Bầy Chim Trắng Trong Sân Trường - (Chương 9)

cohonnhien

Thành viên
#1
Tác giả: Ðinh Tiến Luyện

Chuyện thầy Hiển mất làm xôn xao cả trường. Nhất là những lớp thầy đã từng dạy, học trò nhốn nháo đòi nghỉ để đưa đám thầy.

Khởi đầu từ bác Năm gác-dan. Ðược tin thầy Hiển mất từ phòng giám hiệu lan ra, ông vội vã lên lớp tìm con, tay vắt sẵn một giải tang trắng. Thế là tin thầy Hiển mất lan nhanh khắp các lớp, dù đang giờ học.

Khôi nhìn sang Uyên, vẻ mặt bàng hoàng đau đớn. Khôi đứng lên:

- Thưa cô cho phép chúng em đi đưa thầy.

Cô giáo văn xua tay:

- Các em cứ bình tĩnh, chờ chỉ thị của Ban giám hiệu.

Ở lớp bên, thầy Hiệu phó đã kịp thời có mặt để giữ trật tự.

- Tôi yêu cầu ông Năm ra khỏi lớp. Việc ông là dưới cổng chứ không phải ở đây. Chuyện gì đã có nhà trường lo.

Ông Năm sầm nét mặt đi ra nhưng vẫn còn đứng ở cửa lớp chờ con. Thầy Hiệu phó nói với cả lớp học đang ồn, giận dữ:

- Tôi xin nhắc lại, những trò nào vô kỷ luật sẽ bị đuổi, khỏi cần ra hội đồng kỷ luật. Việc thầy Hiển mất đã có ban giám hiệu tổ chức. Vả lại thầy Hiển nghỉ dạy, nhà trường chỉ cử một số thầy và một số em đi phúng điếu là đủ rồi. Chúng ta không được phép lãng phí việc học chung toàn trường.

Một trò mạnh dạn đứng lên:

- Thưa thầy, nhưng thầy Hiển đã từng là phụ trách chính lớp em.

- Chính hay phụ gì cũng như vậy, thầy Hiệu phó dứt khoát, thầy Hiển đã nghỉ dạy.

Tiếng ồn nhỏ râm ran khắp lớp. Khắp lớp những trò đã từng học thầy Hiển đều biếu tỏ thái độ rõ rệt. Riêng một số như Thọ thì dửng dưng như không. Nó ghé sát tai một bạn nói nhỏ:

- Ông Hiển chết là hết. Ba tao không ưa gì ổng. Nói ổng là trí thức thời thượng, ưa phản kháng dỏm. Bỏ dạy đi đạp xe cũng là phản kháng dỏm.

Không bình tĩnh nổi, bác Năm gác dan xông vào lớp nắm tay đứa con lôi ra:

- Nghĩa, mày đi ra theo tao.

Ðứa con trai tên Nghĩa mau mắn ra theo bố. Xổ tung chiếc khăn tang trước lớp, ông Năm quấn lên đầu cho con. Giọng rắn rỏi, ông dằn từng tiếng oang oang trong khắp lớp như cốt để cho mọi người cùng nghe:

- Một chữ mày học cũng mang ơn thầy. Thầy mày chết cũng như cha mày chết, mày phải đi đưa cho trọn lễ nghĩa.

Thầy Hiệu phó nóng mặt, lớn tiếng quát:

- Một lần nữa tôi yêu cầu ông Năm xuống nhà ngay. Ông không có nhiệm vụ gì ở đây cả.

Ông Năm càng to tiếng hơn:

- Tôi chỉ làm nhiệm vụ dạy dỗ con tôi cho nó biết Lễ Nghĩa. Ở thời đại nào, văn minh tiên tiến tới đâu, học hành tới cái gì gì đi nữa thì Lễ Nghĩa cũng phải học trước.

Các lớp bị kích động bởi lời thức tỉnh của người gác dan già. Bấy lâu nay cứ tưởng một phiến đá sắp đóng rêu trước cổng trường là bác, nào ngờ trong tim vẫn ủ sâu một ngọn lửa tình người nóng bỏng. Bác Năm khiến mọi người xúc động. Và càng xúc động hơn nữa với mảnh tang trắng quấn ngang trán đứa con bác dắt theo dọc các hành lang lầu trên lầu dưới. Không ai bảo ai, những học trò cũ của thầy Hiển ùa theo, mặc cho nhiều điều đe dọa kỷ luật có thể bị thi hành nặng nhất.

