Các bước thực hiện bài dạy Toán phát huy năng lực học sinh

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Cụ thể: Được thực hiện thông qua việc GV tổ chức các hoạt động học tập cho HS theo hướng chú ý đến việc rèn luyện phương pháp tư duy, khả năng tự học, nhu cầu hành động và thái độ tự tin; được thực hiện theo nguyên tắc tương tác nhiều chiều giữa GV với HS, giữa HS với nhau (chú trọng cả hoạt động dạy của GV và hoạt động học của HS).

Về bản chất, giờ học có sự kết hợp giữa học tập cá thể (hình thức học cá nhân) với học tập hợp tác (hình thức học theo nhóm, theo lớp); chú trọng kết hợp học với hành, nâng cao tri thức với rèn luyện các kỹ năng (KN), gắn với thực tiễn cuộc sống; phát huy thế mạnh của các PPDH tiên tiến, hiện đại; các phương tiện, thiết bị dạy học và những ứng dụng của công nghệ thông tin…; chú trọng cả hoạt động đánh giá của GV và tự đánh giá của HS.

Có thể thực hiện giáo án một chủ đề theo các bước như sau:

Bước 1. Ổn định tổ chức lớp

Ở hoạt động này, giáo viên thực hiện việc kiểm tra sĩ số, sự chuẩn bị của HS.

Bước 2. Kiểm tra bài cũ

Việc kiểm tra bài cũ cần huy động vốn hiểu biết, kinh nghiệm có sẵn của HS, có tác dụng kích thích sự tò mò, khơi dậy hứng thú của HS về chủ đề sẽ học. Qua đó HS cảm thấy vấn đề trong bài học mới nêu lên rất gần gũi với mình.

Cách tổ chức lớp học cần tạo ra không khí vui, tò mò, chờ đợi thích thú. HS được trải qua tình huống có vấn đề, trong đó chứa đựng những nội dung kiến thức, những thao tác, kĩ năng để làm nảy sinh kiến thức mới.

Các cách kiểm tra: Đặt câu hỏi; ra các bài tập; đố vui; kể chuyện; đặt một tình huống; tổ chức trò chơi... có nội dung liên quan đến chủ đề chuẩn bị học.

Bước 3. Bài mới

Đây là bước quan trọng nhất của tiết học. Qua hoạt động này, HS rút ra được kiến thức, khái niệm hay quy tắc lý thuyết, thực hành mới. Nếu là một dạng toán mới thì HS phải nhận biết được dấu hiệu, đặc điểm và nêu được các bước giải dạng toán này.

Các cách làm: Để thực hiện tốt bước này, GV có thể dùng hệ thống câu hỏi gợi mở, câu hỏi phân tích để giúp HS thực hiện tiến trình phân tích và rút ra bài học.

Cần sử dụng một cách linh hoạt và phối hợp các PPDH, các kỹ thuật dạy học.

Có thể sử dụng các hình thức thảo luận cặp đôi, thảo luận theo nhóm, hoặc các hình thức sáng tạo khác nhằm kích thích sự tò mò, sự ham thích tìm tòi, khám phá phát hiện của HS.

Ví dụ: Trong chủ đề 1: “Mở đầu về phương trình” GV tổ chức cho HS hình thành kiến thức như sau:

Kiến thức 1: Khái niệm phương trình một ẩn.

GV giới thiệu: Các hệ thức Tìm x chúng ta vừa xét ở phần kiểm tra bài cũ được gọi là các phương trình.

Mỗi biểu thức ở 2 phía của dấu “=” là biểu thức chứa mấy biến? đó là những biến gì? (Mỗi BT ở 2 phía của dấu “=” đều chứa 01 biến, đó là biến x).

GV: Khi đó các phương trình này được gọi là phương trình một ẩn. Để hiểu rõ hơn về phương trình một ẩn, chúng ta sẽ dần dần được tìm hiểu trong thời gian tiếp theo. Trong phạm vi chương III, chúng ta sẽ nghiên cứu cụ thể về pt bậc nhất 1 ẩn. (GV chiếu slile BĐTD, giới thiệu nội dung của chương III).

Như vậy, qua phần giới thiệu của GV, HS thấy được nội dung bài học mới được xuất phát từ vấn đề mà các em đã biết, đồng thời gợi mở cho các em thấy những vấn đề mới chưa biết, tạo động lực và nhu cầu cần tìm hiểu.

GV giới thiệu bài học: Hôm nay cô trò ta cùng tìm hiểu chủ đề 1 “Mở đầu về phương trình”.

GV hỏi HS: Vậy phương trình một ẩn x có dạng tổng quát như thế nào? (A(x)=B(x)).

Kiến thức 2: Khái niệm nghiệm của phương trình một ẩn.

Với bài tập: Tính giá trị mỗi vế của phương trình: 2x+ 5 = 3 (x-1) + 2 tại: a) x = 6; b) x = -3; GV tổ chức lớp học như sau:

Chia lớp thành 2 dãy, mỗi dãy làm một ý, tất cả mọi HS đều làm, các HS ngồi cùng bàn đối chiếu kết quả với nhau, sau đó GV gọi đại diện của mỗi dãy nêu kết quả, HS khác nhận xét.

