Các bước rèn kỹ năng cảm thụ văn học trong thế đối sánh

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Từ nhận định trên, cô Lê Thị Biên - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn (Điện Biên) chia sẻ các bước rèn kỹ năng cảm thụ văn học trong thế đối sánh, với hi vọng góp một vài kinh nghiệm nhỏ có tính ứng dụng cụ thể đối với giáo viên và học sinh trong dạy học Văn.

Tìm ý để đối sánh

Trong quá trình hướng dẫn học sinh đi sâu cảm thụ một văn bản văn học, cô Lê Thị Biên cho rằng, giáo viên cần luôn có ý thức đặt các câu hỏi có tính chất gợi mở để học sinh liên tưởng đối sánh nhằm làm nổi bật, cái hay, giá trị của một từ ngữ, một hình ảnh, một chi tiết từ đó có cơ sở để khái quát được cái hay, nét độc đáo của một tác phẩm, tác giả, rộng hơn là cả một thời kỳ văn học.

Đặt câu hỏi để học sinh tìm ý đối sánh thường có nhiều kiểu dạng linh hoạt, chẳng hạn một số kiểu như sau:

Đối sánh từ ngữ, hình ảnh, chi tiết trong cùng một tác giả:

Cô Lê Thị Biên đưa ví dụ: Giảng từ văng vẳng trong câu Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn, hoặc từ ngán nỗi trong Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại của bài Tự tình 2 (Hồ Xuân Hương) nên cho học sinh liên hệ đối sánh với những câu thơ tương tự trong bài thơ Tự tình 1 và Tự tình 3: Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom - Oán hận trông ra khắp mọi chòm và Ấy ai thăm ván cam lòng vậy - Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh.

Giảng từ xanh ngắt trong Thu điếu của Nguyễn Khuyến không thể không liên hệ với hai bài thơ còn lại: Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao (Thu vịnh) và Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt (Thu ẩm).

Khi giảng Đây thôn Vĩ Dạ, cần liên hệ đối sánh để thấy cảm nhận riêng trong thế giới nghệ thuật thơ Hàn Mặc Tử, dù là những chữ rất bình thường. Chẳng hạn: chữ quá trong câu Vườn ai mướt quá xanh như ngọc, Áo em trắng quá nhìn không ra xuất hiện nhiều lần khác trong thơ Hàn: Xác cô thơm quá thơm hơn ngọc - Cả một mùa xuân đã hiện hình; Xiêm áo hôm nay tề chỉnh quá - Dám ôm hồn Cúc ở trong sương…

Đối sánh giữa các tác giả trong cùng một thể loại, một trào lưu, một khuynh hướng, một giai đoạn, một thời đại:

Ví dụ: Bài Tây Tiến của Quang Dũng có câu thơ rất hay nói về tình quân dân: Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói - Mai Châu mùa em thơm nếp xôi. Có thể liên hệ đối sánh với một loạt các câu thơ khác tương tự trong văn học kháng chiến 1945 - 1975: Quê hương ta lúa nếp thơm nồng (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm); Gió thổi mùa thu hương cốm mới (Đất nước - Nguyễn Đình Thi); Anh nắm tay em giữa mùa chiến dịch/ Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng/ Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch/ Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương (Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên)…

Hoặc, Tấm Cám và Chử Đồng Tử cùng là hai truyện cổ tích thần kỳ tiêu biểu cho hệ thống truyện cổ tích Việt Nam nhưng vai trò của yếu tố thần kỳ ở mỗi truyện là khác biệt. Có thể yêu cẩu học sinh đối sánh về vai trò của yếu tố thần kỳ trong hai truyện đó…

Đối sánh khác giai đoạn, khác thời đại:

Ví dụ: Nhân vật Hộ trong Đời thừa (Nam Cao) và nhân vật Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu); các chi tiết miếng ăn trong Chí Phèo và Vợ nhặt (Bát cháo hành và bát cháo cám); so sánh ca dao và thơ Hồ Xuân Hương…

Kỹ năng phân tích cảm thụ trong thế đối sánh

Nếu như phân tích cảm thụ riêng biệt từng đối tượng cho phép ta đi sâu giảng nghĩa của một từ, một chi tiết trong ngữ cảnh riêng biệt thì đối sánh là việc đặt sự vật này bên cạnh, trong tương quan đối chiếu với một hay nhiều sự vật hiện tượng khác. Nhờ vậy ta có thể cảm nhận sự vật một cách kỹ lưỡng hơn, toàn diện hơn, sắc nét hơn.

Tuy nhiên, để cảm thụ tốt không đơn thuần là chỉ ra được, tìm được đối tượng phù hợp để đối sánh. Nhấn mạnh điều này, cô Lê Thị Biên cho rằng, một trong những kỹ năng cơ bản là hướng dẫn học sinh phân tích đối sánh, chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt.

Nếu là đối sánh ở cấp độ nhỏ, thao tác phân tích yêu cầu sự tinh tế sắc sảo trong cách cảm thụ để bật lên được nét riêng của mỗi đối tượng. Nếu đối sánh ở cấp độ lớn hơn, cần hướng dẫn học sinh tách bình diện để đối sánh cho rõ ràng sắc nét. Sau khi chỉ ra điểm tương đồng khác biệt, cần tổng hợp đánh giá và lí giải được tại sao có sự khác biệt đó.

