Tuổi Trẻ Online - Thứ Hai, 28/9
TT- - * Ngoài khơi Philippines xuất hiện thêm một cơn bão khác
* Đà Nẵng, Quảng Nam: Sóng biển bắt đầu mạnh lên
* Quảng Ngãi: hầm tránh bão, hầm trú ẩn dã chiến
* Quảng Bình: Tránh bão số 9, một tàu cá bị đâm thủng
* Philippines: 75 người chết và mất tích do bão
TTO - Lúc 19g ngày 27-9, vị trí tâm bão số 9 ở vào khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 114,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 260 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là 89 - 117 km/giờ), giật cấp 12, cấp 13.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 9 di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 19g ngày 28-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc, 111,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là 118 - 149 km/giờ), giật cấp 14, cấp 15. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 200 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 350 km.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 9 di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 19g ngày 29-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc, 108,4 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Đà Nẵng khoảng 60 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là 118 - 149 km/giờ), giật cấp 14, cấp 15. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 200 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 350 km.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển Bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.
Từ đêm 27-9, phía nam vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió sẽ mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Từ ngày 28-9, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.
Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, khu vực giữa và nam biển Đông, vùng biển các tỉnh Bình Thuận - Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh.
Trong khi đó, theo trang dự báo của Hải quân Mỹ, hiện ngoài khơi Philippines đang xuất hiện thêm một cơn bão khác được dự báo có khả năng mạnh cấp 12. Hướng đi của bão này gần như song song với bão Ketsana (bão số 9). Tuy nhiên theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, bão này chưa có khả năng tương tác với bão số 9.
* Trước nguy cơ bão số 9 mạnh lên cấp 15 và uy hiếp trực tiếp các tỉnh Quảng Trị - Đà Nẵng, ngày 27-9 Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã tiếp tục có công điện khẩn yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và các Bộ Quốc phòng, Giao thông vận tải, Tập đoàn dầu khí Việt Nam thực hiện các biện pháp phòng chống trước khi bão đổ bộ.
Công điện yêu cầu các đơn vị trên thực hiện nghiêm túc công điện khẩn ngày 26-9 của Thủ tướng Chính phủ về công tác triển khai và đối phó với bão số 9. Đồng thời tổ chức chằng chống nhà cửa, lên phương án sẵn sàng sơ tán dân ra khỏi những vùng ven biển, ven sông suối, những nhà yếu có nguy cơ bị đổ; tiến hành chặt, tỉa cành cây tại khu vực đông dân cư, khu vực đô thị. không cho người ở lại lồng bè và khu vực nuôi trồng thuỷ sản ven biển khi bão vào.
Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo, hướng dẫn số tàu đánh cá đang hoạt động ở khu vực giữa biển Đông và quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng: 39 tàu/504 lao động, Quảng Ngãi: 25 tàu/355 lao động) di chuyển về bờ hoặc trú tránh tại đảo để đảm bảo an toàn.
Đà Nẵng, Quảng Nam: Sóng biển bắt đầu mạnh lên
Chiều nay 27-9, hàng ngàn người dân sống dọc ven biển Đà Nẵng và Quảng Nam đã chủ động ứng phó với bão số 9. Dọc đường Nguyễn Tất Thành của quận Liên Chiểu và quận Thanh Khê (Đà Nẵng), nhiều ngư dân đã chủ động kéo tàu thuyền lên bờ. Sóng biển đã bắt đầu mạnh dần, nhiều thuyền thúng nhỏ của một số ngư dân đã bị chìm sâu trong nước.
Nhiều công trình xây dựng thi công sát ven biển cũng đã tiến hành che chắn và sắp xếp các phương tiện trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Nhiều gia đình sống dọc ven biển xúc cát cho vào bao để đậy mái nhà phòng khi gió lớn.
Trong khi đó, tại quận Sơn Trà nhiều ngư dân đã dùng máy nổ và tời kéo các chiếc thuyền lớn vào bờ neo đậu an toàn. Tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) có gần 700 tàu thuyền neo đậu. Dọc hai bờ sông Hàn, hàng ngàn tàu thuyền đã vào đây trú ẩn.
Chiều tối 27-9, lực lượng biên phòng Đà Nẵng đã phải điều đồng hai tàu lai dắt để ra khơi tiến hành lai dắt hai tàu cá là ĐNa 90051 và ĐNa 90082 cùng với 20 lao động của chủ tàu Hồ Văn Tình (Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng). Theo thiếu tá Đinh Tiến Dũng - trưởng Ban tác chiến Biên phòng Đà Nẵng, do gió quá mạnh nên cả hai tàu cá trên không thể di chuyển vào bờ được buộc phải thả trôi cách bờ biển Đà Nẵng chừng 20 lý. Ngay sau khi nhận được tin cấp cứu, Biên phòng Đà Nẵng đã cử tàu lai dắt ra lai dắt vào bờ.
Theo báo cáo của biên phòng Đà Nẵng, vào hồi 16g30 tại 16 độ vĩ bắc - 108 độ kinh đông, có hai tàu đánh cá của ông Hồ Văn Tình ngư dân quận Thanh Khê không thể di chuyển vào bờ do sóng lớn. Ngay sau đó, Biên phòng Đà Nẵng được huy động tàu BP 081101 lai dắt ra tiếp cận hiện trường. Tuy nhiên, đến 21g30 cùng ngày, theo tin từ lực lượng, chỉ có tàu cá ĐNa 90051 được tàu biên phòng tiếp cận. Tàu ĐNa 90082 với 10 lao động còn lại hiện vẫn chưa thể tiếp cận được tàu cứu hộ của lực lượng này.
