Cách làm của cô Nguyễn Thanh Nhân và đồng nghiệp góp phần quan trọng giúp một trường chất lượng tuyển sinh đầu vào thấp, nhiều năm liền đạt kết quả môn Ngữ Văn thi thi tốt nghiệp THPT có tỉ lệ điểm trên 5, tính cả trung bình môn nằm trong tốp 3 của tỉnh; đặc biệt, năm học 2016 - 2017 xếp nhất tỉnh; tỷ lệ học sinh đỗ ĐH ngày càng cao.
Lập danh sách, tìm hiểu nguyên nhân học sinh yếu kém
Bước đầu tiên, theo chia sẻ của cô Nguyễn Thanh Nhân là nghiên cứu văn bản bàn giao chuyên môn giữa giáo viên năm học cũ và năm học mới sau khi nhận lớp; qua bài khảo sát chất lượng đầu năm và bài viết số 1, tiến hành lập danh sách học sinh yếu ở các lớp và tìm ra những nguyên nhân dẫn đến học sinh yếu kém như sau:
Lười học bài (nhất là những dẫn chứng); chăm học bài nhưng mau quên; yếu kỹ năng đọc - hiểu văn bản; viết đoạn văn chưa rõ nghĩa; đọc không kỹ đề, dẫn đến viết bài văn lạc đề; chữ viết cẩu thả, khó đọc.
Xây dựng kế hoạch phụ đạo phù hợp
Sau khi tìm hiểu được nguyên nhân học sinh yếu kém của lớp, căn cứ vào định hướng phụ đạo của tổ, vào cấu trúc đề kiểm tra, thi học kì của Sở GD&ĐT Đồng Tháp, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia, thời khóa biểu của lớp..., giáo viên tiến hành xây dựng kế hoạch phụ đạo theo chủ đề (trái buổi, ít nhất 2 tiết/tuần).
Kế hoạch dạy phụ đạo giúp học sinh yếu được lãnh đạo chuyên môn kí duyệt và sẽ thực hiện xuyên suốt hết học kì.
Tuần
Chủ đề
Nội dung phụ đạo
Thời gian
Phương pháp
1
Văn học thời kì kháng chiến chống Pháp
(2 tiết)
Ôn lý thuyết trọng tâm bài thơ Tây Tiến
14h00 -> 16h15
Chiều thứ 3
- Củng cố kiến thức bằng sơ đồ tư duy.
- Gọi học sinh lên bảng viết hoặc đọc cho giáo viên nghe
2
Đọc - hiểu văn bản
(2 tiết)
- Ôn lí thuyết: Phương thức biểu đạt
- Bài tập thực hành
13h30->15h00 Chiều thứ 5
- Tái hiện kiến thức bằng sơ đồ.
-Phiếu học tập.
3
Rèn kỹ năng diễn đạt (2 tiết)
-Viết đoạn:
+ Đoạn văn ngắn
+ Đoạn có chuyển ý...
15h00 ->16h30
Chiều thứ 7
- Củng cố lý thuyết.
- Giải đề làm văn
(Rèn kỹ năng phân tích đề+ lập dàn ý)
Tổ chức các tiết dạy phụ đạo có hiệu quả
Qua thực tế giảng dạy, để đạt kết quả, cô Nguyễn Thanh Nhân rút ra một số kinh nghiệm như: phụ đạo với số lượng học sinh vừa phải (nhóm tối đa 10 học sinh), quản lí học sinh chặt chẽ, thay đổi phương pháp để tạo sự hấp dẫn... Theo sự thống nhất, tiết dạy phụ đạo thường tiến hành theo các bước sau:
Ví dụ, khi tiến hành ôn tập với chủ đề:
Bước 1: Phát vấn học sinh ôn tập kiến thức trọng tâm bằng sơ đồ tư duy, đoạn clip…
Bước 2: Học sinh tái hiện lại kiến thức (bằng cách lên ghi bảng, ghi vào phiếu học tập hoặc đọc…) theo yêu cầu của giáo viên.
