Ba thập kỷ gian truân của cô giáo mầm non

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Tự vượt lên chính mình, giờ đây cô trở thành Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Ngọc, huyện miền núi Cẩm Thủy (Thanh Hóa).

Truân chuyên cuộc đời

Cô Hiền sinh ra, lớn lên trong gia đình đông anh em, bố đi bộ đội, mẹ luôn đau, ốm quanh năm. Anh, chị trong nhà đều đi học xa, cô phải bỏ dở việc học hành năm lớp 11 để giúp mẹ chăm sóc đứa em trai bị thần kinh do nhiễm chất độc da cam. Trong những ngày tháng cơ cực, cô Hiền muốn làm cô giáo để chăm sóc các em nhỏ không may bị tật nguyền.

Năm 1990, cô làm đơn xin chính quyền xã trông trẻ ở làng. Được chấp thuận, cô đem hết nhiệt huyết tuổi trẻ phục vụ cho việc dạy các em nhỏ trong làng, mặc dù mức “lương” khi đó là 125kg thóc/6 tháng. Mỗi năm cô được 2,5 tạ thóc, chỉ đủ phụ giúp mẹ không phải nộp sản, thuế nhưng thỏa niềm đam mê. Đến năm 1993, sau khi lập gia đình, vợ chồng cô Hiền đón cậu con trai đầu lòng tên Nguyễn Ngọc Hiệp. Khi 4 tuổi, Hiệp bỗng dưng bị mù cả hai mắt. Lúc đó, cô chỉ biết ôm con trai mà khóc.

Chia sẻ câu chuyện buồn, cô Hiền kể: “Sau khi phát hiện con không nhìn thấy gì, gia đình đưa cháu đi chữa khắp nơi. Thế nhưng, căn bệnh viêm võng mạc khiến Hiệp mù lòa vĩnh viễn. Nhiều lúc, tôi ước ao nếu có thể lấy mắt của mình để thay cho đôi mắt của con nhưng không được. Đã có thời điểm tôi rơi vào trầm cảm, vì thương xót con”.

Sau cú sốc ấy, vợ chồng cô Hiền gắng gượng nuôi con và nuôi hy vọng sẽ có ngày chữa khỏi bệnh cho con. Khi Hiệp 11 tuổi, gia đình bán hết tài sản, vay mượn thêm để đưa con đi phẫu thuật, nhưng không thành công. Nghe nhiều người động viên, khuyên nhủ, cô gửi con trai vào học tập tại Trường Nguyễn Đình Chiểu - ngôi trường dành cho trẻ khiếm thị tại TPHCM.

“Quyết định gửi con vào Trường Nguyễn Đình Chiểu là lại thêm một lần lo sợ. Thương con phải sống xa bố mẹ, gia đình liệu có hòa nhập, học tập được không? Sinh hoạt của con sẽ như thế nào, khi đôi mắt của con phủ đầy bóng tối? Nhưng, nếu không quyết tâm vì tương lai của con, có lẽ sẽ không còn lối thoát. May mắn cho vợ chồng tôi, khi gửi con vào đó, cháu đã hòa nhập được với thầy, cô, bạn bè và cuộc sống ở môi trường mới”.

Bên cạnh học văn hóa, Nguyễn Ngọc Hiệp tích cực tham gia nhiều hoạt động thể thao tại trường như võ Judo, điền kinh, đá bóng, cờ vua, cờ tướng. Với nghị lực phi thường, trong màu áo đội tuyển điền kinh khuyết tật quốc gia, Ngọc Hiệp đoạt 3 HCV nội dung chạy 200m, 400m và nhảy xa tại Giải điền kinh trẻ châu Á cuối năm 2013. Tháng 1/2014, Hiệp thi đấu tại ASEAN Paragames 7 tại Myanmar và đoạt Huy chương Vàng nội dung nhảy xa. Một trong những dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp thể thao của Ngọc Hiệp là đạt chuẩn để tham gia Paralympic Rio 2016 tại Brazil và đứng hạng 11 thế giới.

Vượt lên chính mình

Sau khi gửi con vào học ở Trường Nguyễn Đình Chiểu, cô Hiền vừa đi làm vừa học bổ túc văn hóa để lấy bằng tốt nghiệp THPT. Sau đó, cô thi vào Đại học Sư phạm Mầm non của Trường Đại học Vinh.

Nhận xét về nữ Hiệu phó của nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Thảo cho biết: “Có lẽ, những thành tích của Nguyễn Ngọc Hiệp trở thành động lực đánh thức người mẹ. Dù đôi mắt của con không nhìn thấy ánh sáng, nhưng bù lại cho con nghị lực, sức khỏe và năng khiếu về thể dục thể thao. Đó là niềm an ủi, động viên lớn giúp cô Hiền trấn an lại tâm lý, tinh thần, lòng quyết tâm để cùng con vượt qua tất cả.

Cô Hiền luôn tận tụy với công việc, yêu học trò như con của mình. Là giáo viên luôn đứng đầu chất lượng mũi nhọn của trường, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cô cũng là người thường xuyên tham gia đợt thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện. Được công nhận là giáo viên giỏi cấp huyện nhiều năm liền. Giờ đây, ở cương vị mới, cô Hiền luôn làm tốt vai trò của người lãnh đạo, tuyên truyền vận động chị em thấy được vai trò, trách nhiệm của mình”.

Khi nói về mình, cô Hiền cho biết: “Là Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn, bản thân luôn ý thức được vai trò trách nhiệm của mình”. Ai cũng hiểu để có được vài dòng ngắn gọn ấy là sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong nhiều năm qua của cô Hiền.

Khi được hỏi về tình hình của Hiệp, ánh mắt tràn ngập niềm vui, cô kể: “Năm ngoái, cháu đã tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TPHCM (Khoa Quản lý). Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xin được việc làm vì còn tham gia đội tuyển thể thao người khuyết tật quốc gia”.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top