5 lí do “lò” luyện thi bất ngờ trống vắng trước giờ G

lehoa012

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
5 lí do “lò” luyện thi bất ngờ trống vắng trước giờ G

Kinh nghiệm thi cử, học tập - Cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm học tập quý giá!



Còn 2 tuần nữa, sĩ tử cả nước bước vào kỳ thi ĐH, CĐ. Trái với không khí nhộn nhịp của mùa thi trước, những phố vốn được mệnh danh là “phố luyện thi” như Tạ Quang Bửu, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy… thời điểm này vắng lặng đến bất ngờ.



Nóng bức, không ai dám bước chân vào lò luyện


Đông đúc, nóng nực, chen chúc… là những từ mà người ta dễ liên tưởng ngay khi nhắc tới những lò luyện thi đại học trong thời điểm gần đến giờ G này. Tuy nhiên, trái ngược với những dự đoán, mặc dù thời gian gần đây, một số trung tâm đã được nâng cấp hơn, những lò luyện thi chui, kém chất lượng đã giảm đáng kể song nhiều sĩ tử vẫn không coi phương án đi ôn thi tại các lò là lựa chọn số một.


Nhất là trong thời điểm hiện tại, nhiệt độ ngoài trời ở thủ đô luôn xấp xỉ 38-41 độ C khiến rất ít sĩ tử nghĩ đến chuyện đến lò luyện. Thêm vào đó là các chiêu quảng cáo quá đà của các lò kiểu này như trung tâm luyện thi đại học của thầy T, cô TCầu Giấy có đăng biển quảng cáo đảm bảo đỗ đại học đến 90%, 100% còn lại là đỗ vào cao đẳng cũng không “qua mắt” được các bạn học sinh.


Khi được hỏi về lí do không lựa chọn các trung tâm luyện thi đại học, Phương Bắc (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Mình cũng định đi ôn thi tại một trung tâm ở Chùa Bộc nhưng dạo này nắng, nóng quá nên “sợ” học không vào. Giờ mình chỉ tự ôn ở nhà thôi.”


Mặc dù trang bị điều hòa và máy chiếu nhưng các lớp luyện thi cấp tốc tại trung tâm TH (Tạ Quang Bửu) vẫn không còn cảnh sĩ tử chen chúc thường thấy như những mùa thi trước.



Thầy cô giáo: Câu giờ!


Một ca học ở các lò luyện thi chỉ kéo dài khoảng một tiếng rưỡi (thực chất cũng chỉ khoảng hơn một tiếng) nhưng nhiều thầy, cô giáo lại mất khá nhiều thời gian cho việc nói những chuyện ngoài lề khiến cho nhiều học sinh khá bức xúc.


Đỗ Vân Anh (THPT Vân Nội, Đông Anh), kể về giờ học đại số tại Trung tâm luyện thi đại học trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy): “Thầy dạy dễ hiểu, có hệ thống nên rất dễ tiếp thu chỉ mỗi tội là thầy hay câu giờ. Một bài vẽ đồ thị đáng lẽ chỉ mất khoảng năm phút nhưng thầy có thể nói đến nửa tiếng, mà hầu như toàn là kiến thức cũ”.


Thu Trang (THPT Yên Hòa, Cầu Giấy) có chung quan điểm về thầy giáo dạy văn ở trung tâm luyện thi CB (Ba Đình): “Thầy giáo dạy Văn ở đây cũng hay kể những chuyện ngoài lề làm tốn rất nhiều thời gian”.


Thùy Linh (THPT Yên Viên, Gia Lâm) nhận xét về thầy dạy Hóa tại trung tâm TT (Bách Khoa): “Thầy hay đến muộn mà vào giờ thường không dạy ngay vì những câu chuyện không liên quan đến bài giảng. Đã thế, thầy lại hay cho về sớm, thời gian học chẳng được là bao”.


Giá học phí “leo thang”


Học phí tại các trung tâm luyện thi đại học đồng loạt tăng cao. Khi có học sinh thắc mắc thì chỉ nhận được câu trả lời là “bây giờ cái gì chẳng đắt”. Sẽ không ít người bất ngờ khi đó là lí do được nói tới nhiều nhất trong thời điểm này. Một ca học tại một số trung tâm trên phố Tạ Quang Bửu (Bách Khoa) có giá dao động từ 20.000 – 25.000 đồng/một học sinh. Đối với những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì đây là một vấn đề lớn.


Lê Văn Tuấn (Nghi Xuân, Thanh Hóa) cũng khăn gói lên Hà Nội sau khi thi xong tốt nghiệp THPT với ý định đăng ký vào lớp cấp tốc để ôn thi khối A. Theo như lịch học của trung tâm TH (phố Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng), một lớp cấp tốc luyện thi cả 3 môn toán, lý, hóa phải học hơn 70 ca/25 ngày với số tiền phải đóng là trên dưới một triệu rưỡi. Học phí quá cao nên Tuấn đã chọn giải pháp tự ôn tập ở nhà.


Đề thi bám sát chương trình học nên không cần luyện


Nhiều năm trở lại đây, đề thi đại học được các bạn học sinh đánh giá là khá sát với chương trình học THPT. Chính vì thế, chỉ cần học đầy đủ chương trình trong sách giáo khoa cũng có thể đạt được điểm 7, đủ để có thể đỗ vào những trường đại học loại khá.

Ngoài ra, hầu hết các môn thi đều có hình thức trắc nghiệm để kiểm tra kiến thức toàn diện của học sinh, nên đòi hỏi học sinh phải đầu tư thời gian rất nhiều để ôn luyện nên hơn một tiếng đồng hồ trong lò luyện thi thực chất không giúp ích được nhiều cho thí sinh.


Tự học vẫn đạt hiệu quả cao


Thanh Tùng (sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng tự học ở nhà vẫn hiệu quả hơn đi học ở các lò luyện thi. “Năm đầu, mình cũng đi luyện thi ở một vài trung tâm, nhưng thời gian học ở đó khá nhiều, về nhà hầu như mình rất mệt mỏi, không muốn động vào sách vở. Năm đầu tiên mình thi trượt. Quyết tâm ôn thêm một năm, nhưng mình chọn phương án tự học ở nhà. Ngoài thời gian học trong sách giáo khoa, mình làm thêm nhiều bài tập nâng cao khác. Năm tiếp theo mình đã đậu vào Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn thừa 2 điểm”.


Hải Yến (sinh viên học viện Báo Chí & Tuyên truyền) chia sẻ: “Lúc trước mình cũng chẳng ôn thi ở trung tâm nào cả vì thi khối C, đi ôn cũng chẳng có tác dụng gì nhiều, chủ yếu là phương pháp học của mình. Bạn bè rủ nhưng đi được một buổi mình sợ quá. Học chẳng học, toàn nói chuyện là nhiều. Thế là đi mượn sách vở, tự ôn ở nhà. Cuối cùng cũng vượt vũ môn”.


5 lí do trên khiến cho các lò luyện thi đại học 2010 “bớt nóng”. Dễ thấy, lò luyện thi chỉ là một trong nhiều cách tiếp cận mà học sinh có thể lựa chọn để phục vụ cho việc học của mình chứ không phải là con đường tốt nhất giúp bạn có thể bước vào cổng trường đại học.
 

Bình luận bằng Facebook

Top