Ví dụ: Cảm thụ câu thơ Những phố dài xao xác hơi may trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi trong sự liên hệ đối sánh với câu thơ Là thu kêu xào xạc (Tiếng thu)

Giáo viên hướng dẫn học sinh chỉ ra nét tương đồng: Đều miêu tả về mùa thu; đều sử dụng từ láy mang nét nghĩa biểu cảm; đều là từ tượng thanh mô phỏng cuộc sống và tâm trạng nỗi lòng con người, qua đó thâu tóm được cái hồn của mùa thu.

Khác biệt: Xao xác là một âm thanh đanh, cao, gợi ra không gian sáng, thoáng, là hồn thu của phố phường. Nó gợi ra thoáng se lạnh của gió mùa thu, khi tiếng là khô lăn mình trên mặt đường nhựa. Gợi tình cảm xao xuyến mơ hồ trong lòng những người con Hà Nội, sự xốn xang lưu luyến khi phải rời xa Hà Nội ra đi.

Xào xạc lại là một âm trầm đục, thấp hơn một quãng nếu ví hai từ như là một nốt nhạc ngân lên ở những quãng khác nhau. Nó gợi ra hồn thu giữa rừng già, với hai không khí đặc trưng: âm u và huyền bí.

Xao xác đồng thời mang chứa trong nó cả ba ý nghĩa: Âm thanh mô phỏng tiếng lá, gợi ra không khí vắng vẻ của phố phương thời điểm giao mùa, gợi ra nỗi xốn xang của lòng người khi phải xa Hà Nội.

Xào xạc không mang sắc thái tâm trạng mà chỉ miêu tả, mô phỏng âm thanh lá rơi và không khí của thu ở rừng.

Rèn kỹ năng diễn đạt

Theo cô Lê Thị Biên, mặc dù đã hình thành được hệ thống ý, đã có những sự phân tích và lý giải tương đối phù hợp nhưng một trong những trở ngại của học sinh là kỹ năng diễn đạt làm sao để nổi bật hệ thống ý cần so sánh.

Cái khó của dạng bài cảm thụ trong thế đối sánh không chỉ nằm ở phần phân tách luận điểm mà còn nằm ở sự chọn lựa yếu tố tương ứng để phân tích bình giá nổi bật nét riêng của hai yếu tố văn học cần cảm thụ.

Điều quan trọng học sinh cần biết lựa chọn, phân tích, cảm nhận các chi tiết, hình ảnh, câu văn đoạn văn tiêu biểu để làm sáng tỏ những khám phá riêng, nổi bật vẻ đẹp riêng độc đáo. Nhiều học sinh sa vào phân tích ôm đồm hoặc ngược lại liệt kê đơn thuần thiếu sự cảm thụ, chỉ nặng về đối sánh, không xuất phát từ tác phẩm mà từ những ý niệm định sẵn.

Cũng không nên tham lam phân tích cảm thụ quá nhiều chi tiết sẽ làm cho bài viết ôm đồm nặng nề. Cần biết nhấn biết lướt, lựa chọn thật đắt, bình thật tinh, nổi bật lên vẻ đẹp nét đặc sắc của mỗi yếu tố văn hoc, tác phẩm và phong cách tác giả.

Cô Lê Thị Biên cũng nhấn mạnh: Đối với bài nghị luận cảm thụ, diễn đạt như thế nào để phân rõ chính phụ là điều quan trọng nhất. Đối với kiểu bài so sánh văn học, cách diễn đạt vừa phải đảm bảo sự mạch lạc chặt chẽ về tư duy vừa cần linh hoạt uyển chuyển, có chất văn.

Một trong những cách thức tối ưu để rèn kỹ năng diễn đạt cho học sinh là yêu cầu các em đọc và học hỏi theo các mẫu diễn đạt của các nhà văn, các nhà phê bình nghiên cứu, của các bạn cùng lớp, từ đó rút ra các cách thức cơ bản và thực hành viết luyện. Sau đó giáo viên tiến hành chấm, chỉnh sửa và uốn nắn rút kinh nghiệm.

Sau khi hướng dẫn học sinh phân tích ngữ liệu, chỉ ra ưu điểm và nhược điểm của các cách diễn đạt trên, giáo viên giúp học sinh khái quát lại rút ra một số cách thức diễn đạt phổ biến dành cho đối sánh văn học:

Sử dụng các cấu trúc câu ghép có hai mệnh đề chính phụ. Ví dụ: Nếu…thì…, Không chỉ…mà còn…

Sử dụng các đoạn văn được cấu tạo theo lối đối sánh. Mỗi đoạn văn tương ứng với một bình diện để đối sánh và cảm thụ phân tích.

Sử dụng một đoạn văn nhiều tầng bậc để mở rộng liên tục và linh hoạt các cấp độ đối sánh, gây hứng thú cho người đọc.

Cần chú ý đến việc sử dụng các từ ngữ gần nghĩa nhưng mang các sắc thái riêng để phân biệt đối tượng một cách chuẩn xác và tinh tế.

Từ những cơ sở lý thuyết về kỹ năng cảm thụ văn học trong thế đối sánh giáo viên hướng dẫn học sinh thực hành. Thực tế giảng dạy, ôn luyện các đội tuyển, cô Lê Thị Biên áp dụng nhiều hình thức thực hành, trong cả quá trình ba năm. Như vậy, chuyên đề được triển khai trở đi, trở lại với các yêu cầu và các mức độ khác nhau cho các khối lớp, các đội tuyển.

Các bước thực hiện như sau:
Bước 1: Lựa chọn những tác phẩm, đoạn văn, đoạn thơ, chi tiết, hình ảnh, nhân vật để ra đề

Bước 2: Phân loại theo từng khối lớp

Bước 3: Ra đề
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top