Bài tập Hóa học “dẫn đường” cho tư duy sáng tạo

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Nhấn mạnh điều này, thầy Đỗ Thắng - Phòng GD&ĐT Gia Viễn (Ninh Bình) và thầy Nguyễn Anh Cương - Giáo viên Trường THPT Nho Quan C (Ninh Bình) - cho biết, rất nhiều bài tập có thể được chọn lựa và hệ thống hoá để từng bước hướng dẫn học sinh rèn luyện, phát triển năng lực tư duy sáng tạo; từ đó nâng cao chất lượng dạy học Hóa học.

Theo thầy Đỗ Thắng và thầy Nguyễn Anh Cương, có nhiều phương pháp rèn năng lực sáng tạo của học sinh thông qua bài tập Hoá học.

Hình thành hệ thống kiến thức hóa học cơ bản

Biện pháp đầu tiên là hình thành cho học sinh hệ thống kiến thức hoá học cơ bản để giúp học sinh biết dựa vào bản chất hoá học để tìm ra cách giải quyết ngắn gọn nhất.

Ví dụ: Để m gam phoi bào sắt (A) ngoài không khí sau một thời gian thu dược hỗn hợp B có khối lượng 12 gam gồm 4 chất rắn. Cho B tác dụng hoàn toàn với dung dịch axit nitric dư thấy giải phóng 2,24 lít khí NO duy nhất ở đktc. Tìm m.

Với bài toán này, bình thường học sinh sẽ phải lập phương trình 4 ẩn số. Nhưng nếu giáo viên hướng dẫn học sinh biết phân tích bản chất hoá học của bài toán là các quá trình cho và nhận electron (ở đây có các quá trình tạo ra sản phẩm trung gian nhưng cuối cùng thực chất vẫn chỉ có Fe nhường electron để chuyển thành muối và N+5 (HNO3) nhận electron để tạo NO), vận dụng định luật bảo toàn khối lượng, định luật bảo toàn electron, chúng ta có thể lập phương trình 1 ẩn đơn giản để tính ra đáp số của bài toán, như vậy phải dựa vào bản chất hoá học để tìm ra cách giải quyết ngắn gọn nhất.

Rèn luyện năng lực tư duy khái quát trong giải bài tập Hoá học

Năng lực khái quát cao là khả năng phát hiện những nét chung bản chất nhất của nhiều vấn đề, nhiều đối tượng … để đưa vấn đề về một kiểu nhất định.

Trong giải bài tập Hoá học, khả năng khái quát hoá thể hiện năng lực học sinh biết nhận dạng bài tập hoá học, biết tìm phương pháp giải chung cho từng dạng bài tập.

Ví dụ: Hỗn hợp A gồm 1 axit no đơn chức, 2 axit không no chứa 1 liên kết đôi kế tiếp nhau trong dãy đồng đẳng.

Cho A tác dụng với 150 ml dung dịch NaOH 2M đến khi phản ứng xong cần trung hòa NaOH dư bằng 100 ml dung dịch HCl 1M, thu dược dung dịch D. Đem cô cạn dung dịch D thu dược 22,89 gam chất rắn khan.

Nếu đốt cháy hoàn toàn lượng A trên rồi cho toàn bộ sản phẩm thu được vào hết dung dịch NaOH đặc thấy khối lượng bình NaOH tăng thêm 26,72 gam. Tìm công thức cấu tạo của các axit và khối lượng của chúng có trong hỗn hợp A?

Đây là dạng bài toán xác định công thức hoá học của chất hữu cơ. Quan trọng là giáo viên làm cho học sinh nhận định được dạng bài và định hướng nên làm thế nào. Ở ví dụ này cho hỗn hợp 3 chất (trong đó 1 chất biết rất rõ ràng loại chất nên đặt riêng công thức của loại chất đó, 2 chất còn lại cùng loại thì đặt công thức chung theo phương pháp trung bình)

Rèn luyện khả năng độc lập suy nghĩ

Thông qua bài tập giáo viên rèn luyện cho học sinh khả năng độc lập suy nghĩ, biết tự đặt ra vấn đề, giải quyết vấn đề, kiểm tra cách giải quyết vấn đề, không thoả mãn với những cái có sẵn, luôn luôn tìm cách giải quyết mới ngay cả trong những ví dụ đã quen thuộc.

Ví dụ: Đốt cháy hoàn toàn 1,7 gam este X cần 2,52 gam oxi ở đktc chỉ thu được CO2 và H2O với tỉ lệ số mol tương ứng là 2:1. Đun nóng 0,01 mol X với dung dịch NaOH thấy có 0,02 mol NaOH tham gia phản ứng. X không có chức ete, không tác dụng với dung dịch NaOH, không có phản ứng tráng gương. Tìm CTCT của X biết MX < 140.

Đây là dạng bài toán xác định công thức quen thuộc, học sinh có thể làm bình thường: Đặt CTTQ của X là CxHyOz; Vì X là este, tác dụng với NaOH theo tỉ lệ 1:2

-> X là este 2 chức hoặc este đơn chức với gốc rượu là phenol.

- Xét 2 trường hợp: …..

Tuy nhiên trong bài toán này giáo viên có thể hướng dẫn học sinh chú ý đến điểm chốt của bài toán là dùng phản ứng đốt cháy vì bài toán có phản ứng đốt cháy với rất nhiều dữ liệu

Như vậy, trong giảng dạy bài tập Hoá học, nếu giáo viên chú ý hướng dẫn cho học sinh cách nhận định bài toán (tìm các điểm chốt) thì học sinh sẽ được rèn luyện khả năng độc lập suy nghĩ, tư duy sáng tạo.

Tăng cường các bài tập vận dụng

Biện pháp thứ tư, giáo viên cần tăng cường cho học sinh giải các bài tập có vận dụng kiến thức thực tiễn, kiến thức gắn với môi trường

Ví dụ: Viên nén caxinol của Pháp có thành phần gồm caxicacbonat, axit xitric (C3H4OH(COOH)3). Khi thả vào nước thấy viên nén tan nhanh và sủi bọt khí. Giải thích hiện tượng. Nước ở đây đóng vai trò gì? Từ đó suy ra cách bảo quản thuốc viên trên.

Cho học sinh tự ra đề, tự giải và kiểm định kết quả

Biện pháp thứ 5 là phát triển tư duy sáng tạo cho học sinh thông qua việc hướng dẫn học sinh tự ra đề, tự giải và tự kiểm định kết quả.

Việc tự ra đề một bài tập đặt học sinh vào vị trí phải xử lý từ nhiều gốc thông tin một cách khoa học chính xác theo các tình huống khác nhau.

Ví dụ: Từ sơ đồ mối quan hệ giữa các chất hữu cơ và vô cơ, giáo viên yêu cầu học sinh:

Tự ra đề về 1 chuỗi biến hoá (trong đó các chất dã biết CTHH). Sau đó tự viết các phương trình phản ứng rồi kiểm định đúng, sai.

Tự ra đề về 1 chuỗi biến hoá ở mức độ cao hơn (trong chuỗi biễn hoá đó chỉ có một hoặc vài chất đã biết CTHH)

Ở mức độ cao hơn nữa: Học sinh tự ra đề về 1 chuỗi biến hoá thể hiện bằng các chữ cái, yêu cầu xác định các chất ứng với các chữ đó trong dãy biến hoá. Viết phương trình phản ứng. Sau đó kiểm nghiệm đúng sai như thế nào.

Học sinh tự ra đề và tự giải thành công sẽ cuốn hút các em vào hoạt động học, kích thích óc sáng tạo và niềm vui hứng thú trong học tập của học sinh.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top