5 nhóm kỹ năng quan trọng quyết định chất lượng dạy Toán

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Khẳng định điều này, tiến sĩ Nguyễn Dương Hoàng (Trường ĐH Đồng Tháp) đồng thời đưa ra 5 nhóm kỹ năng quan trọng trong dạy học Toán. Đây là những kỹ năng quyết định chất lượng dạy học môn Toán trong nhà trường phổ thông.

Phân tích chương trình để thiết kế bài dạy

Theo tiến sĩ Nguyễn Dương Hoàng, đây là nhóm kỹ đóng vai trò quyết định trong việc chuẩn bị bài dạy học Toán. Nhóm kỹ năng này bao gồm:

Kỹ năng xác định và diễn đạt mục tiêu (xác định rõ yêu cầu cụ thể về nội dung và mức độ phải đạt được, khả năng tự thực hiện, phối hợp thành thạo các động tác, giao tiếp, hành vi, ngôn ngữ…);

Kỹ năng phân tích và xác định nội dung phù hợp với yêu cầu của chương trình và mục tiêu đặt ra (nội dung trọng tâm của bài dạy);

Kỹ năng thực hiện chuẩn bị cụ thể cho bài dạy (các phiếu học tập, phiếu giao việc, phiếu đánh giá, phương tiện đồ dung học tập…);

Kỹ năng thiết kế các hoạt động dạy học tương ứng với mục tiêu và đặc điểm bài dạy (theo nội dung từng bài học).




Trong vận dụng cần chú ý tới các đặc điểm của kỹ năng:

Bất cứ kỹ năng nào cũng phải dựa trên cơ sở lý thuyết, đó là kiến thức, bởi vì cấu trúc của kỹ năng bao gồm: Hiểu mục đích – biết cách thức đi đến kết quả - hiểu những điều kiện để triển khai các cách thức đó.

Kiến thức là cơ sở của kỹ năng khi kiến thức đó phản ánh đầy đủ các thuộc tính bản chất của đối tượng, được thử nghiệm trong thực tiễn và tồn tại trong ý thức với tư cách là công cụ của hành động.

tiến sĩ Nguyễn Dương Hoàng

Nhóm kỹ năng thực hiện bài dạy
Kỹ năng thực hiện bài dạy hay còn được gọi là kỹ năng lên lớp gồm các kỹ năng nhỏ:

Kỹ năng tổ chức lớp học (thành lập nhóm học tập, tổ chức hoạt động theo nhóm, phân phối thời gian, các hoạt động chung của tập thể);

Kỹ năng phối hợp các phương pháp, kỹ thuật và phương tiện dạy học theo hướng tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh, tăng cường tính thực hành ứng dụng, đặc biệt là kỹ năng ứng dụng CNTT trong dạy học;

Kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm nảy sinh trong giờ học

Tiến sĩ Nguyễn Dương Hoàng cho rằng, kỹ năng lên lớp là kĩ năng đặc trưng của giáo viên nói chung. Yêu cầu để thực hiện nhóm kỹ năng này là giáo viên phải có kiến thức vững chắc về các nội dung có liên quan, nắm vững nội dung bài học trong chương trình phổ thông; nắm vững các phương pháp dạy học, cách thức tổ chức hoạt động dạy học…

Vì vậy, khi rèn kỹ năng này, cần lưu ý đến tính toàn diện và đồng bộ của các kỹ năng liên quan, chú trọng hình thức tự rèn luyện.

Nhóm kỹ năng đánh giá

Tiến sĩ Nguyễn Dương Hoàng khẳng định đây là nhóm kỹ năng rất quan trọng trong dạy học, bởi kết quả đánh giá là cơ sở quan trọng để điều chỉnh mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học, vì vậy cần hết sức chú trọng kỹ năng này. Hiện nay, hoạt động đổi mới kiểm tra, đánh giá đang được chú trọng thực hiện một cách triệt để ở phổ thông.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Hoàng nhấn mạnh đến quy trình biên soạn đề kiểm tra theo các bước: Xác định mục tiêu kiểm tra; xác định mục tiêu da ỵ học; xây dựng ma trận đặc trưng; biên soạn câu hỏi kiểm tra; xây dựng đáp án, biểu điểm.

Tiến sĩ Nguyễn Dương Hoàng chia nhóm kỹ năng đánh giá thành các kỹ năng nhỏ như sau:

Kỹ năng quan sát, giúp đánh giá các thao tác, các hành vi, cách giải quyết vấn đề trong một tình huống đang được nghiên cứu;

Kỹ năng vấn đáp, giúp đánh giá khả năng đáp ứng các câu hỏi được nêu ra một cách tự phát trong một tình huống cần kiểm tra, thường được sử dụng khi sự tương tác giữa người hỏi và người đối thoại là quan trọng;

Kỹ năng tổ chức kiểm tra viết, gồm: Kỹ năng soạn các câu hỏi tự luận; kỹ năng soạn các câu hỏi trắc nghiệm khách quan; kỹ năng phối hợp giữa các câu hỏi tự luận và câu hỏi trắc nghiệm; kỹ năng xây dựng đáp án, thang điểm.

Nhóm kỹ năng tổ chức các hoạt động ngoại khóa

Theo đó, các kỹ năng tổ chức hoạt động ngoại khóa của giáo viên gồm:

Kỹ năng lựa chọn các hoạt động ngoại khóa phù hợp với đặc điểm, điều kiện học tập của học sinh trong từng giai đoạn (ngoại khóa, tham quan, hội toán – câu lạc bộ…);

Kỹ năng tổ chức thực hiện các hoạt động ngoại khóa (huy động học sinh tham gia, tăng tính hiệu quả và tình hấp dẫn…).

Nhóm kỹ năng tổng kết kinh nghiệm dạy học bộ môn

Dạy học nói chung là quá trình tích lũy, đúc rút kinh nghiệm. Vì vậy, tổng kết kinh nghiệm có thể coi là một kỹ năng quan trọng trong quá trình dạy học.

Đưa ra quan điểm trên, tiến sĩ Nguyễn Dương Hoàng nêu chi tiết các kỹ năng thuộc nhóm này như sau:

Kỹ năng tổng kết kinh nghiệm từ những điển hình tiên tiến (thông qua tài liệu, sách báo và các phương tiện thông tin khác);

Kỹ năng tổng kết kinh nghiệm từ bạn bè, đồng nghiệp (thông qua hội thảo, trao đổi kinh nghiệm, dự giờ, thăm lớp);

Kỹ năng tổng kết kinh nghiệm từ chính bản thân mình (từ những thành công, thất bại trong quá trình chuẩn bị bài dạy – cả nội dung, phương tiện, các tình huống dạy học; tổ chức thực hiện bài dạy, kiểm tra, đánh giá…).


Những quan điểm trên được tiến sĩ Nguyễn Dương Hoàng nêu ra trong tham luận “Tăng cường rèn luyện kỹ năng dạy học trong đào tạo giáo viên Toán phổ thông” tại Hội thảo khoa học “Phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên Toán phổ thông Việt Nam”.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top