Theo thầy Hiệu trưởng Trần Xuân Phượng, để điều chỉnh cấu trúc nội dung dạy học trong chương trình hiện hành và xây dựng chương trình giáo dục nhà trường theo hướng phát triển năng lực học sinh, cần tiến hành các bước sau:
Bước 1. Triển khai tập huấn cho toàn thể cán bộ, giáo viên
Thầy Phượng cho biết: Đây là bước quan trọng, do đó Ban giám hiệu cần quán triệt mục đích, yêu cầu mà trường cần đạt tới. Làm rõ các nội dung, thống nhất cách làm và yêu cầu sản phẩm. Đồng thời xây dựng kế hoạch thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ phông.
Bước 2. Tổ chức cho các tổ chuyên môn xây dựng chương trình giáo dục nhà trường theo từng bộ môn.
Cần xây dựng nội dung chương trình môn học. Căn cứ vào chương trình môn học của Bộ GD&ĐT và chuẩn kiến thức kĩ năng, các tổ chuyên môn tiến hành rà soát toàn bộ chương trình sách giáo khoa, xây dựng một chương trình tổng thể nhất quán từ lớp 10 đến lớp 12.
Thầy Phượng chia sẻ: Nội dung chương trình các môn học theo hướng tinh giảm. Tức là cắt bỏ những nội dung trùng lặp, những thông tin đã cũ, những kiến thức lí thuyết mang tính hàn lâm, xa rời thực tế,….
Đề xuất những chủ đề tích hợp nội dung dạy học (Bổ sung kiến thức có tính chất thực tiễn, hướng đến những giờ học được thiết kế để học sinh được khám phá, trải nghiệm, được thực hành, làm việc theo nhóm, rèn luyện năng lực vận dụng và khả năng tự học.
Chương trình được xây dựng phải giúp cho giáo viên khi thiết kế các hoạt động dạy học luôn trả lời được câu hỏi: Người học biết làm gì từ những điều đã biết?
Cần sắp xếp nội dung, xây dựng phân phối chương trình. Căn cứ vào khối lượng kiến thức, mức độ sâu, rộng của các chủ đề, sự phù hợp của kiến thức với trình độ nhận thức của học sinh, tính logic của các đơn vị kiến thức để xây dựng phân phối chương trình các môn học.
Việc xây dựng lại phân phối chương trình mới của các môn học dựa trên cơ sở tổng số tiết của mỗi môn học không thay đổi so với chương trình khung của Bộ GD&ĐT. Xây dựng các chủ đề dạy học tích hợp và kế hoạch tổ chức các hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực của học sinh.
Việc xây dựng chủ đề dạy học có nội dung kiến thức liên quan trực tiếp đến hai hay nhiều môn học và gắn liền với thực tiễn để giúp học sinh phát hiện vấn đề và đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tiễn về một trong các vấn đề sau:
Hiểu biết về pháp luật, an toàn giao thông; phòng chống tham nhũng; bảo vệ chủ quyền quốc gia về biên giới, biển đảo; bảo vệ môi trường; bảo tồn thiên nhiên, tài nguyên và môi trường biển, đảo; ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Các chủ đề phải gắn kiến thức lý thuyết và thực hành trong nhà trường với thực tiễn đời sống; đẩy mạnh thực hiện dạy học theo phương châm "học đi đôi với hành". Quy định thời gian và phân công giáo viên dạy các chủ đề tích hợp.
Lập kế hoạch tổ chức đa dạng hình thức dạy học: dạy học nghiên cứu, dạy học dự án, dạy học thực địa… Hoạt động dạy học không bó hẹp trong lớp học, trường học mà được diễn ra ngoài lớp học, trong cộng đồng.
Nâng cao hiệu quả hoạt động các câu lạc bộ câu lạc bộ Văn học, câu lạc bộ Tiếng Anh, câu lạc bộ Hóa học, câu lạc bộ Vật lý, câu lạc bộ phóng viên…nhằm phát huy tối đa năng khiếu, năng lực cá nhân hình thành và phát triển nhân cách học sinh.
Bước 3. Tham khảo ý kiến của các chuyên viên và lãnh đạo Sở GD&ĐT để hoàn thiện chương trình giáo dục nhà trường.
Bước 4: Hiệu trưởng cùng các cốt cán chuyên môn thẩm định lần cuối và ra quyết định ban hành thực hiện trong nhà trường.
"Nhà trường là cầu nối để giáo viên và học sinh trong trường được trải nghiệm các hoạt đông dạy – học trong cộng đồng gắn với đời sống của học sinh. Đặc biệt qua những hoạt động dạy – học, học sinh được tham gia vào các hoạt động gắn với sản xuất, kinh doanh tại địa phương.
Nội dung các hoạt động được tổ chức theo hướng tăng cường năng lực thực hành, vận dụng kiến thức, giáo dục đạo đức, giá trị sống, rèn luyện kĩ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật".
Thầy Trần Xuân Phượng
Nguồn: giaoducthoidai.vn