Khôi, Việt cùng Uyên, Ngà và các bạn khác cũng bỏ học đi theo bác Năm. Ðám tang thầy Hiển với đám học trò cũ đầy xúc động. Ai cũng nghĩ bác Năm sẽ vật vã, khóc lóc kể lể nhiều bên linh cửu người quá cố nhưng tuyệt nhiên không. Ði sau hết đám học trò là người đàn ông già, tay cầm mũ chậm chạp theo từng bước, mắt cúi sâu. Cho đến khi gần về, một cảnh tượng đầy thương tâm bất ngờ làm ai cũng muốn rớt nước mắt. Bác Năm cứ ôm chặt lấy đứa con trai lớn của thầy Hiển chừng mười một tuổi mà khóc, khóc mãi không thôi. Không ai rõ nguyên do, chỉ mờ đoán rằng hình ảnh người con đã khiến bác Năm bật nhớ một người cha bất hạnh là thầy Hiển mà từ nay bác không còn thấy nữa. Thực ra cái nguyên do sâu xa khiến một người già phải bùi ngùi đau đớn đến thế phải đợi mãi đến khi được nghe bác Năm kể lại sau đó với đám học trò:

-...Thấy thầy Hiển cứ có mãi một manh áo sơ mi tới trường, tết năm ngoái bác có biếu thầy một xấp vải Ka-tê. Phải làm mặt giận thầy mới nhận cho. Bác thấp thỏm mong đợi có ngày sẽ thấy thầy mặc tấm áo mới đi dạy, ngày nào đứng ở cổng bác cũng đợi. Ðợi mãi rồi cũng buồn, buồn mãi rồi muốn giận. Có lẽ thầy Hiển chỉ nhận để vừa lòng bác, rồi đem xếp xó. Ai ngờ mãi đến hôm đưa đám thầy, bác mới nhìn thấy xấp vải bác biếu ngày ấy đã dành để may áo cho con - Giọng bác Năm lạc hẳn đi, nghẹn ngào - Các cháu mỗi người đều có một người cha, mấy ai trong các cháu có lần nghĩ đến tình phụ tử cao vời như thế, bao la như thế...

Khôi buồn biết chừng nào sau đó. Thầy Hiển không những là người thầy mà còn là một người cha, luôn có một tấm lòng rộng mở. Thầy đã cho Khôi biết bao điều về Nhân Trí Lễ Nghĩa, những điều chẳng ghi trong môn học nào, những điều chỉ thấy ở những Tâm hồn lớn.

Khôi đem khoe với Uyên cuốn "Những Tâm Hồn Cao Thượng" mà thầy Hiển đã tặng mình năm ngoái, với lời đề tặng nơi trang đầu:

Tặng trò Khôi

Hãy Sống Là Một Tâm Hồn Lớn.

Thầy Hiển.

Nét chữ thênh thang, rắn rỏi và đầy tự tin đã gây ấn tượng mạnh đối với Uyên. Ấp cuốn sách vào ngực, Uyên muốn lặng người đi trong giây lát vì xúc động.

- Uyên cầm về đọc và nhớ giữ kỹ cho Khôi, mình quý cuốn sách này lắm đó.

- Uyên cũng đọc cuốn này một lần rồi. Nhìn nét chữ thầy cũ sao mình thấy thương tâm quá. Một con người đầy sức sống như thầy sao sớm...

- Trong đời sống đâu thiếu những điều nghịch lý, thầy chẳng nói với Uyên như thế đó sao. Làm sao chế ngự hết được, đó là việc làm của mỗi thời, Khôi nghĩ thế.

Uyên định hỏi Khôi thêm điều gì, nhưng nghe tiếng cười khúc khích ở phía dãy bàn cuối lớp, Uyên lại thôi. Lại bọn nhỏ An nhỏ Dung ưa chơi trò ghép đôi. Cái trò đùa cũ rích này Uyên chúa ghét. Nào là có "tình ý", nào là "tình trong như đã"... làm cho giao tiếp bạn bè khác phái mất tự nhiên, vướng vất trong quan hệ lứa đôi hẹp hòi. Ðã có bạn gái phải khóc tức tưởi giữa lớp vì phân bua không lại với những "khẩu đại bác miệng" vô cùng tàn nhẫn tấn công.

- Còn gì để chối nữa, một lá thư tình xanh mướt kẹp trong cuốn sách cho mượn rõ ràng mắt tao trông thấy.

- Tao còn đọc được nét chữ nghiêng nghiêng nhòe nhoẹt nướt mắt nhớ thương thương nhớ...

- Em nhớ anh vô cùng, ngủ không được, học không vô. Cứ cái đà này có ngày em thành trái chuối khô chết mất.

- Rồi chàng hồi âm ra sao?

- Hỡi em ơi xin em đừng vội làm trái chuối khô khi tình ta còn đang hồi lai láng. Vì chính trái tim anh đây cũng đang đau đớn bởi yêu em dô...ô...dàng...

