Biểu đạt truyện kể bằng tranh ảnh và phim trong dạy học các bài đạo đức

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Trong thực tế, một TK có thể được biểu đạt bằng nhiều hình thức khác nhau. Sự phong phú, đa dạng về hình thức biểu đạt đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng TK trong thiết kế bài giảng và dạy học trên lớp. Hiện nay, ngoài biểu đạt bằng ngôn ngữ lời nói vốn mang tính phổ biến, người giáo viên (GV) có thể sử dụng hình thức biểu đạt TK bằng tranh ảnh và phim.

Hình thức biểu đạt truyện kể bằng tranh ảnh

Đây là hình thức biểu đạt mà ở đó, GV sử dụng tranh ảnh hoặc một chùm tranh ảnh có cùng chủ đề để hỗ trợ cho quá trình tường thuật lại các chi tiết của TK hoặc yêu cầu HS nhớ lại nội dung và ý nghĩa của TK mà các tranh ảnh đó phản ánh.

Trên cơ sở đó, GV tiến hành các thao tác sư phạm để khai thác nội dung và ý nghĩa của TK. Hình thức biểu đạt này có nhiều ưu điểm trong việc kích thích thị giác của học sinh (HS), làm phong phú thêm các kênh thông tin tiếp nhận TK ở HS.

Hiện nay, có rất nhiều TK đã được các họa sĩ vẽ lại dưới dạng tranh liên hoàn. Theo đó, các chi tiết chính của TK đã được minh họa bằng hình ảnh. Điều này giúp cho TK được người GV sử dụng trở nên lung linh và sinh động hơn.

Hình thức biểu đạt truyện kể bằng phim

Đây là hình thức biểu đạt mà ở đó GV khai thác sự hỗ trợ của phim để thuật lại những tình tiết có trong TK. Ở hình thức này có sự kết hợp giữa âm thanh và hình ảnh trong một khoảng thời gian xác định thông qua các nhân vật và lời thoại nhằm phản ánh những nội dung chính yếu nhất của câu chuyện mà người GV sử dụng.

Có thể nói, đây là biểu đạt đặc biệt nhất so với các hình thức biểu đạt khác và có khả năng gây được nhiều ấn tượng nhất trong phương cách chuyển tải TK đến đối tượng HS. Cũng vì thế mà hình thức này rất thường được HS yêu thích và hỗ trợ rất đắc lực trong việc nâng cao hứng thú học tập ở HS.

Hiện nay, nhiều TK đã được các nhà sản xuất phim khai thác nội dung cốt truyện bằng các đoạn phim hoạt hình nổi tiếng. Cũng giống như các hình thức biểu đạt khác, sau khi đã lựa chọn được TK phù hợp, người GV có thể tìm kiếm các đoạn phim có thể biểu đạt nội dung của TK để trên cơ sở đó tiến hành các thao tác sư phạm nhằm khai thác nội dung và ý nghĩa của nội dung đoạn phim phục vụ cho các mục đích sư phạm nhất định.

Chẳng hạn, để hình thành kiến thức mới về biểu hiện và ý nghĩa của các phạm trù nghĩa vụ, lương tâm, nhân phẩm và hạnh phúc trong bài “Một số phạm trù cơ bản của đạo đức học” (bài 11 - GDCD10), GV có thể cho HS tiếp cận TK “Vai diễn cuối cùng” qua các phân cảnh trong bộ phim như sau:



Sau khi xem phim xong, để tiếp cận nội dung TK, GV tổ chức cho HS trả lời một số câu hỏi có tính dẫn dắt như:

1. Chú bé trong câu chuyện trên có hoàn cảnh bất hạnh như thế nào ?

2. Để cảm thấy bớt cô đơn và tìm kiếm niềm vui được giao tiếp với mọi người, chú bé đã làm gì hàng ngày ?

3. Chứng kiến nỗi buồn và thất vọng của câu bé, người diễn viên già đã quyết định làm điều gì ?

4. Vì sao người diễn viên già cho rằng vai người hành khách đi tàu là một vai diễn hay nhất của cuộc đời ông ?

Qua nội dung trả lời của HS, GV khái quát những biểu hiện của tấm lòng yêu thương con trẻ đầy cảm động, đặc biệt là đối với những trẻ em có hoàn cảnh cô đơn, bất hạnh của người diễn viên già. Qua đó, và nhấn mạnh đến nội dung kiến thức của bài học về biểu hiện và ý nghĩa của nghĩa vụ đạo đức, lối sống có lương tâm, nhân phẩm, trách nhiệm với hạnh phúc của người xung quanh.

Việc biểu đạt nội dung TK bằng phim rất cần đến đến sự hỗ trợ của các thiết bị chuyên dụng như máy tính, màn chiếu và loa tăng âm lượng. Ngoài ra, nó đòi hỏi một số kĩ năng mang tính kĩ thuật như chỉnh sửa âm thanh, hình ảnh trong quá trình biên tập, xử lí TK ở hình thức biểu đạt này.

Việc tổ chức cho HS tiếp nhận nội dung TK tuy mới chỉ là bước khởi đầu cho hàng loạt những thác tác sư phạm của người GV để hướng đến những mục tiêu của bài học nhưng việc đa dạng hóa các hình thức biểu đạt luôn có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng TK.

Bên cạnh sự biểu đạt bằng ngôn ngữ lời nói, GV có thể khai thác các kênh hình để bổ sung cho quá trình thể hiện TK. Trong giai đoạn hiện nay, với sự chia sẻ tài nguyên dạy học một cách sâu rộng và sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, việc sử dụng tranh ảnh và phim để biểu đạt TK có tiềm năng rất lớn.

Điều đó giúp người GV khai thác tối đa vai trò của TK với tư cách là một phương tiện dạy học đạo đức đặc thù đối với các bài dạy đạo đức (môn GDCD 10) làm phong phú các kênh tiếp nhận thông tin ở HS qua khai thác nhiều giác quan tiếp nhận (âm thanh, hình ảnh,...); tạo không khí sinh động cho lớp học,... qua đó thiết lập và duy trì tốt hứng thú, kích thích được tính tò mò, ham hiểu biết của HS, tạo điều kiện tốt cho quá trình tiếp thu tri thức, rèn luyện kĩ năng và bồi dưỡng tư tưởng, thái độ ở HS qua mỗi bài học.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top