6 nội dung tâm đắc tại dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Lương nhà giáo

Theo dự thảo Luật, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Thầy Nguyễn Văn Định cho rằng, điều này phù hợp với quan điểm xuyên suốt tiếp tục khẳng định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, đãi ngộ tiền lương sẽ từng bước thu hút người tài vào ngành sư phạm.

Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Văn Định, các văn bản dưới luật cần khẳng định việc cải cách lương giáo viên phải có lộ trình phù hợp gắn liền với sàng lọc, sắp xếp hợp lý đội ngũ nhà giáo cả nước.

Cơ cấu khung lương nhà giáo cũng phải đặt trong mối liên hệ với các ngành khác, đảm bảo cân đối, liên thông và phù hợp khả năng tài chính đất nước trong từng giai đoạn cụ thể.

Đồng thời, đặc biệt quan tâm cải cách chế độ tiền lương đối với đội ngũ nhà giáo làm công tác quản lý giáo dục các cấp vì suy cho cùng đây là “người chỉ huy” của ngành giáo dục.

Chất lượng giáo dục chỉ phát triển khi đảm bảo hài hòa trên mọi phương diện giữa người chỉ huy và người trực tiếp thực hiện. Để có các cán bộ quản lý giáo dục giỏi thì cần thiết phải có chế độ đãi ngộ phù hợp.

Miễn học phí ở THCS

Việc mở rộng miễn giảm học phí đối với học sinh THCS công lập là điều rất cần thiết và sẽ được nhân dân đồng thuận cao vì cả nước đang thực hiện phổ cập THCS.

Khẳng định điều này, thầy Nguyễn Văn Định đồng thời đề xuất, Luật cần qui định thêm về phạm vi thực hiện xã hội hóa giáo dục và qui định các chế tài về lạm thu.

Nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học

Về trình độ chuẩn đào tạo, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đã có điều chỉnh nâng trình độ tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên tiểu học.

Về nội dung này, thầy Nguyễn Văn Định cho rằng: Giáo dục tiểu học là bậc học nền tảng quan trọng, nên không chỉ yêu cầu trình độ giáo viên cao hơn mà cần thiết qui định thêm về chế độ thu hút người giỏi vào dạy ở cấp học này.

Mục tiêu giáo dục

Dự thảo Luật ghi rõ: “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân; phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và yêu cầu hội nhập quốc tế.”.

So với Luật Giáo dục 2005 đã bổ sung 2 nội dung quan trọng là: chú trọng khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của cá nhân và đặt thêm yêu cầu đáp ứng việc hội nhập quốc tế.

“Như vậy, chương trình mới sẽ thực hiện từ năm học 2019-2020 đáp ứng đầy đủ yêu cầu mới của Luật giáo dục” – thầy Nguyễn Văn Định cho hay.

Chương trình giáo dục

Từ việc khẳng định hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời; Luật qui định: chương trình mới mở rộng việc cho phép, tạo điều kiện cho các địa phương và cơ sở giáo dục chủ động triển khai chương trình giáo dục và cũng đặt thêm yêu cầu hội nhập quốc tế đối với chương trình giáo dục.

Vì vậy, dự thảo Luật bổ sung qui định: sẽ có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.

Phương pháp giáo dục

Dự thảo Luật bổ sung yêu cầu bồi dưỡng kỹ năng “hợp tác” cho người học. Thầy Nguyễn Văn Định bày tỏ đồng tình với nội dung này, bởi kỹ năgn hợp tác vốn là điểm yếu nhất không chỉ của học sinh phổ thông mà cả đa số công dân Việt Nam.

“Sau khi đã thông qua các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, Quốc hội cần hợp nhất Luật Giáo dục năm 2005 với nội dung sửa đổi, bổ sung năm 2009 và nội dung sắp bổ sung thành một văn bản Luật Giáo dục thống nhất để luật sớm đi vào cuộc sống, dễ triển khai và thực hiện trong mọi tầng lớp nhân dân” – Thầy Nguyễn Văn Định.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top