Ðào thương kép độc được tưởng thưởng bằng những tràng pháo tay hoan hô cuồng nhiệt. Trong khi vai chính chỉ có việc khóc đợi hạ màn.

Uyên luôn muốn phản đối chuyện này. Nhưng biết làm sao được, chuyện quan hệ giữa nam nữ vẫn thường là đề tài thú vị nhất trong những lớp lớn. Thật buồn tẻ biết mấy khi một trăm trang sách hay một giờ phim ảnh chỉ toàn nhân vật nam hay toàn nhân vật nữ. Nó sẽ ngắn xủn, cụt ngủn khi tác giả đặt hai cục đá gần nhau bởi chẳng có gì để nói. Ông An-đéc-xen đã nặn ra hai hình nhân bằng bánh nhưng vẫn không quên gắn thêm hai hạt hạnh đào làn hai trái tim. Những cái bánh hình người nam và nữ ấy được đặt trong tủ kính. Nhưng vì để gần nhau lâu ngày, hi cái bánh đã yêu nhau. Yêu nhau mà không nói được nên cả hai đã vỡ ra, hai hạt hạnh đào rớt ra. Thế là An-đéc-xen đã có chuyện "đôi tình nhân bằng bánh" để kể.

- Nam châm cùng cực đẩy nhau, nam châm khác cực hút nhau. Nguyên tắc chế tạo tàu tốc hành chạy trên đệm từ trường hiện đại nhất cũng có gì mới mẻ đâu. Tự bao giờ nam châm vẫn đặc tính ấy, tự bao đời nam nữ vẫn đặc tính ấy.

- Ðừng tưởng mình có trái tim ghép nhân tạo bằng plastic có thể tháo rời được, em gái ạ. Hãy coi chừng có ngày bị "ngoặm" một cái đau điếng thì đừng có hỏi "ủa" tại sao!

Thật buồn cười. Toàn những kẻ chưa từng đặt chân vào tình trường lại luận đề về tình trường sành sỏi như đã được cấp bằng. An đấy, Dung đấy. Chúng cười đùa bỡn cợt vô tội vạ và luôn được hưởng ứng cuồng nhiệt mỗi khi chúng dựng sân khấu nơi đâu - Có những kẻ đã nhận được học vị "tiến sĩ lứa đôi" ngay tại "đại học" quán chè hay góc sân trường một cách rất xứng đáng.

- Quả cau nhỏ nhỏ, cái vỏ vân vân. Nay anh học gần, mai anh học xa. Chữ Trung dành để phần cha. Chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ Tình. Nào ai nói gì đâu, ca dao tục ngữ cả đấy. Học đi, học đi và đừng bao giờ nịt áo ngực chặt quá, trái tim bị ép có ngày nó nổ tung ra. "Bùm" một cái, vơ lại không kịp.

Học trò con gái vẫn "sinh" thơ văn "tùm lum" như vậy. Ðang tuổi bẻ gẫy sừng trâu thì nhằm nhò chi ba cái râu lún phún của các cậu trai mới lớn. Cho nên trong lớp đã "mọc" ra không biết bao nhiêu Bà Rằng Bà Rí. Và hễ có một sự kiện nào được gọi là "ngấp nghé" xảy ra trong lớp thì các Bà Rằng Bà Rí đã kịp gọi nhau ới ơi "cho mượn cái gầu sòng". Bồng bồng cõng chồng đi chơi, đi qua chỗ lội đánh rơi mất chồng. Bạn trai cùng lớp chỉ là những con nai tơ, nếu không biết ngơ ngác thì chỉ sa vào bẫy cười cho một nhóm tóc dài nghịch ngợm.

Cho dù có bản lãnh tới đâu Uyên cũng không dám nghĩ là sẽ thách thức đám đông dư luận ồn ào kiểu đó.

Còn Khôi thì nghĩ gì nhỉ. Nghĩ gì thì nghĩ, chắc chắn không bao giờ Khôi bằng lòng đễ mình lẫn trong đám đông bạn bè. Một cái gì là Khôi lầm lì ít nói, học giỏi và rất trực tính. Ðây có phải là phần nào dáng dấp của Một Tâm Hồn Lớn? Uyên không rõ điều này cũng như Uyên không thể hiểu những nghịch lý trong đời sống sao ta cứ phải luôn chạm mặt. Và thầy Hiển, một người thầy tài giỏi, đáng kính, yêu nghiệp hơn ai hết lại sớm phải lìa bỏ sân trường và học trò của mình trong một hoàn cảnh đáng thương tâm như thế. Chắc chắn là chẳng ai muốn nhưng đây đâu phải là một trường hợp điển hình.
 

Bình luận bằng Facebook

Chủ đề tương tự

Top