Cách làm hay gỡ khó cho các trường học vùng cao

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Sau 10 năm thực hiện, phong trào đã đem lại những kết quả đáng khích lệ và có sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ.

Những chuyển động đáng ghi nhận

Trường PTDTBT THCS Tả Gia Khâu là một trong những trường học xa xôi nhất của huyện Mường Khương. Cách đây 9 năm, trường vừa mới thành lập, còn nhiều khó khăn cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đặc biệt là chất lượng GD chuyển biến chậm, tỷ lệ HS đi học chuyên cần thấp.

Năm 2007, thực hiện phong trào “Phòng giúp phòng, trường giúp trường” do ngành GD-ĐT tỉnh phát động, trường được kết nghĩa với Trường THCS Ngô Văn Sở của TP Lào Cai.

Thầy Sền Quang Hợp - Hiệu trưởng Trường THCS Tả Gia Khâu - chia sẻ: Qua 10 năm gắn bó, Trường THCS Ngô Văn Sở đã nhiều lần đưa cán bộ, giáo viên, phụ huynh, HS lên trường giao lưu, chia sẻ khó khăn, giúp đỡ về chuyên môn, phương pháp giảng dạy và quản lý trường.

Không những thế, Trường THCS Ngô Văn Sở còn giúp đỡ nhà trường gần 3.000 bộ quần áo ấm, chăn mùa đông, vở viết, đồ dùng học tập cho HS; trên 100 triệu đồng tiền mặt và nhiều đồ dùng quan trọng khác.

Qua các hoạt động đó, cả hai trường học được trải nghiệm nhiều hơn, học hỏi, tích lũy nhiều hơn về kinh nghiệm trong quản lí, trong giảng dạy.

Trường PTDTBT THCS Tả Gia Khâu nâng cao được tỷ lệ chuyên cần, chất lượng GD có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ HS khá giỏi tăng dần từng năm học, nhiều thành tích trong chuyên môn được công nhận...

Câu chuyện của Trường PTDTBT THCS Tả Gia Khâu và Trường THCS Ngô Văn Sở chỉ là ví dụ điển hình trong phòng trào “Phòng giúp phòng, trường giúp trường” trên địa bàn tỉnh trong 10 năm qua.

Theo tổng hợp của Sở GD&ĐT Lào Cai, từ năm 2006 đến nay, phong trào “Phòng giúp phòng, trường giúp trường” đã thu hút các Phòng GD&ĐT và hàng trăm trường học tham gia, đạt được những kết quả quan trọng.

Các Phòng GD&ĐT, trường học đã tổ chức 29.147 giờ dự trao đổi kinh nghiệm và 1.825 buổi sinh hoạt chuyên đề cùng trường bạn; 1.813 buổi giao lưu văn nghệ - thể thao; tổ chức cho 49.674 lượt HS đi học tập, tham quan, trải nghiệm; 73 buổi giao lưu, hỗ trợ hoạt động đội, hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Đặc biệt, toàn tỉnh đã có 767 cán bộ quản lý, giáo viên tình nguyện lên vùng cao công tác và 1.176 giáo viên dạy hỗ trợ trường bạn. Số tiền và hiện vật quy ra tiền các Phòng GD&ĐT và trường giúp đỡ nhau ước tính hàng chục tỷ đồng.

Hiệu ứng ngày càng lan tỏa

Đặc biệt, từ phong trào này, có nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt đã được các nhà trường vận dụng. Trường THPT số 4 Văn Bàn đã đề ra “Chương trình 50 xe đạp cho HS nghèo”, vận động các cấp lãnh đạo, các tổ chức kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, các nhà hảo tâm, các thầy giáo, cô giáo, các bậc cha mẹ HS cùng toàn thể các em HS nhà trường quyên góp, ủng hộ 125 chiếc xe đạp, cho 418 lượt HS mượn, giúp các em HS nghèo, nhà xa có phương tiện đến trường. Trường THPT số 1 TP Lào Cai huy động nguồn lực hỗ trợ các trường bạn qua 10 năm với tổng số tiền mặt lên tới 400 triệu đồng.

Trường THPT Chuyên đã xin dự án cung cấp nước sạch của Quỹ Unilever tại Việt Nam 350 triệu đồng để giúp đỡ đơn vị kết nghĩa là Trường THPT số 2 Si Ma Cai làm công trình nước sạch.

Bên cạnh đó, nhiều trường học (tiêu biểu là các trường trên địa bàn thành phố Lào Cai) đã huy động nhiều nguồn lực và ngày công giúp đỡ các trường vùng cao, giúp đỡ HS có hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên trong học tập.

Ông Nguyễn Anh Ninh - Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai - chia sẻ: Phong trào “Phòng giúp phòng, trường giúp trường” được Sở GD&ĐT, Công đoàn ngành GD tỉnh thực hiện trong 10 năm qua, đã tạo được sự thay đổi, chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và HS, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng GD toàn diện; khẳng định tinh thần tương thân, tương ái, của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; là hoạt động thực sự hướng về cơ sở, hướng về vùng cao của ngành GD Lào Cai.

Từ phong trào, đã phát hiện và nhân rộng nhiều tấm gương tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả làm thay đổi diện mạo GD vùng cao trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, để phong trào “Phòng giúp phòng, trường giúp trường” ngày càng đi vào chiều sâu, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường hơn nữa hiệu quả giúp đỡ công tác chuyên môn; tập trung giúp đỡ nhau trong xây dựng trường học mới; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT trong bối cảnh hiện nay. Cùng với đó, đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội hóa GD trong việc giúp đỡ về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, hỗ trợ dạy học và sinh hoạt của HS và giáo viên vùng cao; biểu dương những tập thể tích cực, cá nhân sáng tạo, nhân rộng cách làm hay, linh hoạt, phù hợp và đạt hiệu quả cao để tạo sự lan tỏa ngày càng mạnh mẽ.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top