7 bước giảng dạy Kế toán tài chính hiệu quả với phương pháp tình huống

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Môn học này phạm vi khá rộng, bàn về đặc điểm kế toán trong các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp thương mại nội địa, doanh nghiệp thương mại xuất nhập khẩu, doanh nghiệp xây lắp, doanh nghiệp thương mại dịch vụ du lịch, vận tải…

Giảng viên Nguyễn Hoàng Phương Thanh (Trường ĐH Đại Nam) cho rằng, với học phần này, thông qua thực hành các bài tập tình huống và các bài tập tổng hợp, sinh viên có thể nắm được và thực hành các phần việc cụ thể của kế toán khi ra trường, có thể đảm nhận được các công việc được giao tại phòng kế toán của một doanh nghiệp.

Dưới đây là những chia sẻ của giảng viên Nguyễn Hoàng Phương Thanh về việc sử dụng phương pháp giảng dạy bằng tình huống vào học phần Kế toán tài chính:

Bước 1: Nêu phương pháp giảng daỵ

Ở buổi đầu tiên, giảng viên cần giới thiệu được khái quát nội dung và mục tiêu cần đạt được của môn học.

Trong buổi học này, giảng viên giới thiệu khái quát về phương pháp giảng dạy sẽ áp dụng cho môn học để sinh viên xác định được tư tưởng và phương pháp tiếp cận với hình thức hình thức giảng dạy mới.

Trong các buổi tiếp theo, giảng viên cần xác định mục tiêu của từng buổi học, xác định nội dung kiến thức về lý thuyết cần truyền đạt thông qua các tình huống thực tế. Điều này có thể hiện việc sinh viên sẽ thu nhận được kiến thức gì sau buổi lên lớp.

Cụ thể, với học phần Kế toán tài chính I, giảng viên cần nêu được mục tiêu của học phần này là sinh viên nắm được quy trình kế toán trong một sản xuất, từ khâu tạo yếu tố đầu vào đến khi tiêu thụ được sản phẩm đầu ra. Phương pháp mà giảng viên dự định áp dụng là phương pháp giảng dạy truyền thống có kết hợp với giảng dạy tình huống.

Bước 2: Lựa chọn tình huống

Tùy vào từng bài học, kiến thức mà giảng viên mong muốn các sinh viên nhận được, giảng viên đưa ra các tình huống phù hợp với mục tiêu của mình.

Chẳng hạn, khi dạy về chương Kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm, giảng viên đưa vấn đề về “lựa chọn phương pháp tính giá thành phù hợp với doanh nghiệp trong tình huống được xây dựng”.

Tình huống giảng viên đưa vào bài học có thể do giảng viên tự xây dựng hoặc có thể sử dụng tình huống từ nguồn tài liệu khác. Điều quan trọng là tình huống đó phải bám sát vào nội dung và mang tính thực tiễn cao, phù hợp với người học.

Bước 3: Gợi ý các hướng giải quyết

Giảng viên cần cung cấp các kiến thức về mặt lý thuyết có liên quan đến tình huống đưa ra; cần giải thích thật chi tiết tình huống để sinh viên hiểu rõ các vấn đề cần giải quyết; xác định nhiệm vụ, vai trò của sinh viên tham gia vào tình huống đó.

Cụ thể, với ví dụ ở bước 2, giảng viên sẽ cung cấp lý thuyết về các phương pháp tính giá thành được quy định trong chế độ kế toán, từ đó sinh viên có thể hình dung ra được các phương pháp này sẽ phù hợp với loại hình doanh nghiệp nào. Trên cơ sở đó, sinh viên bắt đầu xác định được công việc mình phải làm trong tình huống mà giảng viên đã đưa ra.

Bước 4: Xây dựng các câu hỏi thảo luận

Khi đưa ra tình huống, nhất thiết phải có các câu hỏi kèm theo để gợi ý cho sinh viên thảo luận.

Câu hỏi đưa ra cho sinh viên phải được chuẩn bị cẩn thận, nhưng tránh đi vào kết luận chính. Nó chỉ giúp sinh viên đi vào nội dung chính về tình huống đề cập đến, hướng dẫn sinh viên tham gia vào tình huống và ngay cả khi sinh viên không có một sự chuẩn bị nào cũng có thể tham gia thảo luận được.

Bước 5: Phân nhóm

Phân công các nhóm đề giải quyết tình huống, khoản 5 - 10 sinh viên/nhóm. Các nhóm được phân công dựa trên dự khách quan để lập danh sách và công khai trước lớp. Sau khi phân nhóm cần giao nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm và từng sinh viên.

Bước 6: Báo cáo kết quả thảo luận

Báo cáo tình huống, việc thảo luận hoặc báo cáo nhóm cũng được lựa chọn khách quan, trình bày báo cáo hoặc trả lời thảo luận cũng được lựa chọn ngẫu nhiên.

Như vậy hạn chế được tình trạng người học cử đại diện hoặc chỉ một vài người tham gia thảo luận nhóm hoặc làm báo cáo.

Các nhóm được yêu cầu có kế hoạch làm việc, bảng chấm công tham gia đóng góp vào thành quả chung của nhóm. Việc làm này mang lại kết quả khá khả quan là sinh viên đã rất trung thực trong việc đánh giá công sức đóng góp, không còn chuyện “chia đều” đóng góp như trước.

Bước 7: Kết luận

Giảng viên tổng kết, nhận xét và đánh giá các nhóm, rút ra kết luận các giải pháp có liên quan đến nội dung lý thuyết môn học. Sau khi ghi nhận các ý kiến của các nhóm, từng thành viên trong nhóm, giảng viên sẽ dựa vào đó đánh giá vấn đề đang thảo luận.

Có thể các vấn đề không mang lại kết quả như mong muốn, có những vấn đề có kết quả đúng sai rõ ràng, nhưng giảng viên sẽ là người chịu trách nhiệm đưa ra kết luận cuối cùng về tình huống đó, để giúp sinh viên có thể hiểu rõ hơn cách thức giải quyết của mình.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top