Bí quyết học hiệu quả phần phát âm, dấu nhấn trong tiếng Anh

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Trước thực trạng nhiều học sinh thiếu những kiến thức cơ bản về phát âm và dấu nhấn trong tiếng Anh, giảng viên Bùi Trí Vũ Nam - Giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh - đã đề xuất cách thức đơn giản, nhưng hiệu quả mang tính chất lấy người học làm trung tâm nhằm giúp học sinh PTTH học tập tiến bộ ở phần phát âm và dấu nhấn này.

Làm việc theo nhóm

Giảng viên Bùi Trí Vũ Nam cho biết: Thông thường trong mỗi bài học của sách giáo khoa môn Tiếng Anh ở bậc THPT, ở phần Language Focus đều chia làm 2 phần nhỏ rất rõ ràng là phát âm, dấu nhấn và ngữ pháp.

Ở phần phát âm và dấu nhấn của mỗi bài học, học sinh sẽ được học phát âm 1 âm đơn lẻ hoặc học theo theo từng cặp âm mà học sinh hay nhầm lẫn.

Giáo viên có thể dành ra thời lượng 1 tiết để giúp học sinh ôn tập phần này trước kỳ thi giữa hoặc cuối học kỳ.

Đầu tiên, giáo viên có thể yêu cầu học sinh làm theo theo nhóm khoảng 5 đến 6 học sinh. Các nhóm sẽ dựa vào phần đề cương từ vựng có sẵn để chọn ra những từ có mang âm được học trong phần Language Focus.

Giáo viên có thể tùy từng bài mà yêu cầu học sinh nhóm những từ mang cùng 1 âm khác trong bài học. Phần dấu nhấn cũng có thề được tiến hành tương tự.

Sau đó, các nhóm sẽ được giao nhiệm vụ thiết kế khoảng 8 đến 10 câu trắc nghiệm về phát âm và dấu nhấn ở tất cả các bài đã ôn tập.

Giáo viên lưu ý nhắc học sinh khi thiết kế các câu trắc nghiệm thì 4 lựa chọn trong một trắc nghiệm nên là các từ của những bài khác nhau.

Sau khi hoàn thành phần công việc của mình, học sinh ở mỗi nhóm cử đại diện viết câu hỏi lên bảng hoặc dán câu hỏi lên bảng (giáo viên chuẩn bị giấy A2 hoặc A1 cho học sinh).

Các nhóm khác sẽ có 1 khoảng thời gian nhất định để trả lời các câu hỏi của nhóm bạn. Sau khi hoàn thành phần trả lời, mỗi nhóm cử đại diện lên sửa bài và giải đáp thắc mắc của các bạn ở các nhóm khác.

Ở cuối tiết, giáo viên có thể đưa ra nhận xét về phần câu hỏi của các nhóm và tóm tắt lại một số điểm trọng tâm về phát âm và dấu nhấn cho từng bài học (units).

Những lưu ý giúp bài dạy hiệu quả

Để hoạt động này hiệu quả hơn, giảng viên Bùi Trí Vũ Nam gợi ý, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh trước một số trò chơi đơn giản liên quan đến việc luyện tập phát âm và dấu nhấn để các em có thêm ý tưởng trong phần sửa bài và giải đáp thắc mắc từ các bạn ở nhóm khác.

Điều này là rất cần thiết, đặc biệt là khi học sinh gặp những âm khó phát âm hay những cặp âm gần giống nhau, gây khó khăn cho học sinh sửa bài và những học sinh nghe sửa bên dưới.

Thay vì giới thiệu cách phát âm của các từ đó, các học sinh chịu trách nhiệm sửa bài có thể vận dụng những trò chơi ngắn và đơn giản để giúp phần sửa bài và giải đáp thắc mắc của nhóm mình thêm phần sinh động và có tính giao tiếp hơn.

Khi phân nhóm, giáo viên nên chú ý phân đều một số học sinh có phát âm khá tốt vào các nhóm để bảo đảm độ chuẩn xác cho phần câu hỏi và sửa bài.

Phần câu hỏi của các nhóm nếu trong thời lượng cho phép mà lớp không thể sửa hết thì có thể giao về nhà như là một dạng luyện tập thêm cho các em. Giáo viên hoặc nhóm học sinh phụ trách phần câu hỏi đó sẽ có trách nhiệm giải đáp thắc mắc nếu có.

Các nhóm làm tốt công việc của mình có thể được điểm cộng hoặc một phần quà nhỏ từ giáo viên để khuyến khích học sinh tham gia tích cực vào tiết ôn tập phần ngữ âm.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top