu (hai ngữ liệu: Nhật dụng và nghệ thuật), Làm văn (hai câu: Nghị luận xã hội và nghị luận văn học)

Sự phân hóa trong đề thi: Khá rõ, có câu nhận biết, thông hiểu và vận dụng:

Phần Đọc hiểu: Câu 1, câu 2, câu 5, câu 6 là nhận biết; câu 3, câu 7 là thông hiểu và câu 4 và câu 8 là vận dụng. Như vậy phần này không quá khó đối với thí sinh.

Câu Nghị luận xã hội bàn về phẩm chất, tính cách con người khá rõ ràng, sẽ không quá khó đối với thí sinh.

Tuy nhiên, câu Nghị luận văn học lại là câu phân loại. Với dạng câu hỏi bàn về một ý kiến văn học, lại đi vào một vấn đề lý luận "Tình huống truyện trong tác phẩm", cụ thể là truyện ngắn "Vợ nhặt".

Thật ra đây là vấn đề nâng cao trong tác phẩm văn học. Với dạng đề này và yêu cầu về "Tình huống truyện" có tính chất phân loại học sinh trung bình, khá và giỏi. Theo tôi, để giải quyết câu nghị luận văn học này đạt điểm từ 2,5 trở lên là khó.

Nhìn tổng thể đề khá hay, đáp ứng yêu cầu của xét tốt nghiệp và Đại học, cao đẳng. Sẽ không có điểm liệt nếu thí sinh làm bài nghiêm túc. Nhưng điểm cao từ 8 và 9 sẽ ít. (Hiếu Nguyễn ghi).

Nguyễn Thị Ngọc Diệp – Tổ phó Tổ Ngữ văn trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh): Sẽ có nhiều thí sinh điểm cao

Giáo viên chúng tôi thích đề thi Ngữ văn năm nay. Đề năm nay có thể khó hơn so với các năm trước nhưng cũng vừa tầm với học sinh chứ không quá “đánh đố”.

Đề phân loại học sinh rõ ràng và có hướng mở cho học sinh, đặc biệt là câu về tác phẩm Vợ Nhặt của Kim Lân. Những học sinh trung bình sẽ coi đó là tình huống nhặt được vợ, nhưng học sinh khá, giỏi sẽ phát huy tốt khả năng của mình trong câu hỏi này.

Phần đọc hiểu gần gũi với học sinh và quen thuộc vì trong quá tình giảng dạy và ôn tập cho các em, giáo viên cũng nói kỹ về phần này nên sẽ có ít học sinh đạt điểm thấp ở phần đọc hiểu.

Nhiều học sinh “đoán” đề thi năm nay về tính thời sự, tính chất quan tâm của xã hội về một hiện tượng gì đó trong năm, tuy nhiên, đề Ngữ văn lại gần gũi hơn với các em. Tuy không “trúng tủ” nhưng chắc chắn nhiều học sinh và giáo viên cảm thấy hứng thú với đề thi năm nay.

Câu hỏi 4 điểm thuộc chương trình SGK học kỳ II, là phần các em mới học xong nên các em sẽ dễ nhớ, dễ làm và làm tốt. Dự đoán năm nay sẽ có nhiều thí sinh đạt điểm cao, thậm chí cả điểm 9,5 (Ngọc Trang ghi)
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top