Bí quyết khiến trò yêu Văn học

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
“Dạy Văn là dạy làm người”

Đó là điều mà cô Thanh trăn trở nhất. Đối với cô, dạy Văn không chỉ đơn thuần là truyền đạt cho các em câu chữ, cách làm văn, cách cảm thụ tác phẩm... Trong giờ học của mình, cô luôn lồng ghép những câu chuyện chứa đựng triết lý cuộc sống để phân tích.

Vì vậy, bản thân cô Thanh cũng phải đọc thêm nhiều sách, nghiên cứu thêm nhiều tài liệu để lấy được nhiều dẫn chứng đặc sắc. Khi thấy cuốn sách nào ý nghĩa, cô lại tranh thủ đọc cho học sinh nghe hoặc cho các em mượn về.

Cô Thanh tâm sự: “Ở độ tuổi đang hình thành nhân cách, điều quan trọng nhất với các em là bài học làm người. Có thể các em viết văn chưa hay, nhưng bài học mà môn Văn mang lại thì các em cần được hiểu rõ. Vì vậy, ngoài những tác phẩm trong sách giáo khoa, các em nên được nghe những câu chuyện ý nghĩa khác. Đó đơn giản chỉ là câu chuyện về sự lễ phép, về bạn bè, gia đình...”.

Trong suốt 25 năm công tác tại trường, cô Thanh không ít lần gặp phải những em học sinh bướng bỉnh, không nghe lời. Nhiều em học sinh cá biệt, không tập trung học bất cứ môn nào chứ không riêng môn Văn.

Nhưng vì tâm huyết với nghề giáo, cô nhất quyết không bỏ qua những em này. Cô dùng mọi cách để trò chuyện, khuyên nhủ học sinh, khơi dậy cho các em mục tiêu sống và động lực học tập.

“Với nghề giáo, chứng kiến sự thành công của học trò là điều hạnh phúc nhất. Và với tôi, bí quyết để học trò yêu Văn chính là dạy các em làm người...” - cô Thanh tâm sự.

Phương pháp dạy học sáng tạo

Thay đổi tư tưởng học sinh là chưa đủ, cô Phan Thị Hoài Thanh còn cố gắng tìm tòi những phương pháp giảng dạy mới. Dù đã ngoài 50 tuổi, nhưng cô Thanh không ngần ngại tiếp xúc với máy tính mỗi ngày để lên mạng tìm kiếm những cách dạy tiên tiến. Theo cô, môn Văn vốn là một môn khó học nếu giáo viên không thu hút được học trò.

Vào những giờ học luyện nói, cô thường cho học sinh trong lớp thi hùng biện. Các em sẽ được giao một chủ đề gần gũi với cuộc sống để bàn luận hoặc chính các em tự đề xuất đề tài cho buổi học.

Sau mỗi tiết học như vậy, học sinh không chỉ học được cách lập luận, mà còn tăng khả năng thuyết trình, giao tiếp trước đám đông... Ngoài ra, khi học tác phẩm, cô Thanh cũng tổ chức cho các em tự đóng vai nhân vật theo cốt truyện. Từ đó, các em sẽ dễ dàng nhớ tác phẩm hơn.

Gần đây, khi công nghệ phát triển, việc học Văn của học sinh phụ thuộc vào Internet và sách tham khảo quá nhiều. Mỗi lần giao bài tập về nhà, cô Thanh nhận thấy nhiều em copy bài trên mạng nên bài giống nhau.

Vì vậy, chính cô cũng phải thay đổi cách giao đề tài, tránh giao những đề tài cũ. Trước tình trạng sách tham khảo tràn lan, nhiều em học sinh mua phải những cuốn sách không chất lượng, cô Thanh lại dành thời gian ra hiệu sách, chọn lọc những cuốn sách của nhà xuất bản và tác giả uy tín để giới thiệu cho học sinh.

Bằng tâm huyết của mình, nhiều năm nay, cô Thanh là giáo viên Văn duy nhất của trường theo sát bồi dưỡng các em học sinh giỏi Văn. Mỗi năm, Trường THCS II thị trấn Thanh Ba lại có hàng chục em đi thi học sinh giỏi môn Văn cấp tỉnh. Trong đó, số em đạt giải cao đạt đến 50%.

Là một giáo viên chuyên bồi dưỡng học sinh giỏi, nhưng cô Thanh lại không bỏ qua những em học sinh cá biệt, yếu kém. Vì vậy, cô Thanh luôn được coi là một tấm gương sáng trong phương pháp giảng dạy của đội ngũ giáo viên của Trường THCS II thị trấn Thanh Ba nói riêng và của toàn huyện Thanh Ba nói chung.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top