"Bao giờ học trò mới hết hoang mang thi cử"

Thu Giang

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
3 phương án thi quốc gia chung thay thế tốt nghiệp và đại học vẫn đang gây tranh cãi. Teens phải gồng mình không biết ôn luyện theo hướng nào.
Từ cuối tháng 7/2014, Bộ GD&ĐT đưa ra 3 phương án mới về việc tổ chức kỳ thi quốc gia chung thay cho thi đại học và cao đẳng. Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia chung nếu được thực hiện từ năm 2015 thì các bạn 97 sẽ là lứa đầu tiên áp dụng cách thi này.

Phương án 1 là theo môn thi. Có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi một môn. Để được xét công nhận tốt nghiệp, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn.

Phương án 2 là thi theo bài. Trong kỳ thi, 8 môn học ở lớp 12 được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi. Thí sinh chọn một trong hai bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Xã hội.

Phương án 3 cũng thi theo bài. 11 môn học lớp 12 THPT được tuyển chọn để tổng hợp thành 4 bài thi. Tất cả sẽ có 4 buổi thi được tổ chức trong 2 ngày, mỗi buổi thi một bài.


Đề án mới về kỳ thi quốc gia chung của Bộ Giáo dục đang tiếp tục gây tranh luận. Ảnh: VnExpress.

Cho đến nay, các phương án đưa ra vẫn chưa được thống nhất và còn nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Trong khi đó, teens suốt ngày thấp thỏm, hoang mang, chờ chốt phương án để có cách thức ôn luyện phù hợp.

iOne nối máy với một số teen 12 để lắng nghe tâm sự về chuyện thi cử sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.

'Bao giờ tụi mình mới hết hoang mang?'

Minh Quyền, THPT Trưng Vương TP HCM lo lắng tâm sự: "Năm nào mình cũng thấy Bộ đưa ra đề án thi mới. Mới năm ngoái thi tốt nghiệp theo hình thức 2 môn tự chọn và 2 môn bắt buộc nhận được sự đồng tình, bọn mình cũng cảm thấy như vậy là vừa sức. Việc thi đại học theo ban vẫn được áp dụng từ trước đến nay và tụi mình đang ôn luyện theo hướng đó. Đến năm nay, lại thấy Bộ đề xuất thi quốc gia chung. Mình thật sự hoang mang vô cùng".

Cùng tâm trạng, Phắc Phong THPT Nguyễn Thượng Hiền TP HCM cho biết: "Thật sự từ khi nghe đề xuất mới không chỉ mình mà nhiều bạn khác trong lớp cũng tỏ ra lo lắng, không biết phải học và ôn luyện thế nào cho đúng. Tụi mình thích cách thi như năm rồi nên nếu đổi phương án thì sẽ không học ôn kịp các môn ngoài khối thi".


Phắc Phong (phải) ủng hộ phương án 1 của Bộ: thi 3 môn bắt buộc vào 1 môn tự chọn.

Trong 3 phương án đưa ra, Phong cùng bạn bè ủng hộ phương án 1 vì nhẹ nhàng nhất. "Với phương án này tụi mình đỡ phải học hơn, chỉ cần tập trung vào các môn khối cần thi. Với phương án 2, 3 thì thi thêm các môn không cần thiết nên cực cho học sinh, làm nhiều bài thi gây tốn sức", Phong cho hay.

Hân Nguyễn, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa bày tỏ: "Bản thân mình không muốn gộp hai kỳ thi làm một vì nhiều bạn có ý định đi du học thì chỉ cần tốt nghiệp là đủ. Còn bây giờ khi đã gộp, tất nhiên đề thi sẽ được nâng lên cao hơn, vì thế rất làm khó cho các bạn ấy".


Hân Nguyễn (phải) hoang mang chờ quyết định của Bộ để có kế hoạch ôn tập phù hợp.

Hân còn cho hay, nếu thi gộp, thời gian ôn thi sẽ bị giảm, cách thức thi lại mới khó thích ứng kịp, trong khi thời gian còn lại không nhiều. "Với tư cách là một học sinh 12, mình đang rất lo lắng. Mỗi ngày lại thêm một tin mới, mấy bạn mình có dự tính đi du học cũng thấp thỏm không yên. Tụi mình đang chờ từng ngày quyết định chính thức từ Bộ".

Nguyễn Quỳnh, THPT Thủ Đức tâm sự: "Không biết đến bao giờ cảm giác mơ hồ, hoang mang như hiện tại mới kết thúc. Đến hiện tại phương án vẫn chưa chốt thì tụi mình biết phải làm sao để lên kế hoạch ôn tập. Giá như phương án được đưa ra từ mấy năm trước để thầy trò chuẩn bị tinh thần thì sẽ đỡ bị sốc hơn khi đề xuất, duyệt rồi áp dụng ngay".

Mong muốn chốt lẹ phương án để ôn thi

Với Hương Nguyễn, cô bạn không đồng tình với cả 3 phương án và mong muốn giữ lại kì thi đại học 3 chung.


Minh Hương không đồng tình với cả 3 phương án Bộ GD&ĐT đề xuất.

"Mình thấy không hợp lý ở cả 3 phương án. Ví dụ, với phương án 1, những bạn khối C, A gặp vô vàn khó khăn phải thi những 5 môn trong khi D và A1 chỉ cần 3 - 4 môn. Rồi những bạn muốn thi ĐH lại năm nay rồi sẽ ra sao? Lâu nay đi học mình được thầy cô cho ôn luyện dạng đề tốt nghiệp riêng, đại học riêng, giờ đùng phát gộp lại thì cấu trúc đề sẽ ra sao?", Hương nói.

Hương bày tỏ mong muốn Bộ nên có quyết định nhanh chóng, rõ ràng để học sinh 12 yên tâm học tập.


Loan Nguyễn (trái) cảm thấy lo lắng khi không biết phải bắt đầu ôn luyện như thế nào.

Loan Nguyễn, THPT Phú Nhuận TP HCM cho hay: "Theo mình, Bộ nên thay đổi theo lộ trình chứ đừng thay đổi đột ngột vì tụi mình sẽ không thích ứng kịp. Đến bây giờ mình vẫn chưa xác định được nên học và ôn luyện thế nào. Đa số các bạn học sinh đều được học phân ban từ lớp 10, làm sao tụi mình có thể làm bài tốt khi không hình dung ra được cần chuẩn bị những gì, chú tâm phần nào?"

Nga Nga, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa TP HCM chọn cách "phòng thủ", tránh tình trạng "nước đến chân mới nhảy".

"Mình chỉ mong Bộ chốt lẹ phương án để biết đường mà ôn tập. Hiện mình không tốt lắm ở các môn ngoài ban chính nên cách tốt nhất là tập trung học tất cả các môn, tránh học tủ. Nếu mà cứ khư khư học 3 môn thi đại học như trước, đến khi đề án mới được duyệt lại cò cổ củng cố lại kiến thức từ đầu thì mệt lắm", Nga nói.

Nguồn: vietbao.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top