5 giải pháp vận động học sinh vùng cao đến trường

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Theo cô Vũ Thúy Quỳnh, nhà trường có thể kiến nghị, đề xuất với Đảng ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể của xã như: hội phụ nữ, văn hoá xã, đoàn thanh niên phối hợp vận động phụ huynh học sinh thông qua các buổi họp thôn, họp chi bộ, họp hội phụ nữ để nhắc nhở phụ huynh đưa trẻ đi học đều, đầy đủ.

Thường xuyên có sự trao đổi liên lạc để thông báo tình hình với bí thư, trưởng thôn, tham mưu với Bí thư và trưởng thôn về xây dựng tiêu chí “Cho con trong độ tuổi mầm non đến trường” vào bình xét danh hiệu “Gia đình văn hoá”, hoặc bình xét đảng viên cuối năm.

Tạo hứng thú

"Mỗi tuần tôi mặc trang phục dân tộc Mông và Dao từ 2 - 3 buổi để vừa giáo dục văn hóa truyền thống, vừa tạo sự gần gũi, thân thuộc với trẻ" - Cô giáo Vũ Thúy Quỳnh chia sẻ

Ngoài ra, giáo viên nên xếp đồ dùng, đồ chơi gọn gàng; trang trí lớp đẹp mắt; vệ sinh trường lớp sạch sẽ; thường xuyên thay đổi đồ dùng, đồ chơi… là những cách thức để tạo cho trẻ sự hứng thú trong học tập và vui chơi.

Tự làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ từ những nguyên vật liệu thiên nhiên như tre, nứa… hoặc từ phế thải như: hộp sữa, vải vụn, mút xốp…để tạo thành những sản phẩm rất sáng tạo nhưng gần gũi với trẻ và mất ít kinh phí.

Tổ chức tốt bữa ăn bán trú

Tại Trường Mầm non Phương Thanh, mức ăn trưa của trẻ ở trường chính là 13.000đ/cháu. Tuy nhiên nếu áp dụng mức ăn như vậy ở điểm trường, phụ huynh thường không cho trẻ ăn ở trường mà cho trẻ về, buổi chiều có nhiều trẻ không đến lớp nữa mà nghỉ ở nhà vì vậy tỉ lệ chuyên cần thấp.

Từ thực trạng đó Trường Mầm non Phương Thanh đã tham mưu với nhà trường thay đổi hình thức đóng góp ăn bán trú, đó là mỗi trẻ đóng góp 5.000đ (để mua thức ăn) và đóng góp thêm củi, gạo và rau.

Để việc đóng góp gạo, củi, rau không bị chồng chéo, tôi đã bàn bạc, thống nhất với phụ huynh nộp gạo (1,2kg/tuần) và củi vào ngày đầu tuần, còn rau thì lên lịch cụ thể để phụ huynh luân phiên đóng góp để rau được tươi và ngon.

Cách làm này đã được phụ huynh đồng tình ủng hộ cao, tỷ lệ trẻ ăn bán trú các tháng hầu hết đều duy trì từ 95-100%. Đồng thời tôi cũng chú trọng việc thay đổi, chế biến các món ăn hợp khẩu vị để trẻ ăn hết xuất.

Tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ

Căn cứ vào kế hoạch từng tháng, từng tuần để lồng ghép dạy trẻ các từ, cụm từ phù hợp với chủ đề, cung cấp vốn từ cho trẻ. Đặc biệt, chú ý hơn tới trẻ 5 tuổi để tạo cho trẻ vốn tiếng Việt đầy đủ để bước vào lớp 1. Thường xuyên tổ chức các hoạt động múa hát tập thể, các trò chơi dân gian, cho trẻ xem băng hình về giáo dục mầm non để trẻ tăng cường vốn tiếng Việt.

Nhắc nhở phụ huynh thường xuyên giao tiếp với trẻ bằng tiếng Việt khi trẻ ở nhà. “Bản thân tôi ngoài việc tự học tập trau dồi thêm kiến thức, để thuận lợi trong quá trình chăm sóc giáo dục học sinh, tôi đã tìm hiểu tiếng dân tộc và học một số từ đơn giản để dễ dàng giao tiếp với trẻ khi trẻ mới đi học chưa biết tiếng Việt” – cô Vũ Thúy Quỳnh trao đổi.

Vận động xã hội hóa giáo dục

Theo cô Vũ Thúy Quỳnh, một trong những nguyên nhân khiến trẻ thường xuyên nghỉ học ở nhà là do khi thời tiết thay đổi, phụ huynh thường cho trẻ nghỉ ở nhà đốt lửa sửa ấm. Chính vì thế cô và các đồng nghiệp đã tổ chức vận động quyên góp ủng hộ áo ấm và đồ dùng học tập cho trẻ thông qua nhiều kênh như:

Tìm gặp các nhà hảo tâm, các quỹ từ thiện, các doanh nghiệp để xin hỗ trợ. Qua mạng xã hội facebook, zalo tôi vận động anh em, bạn bè ủng hộ, quyên góp áo ấm và đồ dùng học tập cho trẻ.

Nhờ những chiếc áo và đôi giày được ủng hộ đã giúp trẻ thêm tự tin và khỏe mạnh khi đến lớp vào những ngày giá rét.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top