Bí quyết vận dụng kiến thức liên môn trả lời câu hỏi đọc hiểu văn bản nhật dụng

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Giúp học sinh hiểu rõ đặc điểm của văn bản nhật dụng dùng làm ngữ lệu phần đọc hiểu trong đề thi

Theo thầy Trần Xuân Trà, văn bản nhật dụng dùng làm ngữ liệu phần đọc hiểu trong các đề thi có thế chia thành 2 tiểu loại: Văn bản thông tin - báo chí và văn bản chính luận.

Văn bản thông tin - báo chí thường đề cập tới những vấn đề manh tính thời sự đang được dư luận xã hội quan tâm, như vấn đề Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở vùng lãnh hải Việt Nam (trong đề thi Tốt nghiệp THPT năm 2014); ô nhiễm môi trường; biến đổi khí hậu; chặt phá rừng đầu nguồn và cây xanh ở các thành phố lớn; tai nạn giao thông; bạo lực học đường; việc lạm dụng các phương tiện công nghệ thông tin của giới trẻ hiện nay; gương người tốt, việc tốt…

Văn bản chính luận thường đề cập tới những vấn đề chính trị, tư tưởng, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật… đã và đang có ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc, như vấn đề tự học (trong đề minh họa kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 của Bộ GD&ĐT); giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tính hai mặt của các sản phẩm khoa học công nghệ; cách ứng xử của con người thời hiện đại; các sự kiện lịch sử quan trọng….

Những văn bản nhật dụng này thường có dung lượng khá dài, gần gũi với cuộc sống hằng ngày, nhưng có phần “xa lạ” với những văn bản được học ở nhà trường. Bởi chúng không có trong SGK, chưa được giáo viên hướng dẫn đọc hiểu. Vì thế, giáo viên cần nhắc nhở học sinh phải bình tĩnh, tự tin, chủ động khi trả lời các câu hỏi đọc hiểu văn bản nhật dụng

Như vậy, giúp học sinh hiểu rõ đặc điểm của văn bản nhật dụng dùng làm ngữ liệu phần đọc hiểu trong đề thi là khâu định hướng hết sức quan trọng để các em tập trung, chú ý và tích cực, chủ động trong quá trình ôn tập và làm bài thi.

Nắm chắc yêu cầu chung và các dạng câu hỏi đọc hiểu văn bản nhật dụng thường gặp gắn với các đơn vị kiến thức cần huy động

Thầy Trần Xuân Trà cho rằng: Văn bản nhật dụng thường yêu cầu học sinh tìm thông tin có ngay trong ngữ liệu (đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014 và đề minh họa kỳ thi THPT quốc gia năm 2015) và vận dụng vào thực tế đời sống của bản thân.

Bởi vậy, trước hết nó đòi hỏi học sinh phải đọc kỹ văn bản, nắm chắc và hiểu rõ các thông tin trong ngữ liệu. Từ đó, học sinh phải biết kết nối các thông tin, hiểu rõ chủ đề văn bản, cũng như vấn đề trọng tâm, cơ bản mà văn bản bàn luận.

Đồng thời, học sinh còn phải biết bày tỏ quan điểm, chính kiến, lập trường tư tưởng và thái độ của bản thân về những vấn đề được đặt ra trong văn bản.

Bên cạnh đó, học sinh phải biết huy động kiến thức trong nội bộ bộ môn (Tiếng Việt, Làm văn, Văn học), kiến thức ở các môn học khác và những hiểu biết xã hội của bản thân để trả lời các câu hỏi. Trong đó, học sinh cần đặc biệt chú ý tới các kiểu dạng câu hỏi, gắn với các vùng kiến thức ở các phân môn, bộ môn cụ thể, như:

Đoạn trích thuộc phong cách ngôn ngữ nào? (Kiến thức Tiếng Việt- biết cách nhận diện và lựa chọn 1 trong 6 phong cách ngôn ngữ, gồm: Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt; phong cách ngôn ngữ nghệ thuật; phong cách ngôn ngữ báo chí; phong cách ngôn ngữ chính luận; phong cách ngôn ngữ khoa học; phong cách ngôn ngữ hành chính).

Giải thích nghĩa của từ, cụm từ trong đoạn trích (Kiến thức Tiếng Việt- nghĩa của từ và giá trị của việc sử dụng từ).

Các phép liên kết, các kiểu câu, các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích (Kiến thức Tiếng Việt)

Đoạn trích trình bày theo phương thức nào? (Kiến thức Làm văn- biết cách nhận diện và lựa chọn 1 trong 5 cách thức trình bày 1 đoạn văn, gồm: diễn dịch, quy nạp, sonh hành, móc xích, tổng - phân- hợp).

