Biện pháp xây dựng mô hình tự quản VNEN

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Cô Trần Minh Hiên - Giáo viên Trường tiểu học B Minh Thuận, Vụ Bản, Nam Định - chia sẻ cách hướng dẫn học sinh tham gia bầu Hội đồng tự quản của các lớp một cách công bằng, hiệu quả.

Các bước chuẩn bị

Bước đầu tiên giáo viên cần làm là xây dựng kế hoạch thành lập Hội đồng tự quản. Kế hoạch này phải được xây dựng ngay từ đầu năm học. Bước tiếp theo, giáo viên triển khai tới học sinh để các em nắm rõ kế hoạch thành lập Hội đồng tự quản.

Sau đó, trước bầu cử, giáo viên, phụ huynh chuẩn bị tư tưởng cho học sinh, để học sinh nắm được mục đích ý nghĩa của việc thành lập Hội đồng tư quản và khả năng của học sinh. Định ngày bầu cử lãnh đạo Hội đồng tự quản, các ban lãnh đạo của Hội đồng tự quản. Hội đồng tự quản là một khái niệm mới với học sinh, vì vậy đầu tiên giáo viên cần cho học sinh hiểu Hội đồng tự quản là gì? Mục đích ý nghĩa của việc thành lập Hội đồng tự quản?

"Hội đồng tự quản là do học sinh với sự hướng dẫn của giáo viên tự tổ chức thực hiện. Hội đồng tự quản học sinh bao gồm các thành viên là học sinh, được thành lập vì học sinh, bởi học sinh và để đảm bảo cho các em tham gia một cách dân chủ, tích cực vào đời sống học đường, khuyến khích học sinh tham gia một cách toàn diện vào hoạt động của lớp, của trường, phát triển tính tự chủ, sự tôn trọng, bình đẳng, tinh thần hợp tác và đoàn kết của học sinh.

Đây là biện pháp giúp học sinh được phát huy quyền làm chủ quá trình học tập giáo dục. Học sinh có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình, được rèn các kĩ năng lãnh đạo, kĩ năng tham gia, kĩ năng hợp tác trong các hoạt động.

Tổ chức bộ máy Hội đồng tự quản bao gồm: Chủ tịch hội đồng tự quản, Phó chủ tịch hội đồng tự quản và các trưởng ban: 1 trưởng ban học tập, 1 trưởng ban đời sống, 1 trưởng ban đối ngoại văn nghệ, 1 trưởng ban lao động vệ sinh.

Cùng với đó, giáo viên cũng cần nêu những lợi ích, tác dụng của Hội đồng tự quản tới học sinh với những vai trò, trách nhiệm mà các em cùng chia sẻ, gánh vác" - cô Trần Minh Hiên làm rõ.

Tiến hành bầu cử

Ở công đoạn này, việc đầu tiên là bầu lãnh đạo Hội đồng tự quản (chủ tịch, phó chủ tịch) và các trưởng ban. Theo đó, sau khi hoàn thành bước chuẩn bị về tư tưởng cho học sinh, giáo viên hướng dẫn các em tự do thảo luận các tiêu chí của lãnh đạo hội đồng tự quản.

"Ở hoạt động này, học sinh của tôi đã thảo luận một cách sôi nổi, hào hứng. Nhiều em mạnh dạn nói lên ý kiến của mình, ví dụ: Chủ tịch hội đồng tự quản là phải nói to, rõ ràng để điều hành lớp tốt; lãnh đạo hội đồng tự quản phải là những bạn học giỏi, có năng lực, nhanh nhẹn và biết giúp đỡ các bạn khác...

Cuối cùng, các em thống nhất đưa ra được những tiêu chí: Lãnh đạo hội đồng tự quản là những bạn có trình độ học tập tốt, nhanh nhẹn trong mọi công việc, có phẩm chất đạo đức tốt và luôn thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao" - cô giáo trẻ chia sẻ.

Quá trình hình thành lập Hội đồng tự quản giúp học sinh hiểu được quá trình bầu cử tự do, công bằng và dân chủ, giúp học sinh có thể nảy sinh đề xuất những ý tưởng mới của chính các em. Thông qua hội đồng này, học sinh tự giác hơn, mạnh dạn tự tin hơn, phát huy được tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo trong các nhiệm vụ được giao.

Cô Trần Minh Hiên


Sau khi lập được danh sách các học sinh ứng cử và đề cử, giáo viên hướng dẫn tiến hành bầu cử lãnh đạo Hội đồng tự quản và các trưởng ban. Ứng viên lần lượt tranh cử bằng bài thuyết trình đã được chuẩn bị trước. Giáo viên lưu ý các em không cầm giấy đọc mà chủ động thể hiện khả năng thuyết trình của mình. Ban kiểm phiếu làm việc sau khi các ứng cử viên đã thuyết trình xong. Học sinh nào có số phiếu cao nhất từ trên xuống sẽ trúng cử.