GV hỏi: Từ kết quả tìm được em có nhận xét gì về giá trị 2 vế của phương trình trong từng trường hợp (tại x = 6 thì giá trị hai vế của phương trình bằng nhau, tại x = -3 giá trị 2 vế của pt không bằng nhau).

GV chốt: Khi đó người ta nói x = 6 là 1 nghiệm của pt, còn x = -3 không phải là nghiệm của phương trình 2x + 5 = 3 (x - 1) + 2.

GV hỏi: Vậy thế nào là nghiệm của phương trình? Sau đó giới thiệu: x = 6 là 1 nghiệm của phương trình 2x + 5= 3(x-1) + 2 , ta còn nói số 6 thỏa mãn hay nghiệm đúng phương trình này.

Với cách tổ chức lớp học như trên cả lớp đều được làm, tự mình tìm ra kết quả, có sự trao đổi với nhau hỗ trợ nhau. Bằng hệ thống câu hỏi mang tính chất phân tích, gợi mở HS dễ dàng tìm ra câu trả lời, tự mình tìm ra kiến thức mới, qua đó HS được phát triển khả năng phân tích, tư duy.

Như vậy, GV đã dùng các câu hỏi gợi mở, câu hỏi phân tích để giúp HS thực hiện tiến trình phân tích và rút ra bài học. Phần hình thành kiến thức nghiệm của phương trình là quan trọng nhất, khó nhất đối với GV và HS, trong quá trình này thể hiện rõ nhất sự đổi mới phương pháp tổ chức lớp học và con đường HS tự tìm ra kiến thức mới thông qua hệ thống câu hỏi gợi mở, phân tích của GV.

HS hiểu được mối liên hệ giữa giá trị tìm được của x trong bài toán quen thuộc và giá trị của x thỏa mãn 2 vế của mỗi phương trình (tức là nghiệm của phương trình), tự hình dung được con đường và cách thức tìm ra nghiệm của phương trình.

HS được phát triển tư duy, khả năng suy luận, sự liên hệ giữa kiến thức cũ để hình thành kiến thức mới. Ở đây ta đã dùng phương pháp quy nạp không hoàn toàn trong toán học để hình thành khái niệm nghiệm của phương trình.

Kiến thức 3: Giải phương trình. Trong phần này, GV giới thiệu khái niệm tập nghiệm và cách viết tập nghiệm, khái niệm giải phương trình, cho HS tự viết tất cả các tập nghiệm của các phương trình đã làm ở hoạt động trải nghiệm. Đây là một hoạt động đơn giản, dễ dàng thực hiện (như giáo án đã nêu và GV thực hiện trên lớp). Ở đây GV dùng phương pháp thuyết trình kết hợp với hỏi – đáp.

Kiến thức 4. Phương trình tương đương. GV cho HS nhận xét và so sánh tập nghiệm của các phương trình, giới thiệu các khái niệm: phương trình tương đương, ký hiệu tương đương và trường hợp đặc biệt về sự tương đương của các phương trình vô nghiệm (như giáo án đã viết). Ở đây GV dùng phương pháp thuyết trình.

Bước 4. Củng cố

Hoạt động này giúp HS nhớ kiến thức, nhớ dạng bài tập cơ bản một cách vững chắc, làm được các bài tập áp dụng dạng cơ bản theo đúng quy trình, HS biết chú ý tránh những sai lầm điển hình thường mắc trong qua trình giải bài toán dạng cơ bản.

Các cách làm: Cần tổ chức cho HS giải các bài tập cơ bản để qua đó HS nhận dạng, áp dụng các bước giải và công thức cơ bản.

Tiếp tục ra các bài tập với mức độ khó dần lên phù hợp với khả năng của HS.

Có thể giao các bài tập áp dụng cho cả lớp, cho từng cá nhân, hoặc theo nhóm, theo cặp đôi, theo bàn, theo tổ HS.

Bước 5. Hướng dẫn về nhà

Nội dung hướng dẫn về nhà cần có tác dụng giúp HS được củng cố, nắm vững các nội dung kiến thức trong bài học thông qua việc vận dụng kiến thức trong hoàn cảnh mới, đặc biệt trong những tình huống gắn với thực tế đời sống hằng ngày.

Khuyến khích HS tiếp tục tìm hiểu và mở rộng kiến thức, để không bao giờ được hài lòng và hiểu rằng ngoài những kiến thức được học trong nhà trường còn rất nhiều điều cần phải tiếp tục học, học ở nhiều nguồn tài liệu, học ở nhiều lúc, nhiều nơi khác ngoài nhà trường, ngoài SGK, ngoài những điều được GV cung cấp.

Các cách hướng dẫn: HS thực hành, vận dụng từng phần, từng đơn vị kiến thức cơ bản của nội dung bài đã học.

GV giúp HS thấy được ý nghĩa thực tế của các tri thức toán học, từ đó khắc sâu kiến thức đã học.

Khuyến khích HS diễn đạt theo ngôn ngữ, cách hiểu của chính các em. Khuyến khích HS tập phát biểu, tập diễn đạt bước đầu có lý lẽ có lập luận. Giao nhiệm vụ về nhà để hoàn thiện công việc.

Giao cho HS những nhiệm vụ bổ sung và hướng dẫn HS tìm các nguồn tài liệu khác để mở rộng kiến thức đã học, cung cấp cho HS các nguồn sách tham khảo và nguồn tài liệu trên mạng.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top