Ông Huỳnh Vạn Thắng - Trưởng ban Phòng chống lụt bão Đà Nẵng - cho biết nếu di dời dân tránh bão thì Đà Nẵng sẽ có 25.000 hộ với hơn 100.000 người dân phải sơ tán.
Chiều nay, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Nam cho biết ngoài việc nghiêm cấm tuyệt đối tàu thuyền ra khơi, từ sáng sớm nay lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh đã liên tục bắn pháo hiệu báo bão tại đảo Cù Lao Chàm và cảng Kỳ Hà.
Tính đến chiều nay, trong tổng số 3.364 tàu thuyền của Quảng Nam thì đã có 3.187 chiếc (với 6.374 ngư dân) đã khẩn trương vào bờ tìm nơi neo đậu an toàn. Hiện còn 117 tàu đang hoạt động trên biển, trong đó có 79 tàu đánh bắt gần bờ và 38 tàu xa bờ (1.038 lao động) đã nhận được thông tin về cơn bão cực mạnh này nên đang gấp rút tìm nơi trú ẩn.
Theo thông tin mới nhất Tuổi Trẻ Online vừa nhận được, 25 trong số 38 tàu xa bờ vừa nêu đang tiến sát vào cảng Qui Nhơn (Bình Định) và cảng Kỳ Hà (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) ẩn nấp.
Quảng Ngãi: hầm tránh bão, hầm trú ẩn dã chiến
Chiều 27-9, các địa phương ven biển tỉnh Quảng Ngãi như Mộ Đức, Bình Sơn, Tư Nghĩa, Đức Phổ... đã huy động lực lượng thanh niên tại chỗ giúp ngư dân đưa ghe thúng lên những gò đất cao an toàn, chủ động đối phó với cơn bão số 9. Ngoài ra, nhiều địa phương ở khu Đông, huyện Bình Sơn đã dọn vệ sinh, chuẩn bị “hầm tránh bão” (đã xây dự phòng trước đó).
Trong khi đó nhiều hộ dân ở các xã: Bình Hải, Bình Phú, huyện Bình Sơn đã tận dụng ghe thúng đánh cá hàng ngày để làm “hầm trú bão dã chiến” ngay trên vườn nhà sẵn sàng đối phó với cơn bão số 9.
Cùng ngày, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi đã chỉ đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các địa phương huyện Bình Sơn và huyện đảo Lý Sơn kêu gọi 25 tàu cá xa bờ với khoảng 300 lao động của hai địa phương này còn nằm trong vùng nguy hiểm bão số 9 trên vùng biển Hoàng Sa tìm nơi trú ẩn an toàn.
Quảng Bình: Tránh bão số 9, một tàu cá bị đâm thủng
Sáng 27-9, trong khi đang chạy vào trú bão tại vùng cửa sông Roòn, tàu đánh cá mang số hiệu QB 9313 TS do ông Nguyễn Phi Long (huyện Quảng Trạch) làm thuyền trưởng cùng sáu thuyền viên đã bị tàu QB 3512 TS của ông Đồng Sỹ Hùng chạy phía sau đâm vào mạn. Tàu ông Long bị vỡ một mảng thân dài gần 2m, rất may là không phải chỗ mớm nước nên cả hai tàu vẫn vào được bờ an toàn.
Theo tổng hợp từ Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình, đến 20g ngày 27-9, Quảng Bình còn 16 tàu đánh cá với 208 thuyền viên chưa vào bờ. Liên lạc qua máy bộ đàm, các tàu trên cho biết đang đánh bắt cá ở vùng biển đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị và sẽ vào bờ trú bão trong đêm nay (27-9). 4.130 tàu khác đã vào neo đậu tránh bão tại các vùng cửa sông.
Tại các cửa sông lớn như Gianh, Nhật Lệ, Roòn, Lý Hòa lực lượng bộ đội biên phòng đã túc trực và hướng dẫn bà con ngư dân sắp xếp lại tàu thuyền neo đậu để tránh bị bão làm va đập vào nhau gây hư hỏng. Tại cửa sông Gianh và Nhật Lệ, các đồn biên phòng cảng Gianh, đồn 196 thường xuyên theo dõi tàu thuyền vào, đồng thời ngăn chặn không cho các tàu thuyền từ sông ra biển.
Theo tổng hợp từ Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình, từ ngày 26 đến chiều ngày 27-9 đã có thêm bốn người chết vì mưa lũ, trong đó có ba người ở trên tuyến biên giới.
Tại xã Trọng Hóa (Minh Hóa), đến sáng nay (27-9) bộ đội biên phòng đồn 589 và người dân địa phương đã tìm thấy thi thể anh Nguyễn Bá Đồng, trú ở thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa), là công nhân hợp đồng vận chuyển gỗ ở bản Loòm, đã bị nước cuốn chết khi vượt ngầm Cà Chăm về xuôi lấy lương thực cho anh em.
Anh Nguyễn Văn Phúc trú ở xã Quảng Xuân (Quảng Trạch) trong khi đưa tàu vào trú bão đã bị trượt chân ngã xuống biển. Tại xã Quảng Phúc, cháu Nguyễn Quốc Huy hai tuổi, bị ngã xuống mương đầy nước mưa. Ông Nguyễn Văn Doan, ở xã Vạn Ninh cũng bị chết đuối khi đi đánh cá trên đồng.
Như vậy trong đợt mưa lũ từ ngày 23 đến 26-9 tỉnh Quảng Bình đã có năm người chết đuối (trước đó, ngày 25-9, ở xã Đức Hoá (Tuyên Hóa) nước lũ đã cuốn trôi ông Trương Văn Hiền, 53 tuổi, khi ông đi làm về phải lội qua suối).
Đ.NAM - T.VŨ - M.THU - L.GIANG - N.T.ĐA - TƯỜNG VY