Thành lập các ban chuyên trách

Sau khi bầu cử xong, giáo viên hướng dẫn các ban họp để xây dựng kế hoạch hoạt động và xây dựng nhiệm vụ của từng ban, cùng với đó xây dựng kế hoạch làm các công cụ phù hợp cho từng ban, từng hoạt động.

Sau đó, tiến hành bầu phó ban, thư kí để xây dựng kế hoạch hoạt động, động viên các bạn tham gia. Học sinh được đăng kí vào các ban theo nguyện vọng, sở thích của mình; sau đó, cùng bàn bạc thống nhất được nhiệm vụ và công cụ của ban mình.

Ví dụ, Ban học tập có nhiệm vụ theo dõi việc học tập chuyên cần, những bạn đã học tốt, bạn cần giúp đỡ; tổ chức học tập, rèn luyện chuẩn bị cho giải toán, tiếng Anh trên mạng, luyện chữ...

Ban đời sống chia sẻ buồn vui cùng bạn, động viên các bạn biết chia sẻ; học sinh có thể tổ chức sinh nhật cho bạn, viết thư động viên bạn, thu thập các ý kiến, thư trong hòm thư để tìm cách giúp đỡ bạn...

Ban đối ngoại, văn nghệ có nhiệm vụ đón tiếp bạn bè, thầy cô và nhân dân; quảng bá rộng rãi hình ảnh của lớp của trường; phụ trách văn nghệ của lớp; tổ chức văn nghệ trong các ngày chào cờ đầu tuần, các dịp lễ tết trong năm học.

Ban lao động, vệ sinh phụ trách và cùng các bạn trong lớp giữ gìn vệ sinh lớp học, trường học, nhặt cỏ vườn trường, chăm sóc vườn hoa, phân công các nhóm chăm sóc khu vườn kĩ thuật của lớp, tuyên truyền vứt rác đúng nơi quy định. Hàng tuần, hàng tháng, các ban tổ chức họp, lên kế hoạch hoạt động cho từng ban.

Một số vấn đề cần lưu ý

Theo cô Trần Minh Hiên, đối với chủ tịch và các phó chủ tịch Hội đồng tự quản, qua thời gian giao nhiệm vụ cũng như thực hiện nhiệm vụ, giáo viên, học sinh cần nắm được năng lực từng người để hướng cho lớp bầu chọn lại cho phù hợp trong suốt năm học.

Với trưởng ban và thành viên trong từng ban hoạt động: Do việc bầu, thành lập Hội đồng tự quản cũng như các ban diễn ra công khai dân chủ, thành viên trong Hội đồng tự quản, các ban được bầu ra do nguyện vọng, sở thích của học sinh nên trưởng ban và các thành viên cũng có sự thay đổi nhưng không lớn.

Giáo viên cần triển khai cụ thể những nhiệm vụ, chức năng tới tất cả các thành viên trong Hội đồng tự quản và từng ban. Đồng thời, cần hướng dẫn cho Hội đồng tự quản một số kinh nghiệm giám sát, điều hành lớp hoạt động.

Trong thời gian đầu, Hội đồng tự quản làm việc còn bỡ ngỡ, và gặp nhiều khó khăn, giáo viên nên nhanh chóng hướng dẫn một số kinh nghiệm cần thiết.

Cụ thể: Hướng dẫn một số câu lệnh mẫu khi giao nhiệm vụ cho nhóm, lớp thực hiện. Yêu cầu câu lệnh mẫu phải rõ ràng, tránh những câu dài, rườm rà, khó hiểu. Ví dụ: Mời nhóm trưởng điều hành thảo luận. Mời các bạn đánh giá nhận xét kết quả. Mời bạn A hỗ trợ bạn B. Mời nhóm trưởng nhóm A sang kiểm tra nhóm B...

Hướng dẫn học sinh biết hỗ trợ các bạn trong nhóm, trong lớp: Khi giúp đỡ, hỗ trợ cần sử dụng phương pháp nêu vấn đề cho bạn mình, xem bạn khúc mắc chỗ nào, muốn làm được trước hết phải làm gì? Cuối cùng làm như thế nào?

Giáo viên đưa ra một vài lời nhận xét mẫu để hướng dẫn các thành viên trong Hội đồng tự quản nắm được cách nhận xét, đánh giá các bạn. Khi bạn làm đúng, có thái độ tích cực, tiến bộ thì nhận xét những ý như thế nào? Khi bạn chưa đúng, chưa tốt thì nhận xét ra sao? Nhận xét cần ngắn gọn, đúng ý, nhẹ nhàng cởi mở và mang thái độ góp ý chứ không chê bai như: “Cậu đã tiến bộ rồi, cố lên, tớ sẽ giúp cậu những chỗ chưa hiểu.” “Cậu cần cố gắng hơn nữa nhé!”...
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top