Bí mật ẩn sau việc "thi thể 6 ngày không phân hủy" của Alexander Đại đế

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Cái chết bí ẩn của Alexander Đại đế đến nay vẫn khiến nhiều sử gia và nhà nghiên cứu "điên đầu" tìm hiểu.

Hoàng đế xứ Macedonia băng hà sau 12 ngày bị bệnh tật dày vò?


Theo các tài liệu sử học, khi Alexander Đại đế qua đời tại Babylon vào năm 323 trước Công nguyên (TCN), trong 6 ngày sau đó, thi thể của ông không có dấu hiệu phân hủy như bình thường.

Đối với người Hy Lạp cổ đại, điều phi thường này đã xác nhận tất cả những gì họ nghĩ về vị vua trẻ người Macedonia - đồng thời cũng là những gì mà Alexander tin về bản thân mình - rằng ông không phải là một người thường, mà là một Vị Thần.



Ở độ tuổi 33, Alexander Đại đế đã chinh phục và nắm trong tay một đế chế trải dài từ Balkan đến Pakistan (thời nay).

Thừa thắng xông lên, khi đã sẵn sàng cho một cuộc chinh phạt mới, Alexander Đại đế đột ngột đổ bệnh và băng hà sau 12 ngày bị các cơn đau dày vò liên tục.

Sau cái chết của một trong những nhà cầm quân lỗi lạc của lịch sử thế giới, các sử gia đã tranh luận rất nhiều về nguyên nhân gây nên cái chết đột ngột của ông. Sốt rét, thương hàn, ngộ độc rượu đến việc bị ám sát bởi một trong những đối thủ của ông là các nguyên nhân được đưa ra.

Vì chưa xác định được rõ nguyên nhân cái chết của chiến lược gia quân sự vĩ đại bậc nhất trong lịch sử nhân loại, nên cái chết của ông cho đến nay vẫn khiến nhiều sử gia và nhà nghiên cứu "điên đầu" tìm hiểu.

Cái chết uẩn khúc nhất trong lịch sử


Mới đây nhất, Tiến sĩ Kinda Hall, giảng viên cao cấp của Trường Y khoa Dunedin tại Đại học Otago (New Zealand), cho biết: Rất có thể Alexander Đại đế mắc chứng rối loạn thần kinh Guillain-Barré Syference (GBS), do đó khiến cho ông đoản mệnh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Tiến sĩ Hall lập luận rằng, cận thần không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu phân hủy nào trong 6 ngày sau khi ông chết, là vì một lý do hết sức đơn giản: Alexander Đại đế chưa chết.



Trong một bài báo đăng trên The Ancient History Bulletin, Tiến sĩ Kinda Hall viết: "Hầu hết các giả thuyết về nguyên nhân cái chết của Alexander Đại đế đều tập trung vào việc vị hoàng đế này bị sốt và chịu đựng những cơn đau quặn bụng trong nhiều ngày trước khi trút hơi thở cuối cùng".

Trên thực tế, Tiến sĩ Hall tiếp tục lập luận, vì tham gia chinh chiến trường kỳ nên Alexander Đại đế nổi tiếng là người cường tráng, rất khỏe mạnh. Mặc dù mắc bệnh nặng, hoàng đế của Vương quốc Macedonia vẫn có thể giữ đầu óc tỉnh táo.

Về nguyên nhân cái chết, sau khi mắc GBS (một dạng rối loạn tự miễn dịch hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, trong đó hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong hệ thần kinh) do nhiễm vi khuẩn phổ biến thời đó là Campylobacter pylori.

Sau khi nhiễm khuẩn, có khả năng một biến thể của GBS khiến cho toàn thân của Alexander Đại đế bị tê liệt. Tình trạng càng tê liệt kéo dài với mức độ càng tăng khiến cơ thể vị hoàng đế cần ít oxy hơn.

Trong khi đó, vào thời cổ đại, người ta thường kết luận một người chết hay sống dựa trên nhịp thở, thay vì dựa trên nhịp tim hay mạch. Và đó là lý do, người ta xác nhận Alexander Đại đế "đã chết" trước khi ông thực sự chết.

Cái chết của một trong những nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng khắp thế giới Alexander Đại đế cách đây 2.342 năm là trường hợp nổi tiếng nhất thời cổ đại. Và nếu phán đoán sai về cái chết của ông thì đây là trường hợp nổi tiếng nhất trong lịch sử.



Cùng với thống soái Hannibal xứ Carthage, nhà độc tài Julius Caesar thành La Mã, nhà chinh phạt Thành Cát Tư Hãn người Mông Cổ, vua Gustav II Adolf nước Thụy Điển, vua Friedrich II Đại Đế nước Phổ và Hoàng đế Napoléon Bonaparte nước Pháp, Alexander Đại đế xứ Macedonia nằm trong danh sách Đại Danh tướng (Great Captain) trong lịch sử.
Nguồn: Báo điện tử Kiến Thức
 

Bình luận bằng Facebook

Top