Bước 3: Nhận xét, rút kinh nghiệm về những nội dung chưa đạt của học sinh
Khi phụ đạo với chủ đề: Đọc - hiểu văn bản (2 tiết):
Bước 1: Ôn lý thuyết về các phương thức biểu đạt tự sự, biểu cảm, miêu tả, nghị luận, thuyết minh bằng cách.
Bước 2:Thực hành (phát phiếu học tập). Học sinh làm việc cá nhân
Bước 3: Giáo viên chấm chỉnh sửa, rút kinh nghiệm.
Lưu ý: Trong quá trình sửa bài luôn đặt câu hỏi tại sao đúng? Tại sao sai? Gọi học sinh lí giải, từ đó khắc sâu được tri thức tránh nhầm lẫn giữa các phương thức biểu đạt.
Cô Nguyễn Thành Nhân và học sinh truy bài lý thuyết trong khuôn viên trường
Tạo tâm lí thoải mái cho học sinh khi tham gia học phụ đạo
Học sinh yếu kém thường tiếp thu kiến thức rất chậm hay tự ti mặc cảm lại chịu áp lực từ phía gia đình và giáo viên.
Nhấn mạnh điều này, cô Nguyễn Thanh Nhân cho rằng, nếu người giáo viên không khéo léo, không gần gũi thân thiện, động vui an ủi học sinh thì tiết dạy phụ đạo sẽ không thành công.
Tiết dạy phụ đạo nhất là tiết truy bài lý thuyết, khi củng cố kiến thức xong giáo viên có thể cho học sinh xuống khuôn viên trường, ngồi ghế đá, tức chọn không khí thoải mái, mát mẻ để học bài thay vì phải ngồi học trên lớp.
Khi thuộc bài, giáo viên truy bài hoặc có thể nhờ học sinh khác truy bài cho bạn.
Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh, giáo viên chủ nhiệm, Đoàn thanh niên
Cô Nguyễn Thanh Nhân chia sẻ kinh nghiệm để có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình và nhà trường nhằm thúc đẩy việc học phụ đạo đạt kết quả tốt như sau:
Thông báo lịch học phụ đạo, kết quả học tập (điểm kiểm tra, điểm thi, tình hình tiến bộ) của mỗi học sinh.
Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm xử lí những học sinh có biểu hiện lơ là hay không tham gia học phụ đạo
Quan tâm chặt chẽ đến việc học bài ở nhà của học sinh bằng cách xin số điện thoại của từng phụ huynh học sinh để khi cần thiết điện thoại hỏi thăm tình hình học tập ở nhà của các em. Qua đó, động viên nhắc nhở các em cố gắng.
Phối hợp với Đoàn thanh niên để khen thưởng những học sinh yếu kém có nhiều tiền bộ vượt bậc trong học tập.
Vai trò tổ chuyên môn với việc phụ đạo
Cô Nguyễn Thanh Nhân trao đổi: Trong các cuộc họp tổ chuyên môn theo định kì hoặc đột xuất, giáo viên đều báo cáo việc phụ đạo của học sinh các lớp mình giảng dạy. Tổ trao đổi thảo luận những vấn đề khó khăn vướng mắc, tìm hướng khắc phục.
Cùng với đó, đề xuất với chi đoàn giáo viên, Ban chấp hành công đoàn cộng hoặc khen thưởng cho những giáo viên nhiệt tình phụ đạo đạt chất lượng cao trong giảng dạy. Đề xuất với Ban giám hiệu trường tuyên dương những giáo viên miệt mài trong công tác phụ đạo. Kiểm tra, đôn đốc động viên giáo viên nhiệt tình phụ đạo và tổ chức buổi giao lưu học tập kinh nghiệm lẫn nhau giữa các giáo viên.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại