Bí quyết khiến học sinh nhanh chóng muốn trở lại trường sau Tết

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Nhờ những "bí kíp" riêng, cô Hiên đã khiến các học sinh của mình hào hứng, mong chờ ngày được đi học lại sau Tết


Vậy làm thế nào để giúp học sinh, trong đó có học sinh tiểu học ổn định lại nề nếp sau kì nghỉ Tết? Dưới đây là chia sẻ của cô Trần Minh Hiên - Giáo viên Trường tiểu học B Minh Thuận, Vụ Bản, Nam Định với báo Giáo dục và Thời đại.

Tạo sự mong chờ đến ngày đi học

Ngay từ trước Tết, tôi đã dành thời gian để học sinh viết những lời chúc Tết hay ước muốn của mình trong dịp Tết để bỏ vào góc Điều em muốn nói hay Hòm thư chia sẻ. Đồng thời, khuyến khích các con sau kì nghỉ Tết hãy kể cho cô và các bạn, Tết này con đã thực hiện được những ước muốn ấy chưa? Con thực hiện như thế nào?

Cùng với đó, tôi dành thời gian trò chuyện, hỏi han các con: Bạn nào được bố mẹ mua quần áo mới? Ra Tết, các con mặc quần áo mới tới lớp để cô ngắm xem đẹp không nhé!

Chính vì muốn được khoe với cô giáo và các bạn những điều đó nên sau kì nghỉ Tết Bính Thân dài ngày này, học sinh lớp tôi đi học đầy đủ với sự hào hứng, vui vẻ.

Phụ huynh cùng giúp con giữ nếp học

Bên cạnh đó, trước khi nghỉ Tết, tôi cũng quán triệt với các bậc phụ huynh: Trước khi các con đi học 2 - 3 ngày, hãy giúp các con làm quen lại với lịch sinh hoạt trước đây.

Phụ huynh cần làm gương ăn sớm, ngủ sớm, dậy sớm, đến giờ học của con hãy giành thời gian ngồi vào bàn học cùng con, hướng dẫn con cách soạn sách vở, xem lại bài học… Như vậy để các con quen với việc sắp tới phải dậy sớm đi học.

Tạo ấn tượng tiết học đầu năm

Cùng với sự quan tâm của gia đình, thì sự khéo léo của giáo viên giúp học sinh nhanh chóng ổn định nề nếp sau kì nghỉ Tết cũng rất quan trọng:

Theo đó, ngay từ đầu năm học, Ban nề nếp của các lớp đã tích cực làm việc. Chính vì vậy, buổi học đầu tiên sau kì nghỉ Tết, khi đến lớp, Ban nề nếp đã quan sát, theo dõi các bạn trong lớp đã đi học đầy đủ hay chưa, có bạn nào đi học muộn không, đồng thời nhắc nhở các bạn ngồi học trật tự, không nói chuyện hay làm việc riêng...

Khi vào lớp, sau khi nghe trưởng ban nề nếp báo cáo về tình hình của lớp, ổn định lớp và bắt đầu tiết học, tôi không ép các con vào khuôn khổ ngay, cũng không dạy kiến thức mới hoặc khó ở những tiết học này. Tôi đã chuẩn bị những phong bao lì xì nho nhỏ mừng tuổi các con.

Tiết học đầu tiên, ngoài việc các con được chia sẻ với thầy cô, bạn bè những bộ quần áo mới hay được đi chơi những đâu, làm gì, được nhận lì xì và những lời chúc như thế nào để tạo cảm giác thoải mái, không bị áp lực ở buổi học đầu năm.

Đồng thời, tôi cũng nắm bắt được các con nghỉ Tết như thế nào để kịp thời khen ngợi những bạn có một kì nghỉ Tết vui vẻ, an toàn, lành mạnh, không tham gia vào các tệ nạn xã hội, và đặc biệt giữ sức khỏe tốt.

Ngoài ra, các con còn được hào hứng tham gia các trò chơi vận động, các tiết mục văn nghệ chào xuân mới do ban văn nghệ điều hành.

Ở đầu mỗi tiết học, tôi cho học sinh khởi động bằng những trò chơi như hái hoa dân chủ để các con ôn lại kiến thức cũ, hát những bài hát để tạo hứng thú cho các con, giúp các con hào hứng trong học tập.

Trong giờ học, hãy luôn chú ý dành những lời khen, động viên khuyến khích từng học sinh hay từng nhóm học tập để các con hào hứng nắm bắt kiến thức.

"Ở ngôi trường mà tôi công tác, đầu xuân, mỗi em học sinh thường hay mang một hộp bánh hay hộp kẹo nho nhỏ, trước là để chúc Tết thầy cô, sau là để các em liên hoan.Tôi cũng bố trí vài chùm bóng bay, vài ngọn nến và đặc biệt là cành đào trên đó có gắn các câu đố vui ngày Tết. Lớp học của tôi trông ấm cúng như nhà các em vậy.
Có lẽ thế mà các em thấy quen vì không gian ấm áp như ở nhà mà lại có thêm cô, thêm bạn, được học, được chơi. Vì vậy, sau buổi học đầu tiên, tôi đã tổ chức cho các em liên hoan.
Mặc dù ở nhà đã có rất nhiều bánh kẹo, nhưng các em rất thích và hào hứng khi được ngồi bên cạnh những người bạn mà đã một thời gian không gặp, vừa ăn, vừa trò chuyện".

Cô Trần Minh Hiên
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top