Các thao tác lập luận được sử dụng trong đoạn trích (Kiến thức Làm văn - biết nhận diện các thao tác lập luận: giải thích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ).

Các hình thức lập luận được sử dụng trong đoạn văn (Kiến thức Làm văn).

Trình bày quan điểm riêng về một vấn đề được đặt ra trong đoạn trích bằng một đoạn văn ngắn (Kiến thức Làm văn và những hiểu biết xã hội).

Chủ đề đoạn trích là gì? (Kiến thức Văn học, phần Lý luận học – chủ đề: Vấn đề chính được đặt ra trong văn bản).

Rõ ràng, những kiểu dạng câu hỏi đọc hiểu các văn bản nhật dụng hết sức phong phú, đa dạng, kiểm tra nhiều vùng kiến thức khác nhau của học sinh.

Hệ thống hóa các kiểu dạng câu hỏi, cũng như giúp học sinh nắm chắc yêu cầu chung và các đơn vị kiến thức cần huy động không chỉ tránh học tủ, học lệch, mà còn là cơ sở, nền tảng vững chắc để học sinh trả lời tốt các câu hỏi đọc hiểu các văn bản nhật dụng.

Tích cực hướng dẫn học sinh luyện tập và rèn kỹ năng trả lời các câu hỏi đọc hiểu văn bản nhật dụng

Mọi lý thuyết “đều là màu xám”. Nhấn mạnh điều này, thầy Trần Xuân Trà cho rằng, bên cạnh việc giúp học sinh củng cố các đơn vị kiến thức trọng tâm, cơ bản, điều cốt yếu giáo viên cần tích cực hướng dẫn các em luyện tập và rèn kỹ năng trả lời các câu hỏi đọc hiểu văn bản nhật dụng bằng những ví dụ cụ thể.

Đây là cách tốt nhất để giúp học sinh nâng cao năng lực đọc hiểu, biết vận dụng kiến thức, kỹ năng vào việc trả lời các câu hỏi cụ thể theo yêu cầu của đề bài.

Ví dụ cụ thể

Thầy Trần Xuân Trà nêu ví dụ cụ thể như sau:

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi ở dưới:

“Năm nay, chúng ta kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đúng vào thời điểm Đảng ta tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XII của Đảng.

Đây là một sự kiện trọng đại đối với Đảng ta, dân tộc ta; đồng thời, cũng là dịp để Đảng ta nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, phát huy trí tuệ của toàn Đảng, hoàn thiện đường lối đổi mới, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.

Bài học thành công về sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cần phải được tiếp tục kế thừa, phát huy trong tình hình mới.

Đó là bài học kiên định đường lối, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững bản chất giai cấp công nhân và củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Trên cơ sở đó, xác định đường lối, chủ trương, giải pháp lãnh đạo đúng đắn, sát yêu cầu phát triển của cách mạng; tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tìm ra quy luật khách quan bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng mang lại hiệu lực, hiệu quả trên thực tế.”

(Trích bài viết “Thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của đường lối và nghệ thuật quân sự Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân kỉ niệm 40 năm chiến thắng 30/4/197- 30/4/2015)

Câu 1: Văn bản trên được trình bày theo phong cách ngôn ngữ nào?(0,25 điểm)

Câu 2: Bài học thành công về sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cần phải được tiếp tục kế thừa, phát huy trong tình hình mới là gì ?( 0,25 điểm)

Câu 3: Phép liên kết chính được sử dụng trong đoạn văn? (0,25 điểm)

Câu 4: Cảm xúc của anh (chị) khi được ôn lại truyền thống ngày 30-4-1975? Trả lời trong khoảng 5- 7 dòng. (0,75 điểm)

* Gợi ý trả lời:

Câu 1: Đoạn văn trên thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận.

Câu 2: Bài học thành công về sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cần phải được tiếp tục kế thừa, phát huy trong tình hình mới là “kiên định đường lối, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững bản chất giai cấp công nhân và củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Câu 3: Phép liên kết chính được sử dụng trong đoạn văn là phép thế đại từ “đây là”, “đó là”, “trên cơ sở đó”.

Câu 4: Có thể trả lời theo nhiều cách khác nhau miễn là hợp lí, có sức thuyết phục, thể hiện cảm xúc chân thành của bản thân về chiến thắng lịch sử của dân tộc ta, như: tự hào, khâm phục, biết ơn, suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ…
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top