Cách học ôn, làm bài từ đề thi tham khảo môn Vật lý

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Các câu hỏi trải đều phạm vi kiến thức

Tổng hợp ý kiến tập thể, cô Nguyễn Minh Hương cho biết: Cấu trúc đề thi tham khảo Vật lý đảm bảo phân chia tỉ lệ hợp lí theo từng mức độ, sắp xếp theo trình tự khó dần, trong đó tổng số câu hỏi thuộc mức độ 1, 2 (nhận biết và Thông hiểu) chiếm tỉ lệ 50% (20 câu); mức độ 3 (vận dụng) chiếm khoảng 25%; còn lại mức độ 4 (vận dụng cao), chiếm 25%.

Nội dung kiến thức nằm trong chương trình, sách giáo khoa lớp 11 và 12, trong đó số lượng câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 là 8 câu (chiếm 20%), còn lại thuộc chương trình lớp 12. Các câu hỏi trải đều phạm vi kiến thức chứ không tập trung nhiều vào một số nội dung.

Đề thi khó hơn so với đề thi THPT quốc gia năm 2017 nhưng có sự phân hóa cao. Một số câu hỏi có sự kết hợp kiến thức của các nội dung thuộc cả lớp 10, 11 và 12.

Các học sinh nắm được kiến thức cơ bản có thể dễ dàng được 5 điểm đến 5,5 điểm; còn để đạt được điểm 7 đòi hỏi học sinh phải học khá; để đạt được 8 điểm trở lên học sinh phải thực sự chắc kiến thức, hiểu hiện tượng, vấn đề chứ không chỉ học công thức áp dụng tính là được.

Với đề thi này, việc phân loại học sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp với học sinh có nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng rất rõ ràng.

Tránh học máy móc, làm bài không phân tích dữ kiện

Chia sẻ cách ôn tập tốt cho học sinh với dạng đề thi này, cô Nguyễn Thị Minh Hương cho rằng, học sinh cần chú ý, tập trung khi học trên lớp để có kiến thức cơ bản đầy đủ, vững chắc, làm hết các bài tập trong sách giáo khoa và sách bài tập để củng cố và ghi nhớ kiến thức đã học.

Tuyệt đối tránh việc chỉ ghi nhớ công thức mà không hiểu rõ bản chất vấn đề, khi làm bài không biết phân tích dữ kiện, hiện tượng dẫn đến tư duy không đúng và có kết quả sai lệch khi làm bài.

Ngoài ra, học sinh cần tham khảo thêm các tài liệu mới, các sách hướng dẫn ôn tập của các tác giả và nhà xuất bản uy tín để học, có thể sử dụng các tạp chí có tính cập nhật như tập chí “Vật lí tuổi trẻ”.

Học sinh nên ôn tập lại toàn bộ kiến thức đã học lớp 11 và các phần đã học ở lớp 12, sau đó tích cực làm các đề thi tổng hợp để rèn luyện kĩ năng làm bài, căn thời gian. Làm nhiều đề ôn tập sẽ giúp học sinh củng cố kiến thức, tăng cường khả năng đọc nhanh và chính xác đề bài, rèn kĩ năng tư duy và khả năng tính toán chính xác.

Học sinh cũng cần biết liên kết các phần kiến thức, tập trung tư duy, phân tích được các nội dung kiến thức cần sử dụng để trả lời câu hỏi. Với một lượng kiến thức lớn như vật, học sinh không nên, và không thể “học tủ” được.

Để làm tốt đề thi, trước hết học sinh cần xác định rõ mục tiêu của bản thân để có cách ôn tập thích hợp, tích lũy đủ kiến thức cơ bản. Trong quá trình làm bài cần bình tĩnh, làm bài lần lượt theo thứ tự từ dễ đến khó đã đước sắp xếp hợp lí trong đề thi.
Với mỗi câu hỏi cần đọc kĩ đề, xác định nội dung kiến thức cần sử dụng và phân tích hiện tượng; từ đó chọn được đáp án đúng hoặc biết cần sử dụng công thức nào rồi tính toán chính xác tìm kết quả. Cố gắng làm câu nào chắc câu đó, làm đến đâu tô đáp án đến đó tránh bỏ sót hoặc tô nhầm.

Một lưu ý rất quan trọng, học sinh cần chuẩn bị cho mình sức khỏe và tinh thần thật tốt trước khi bước vào làm bài thi chính thức.

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top