3 vấn đề cần khắc phục để nâng cao chất lượng dạy - học Ngoại ngữ vùng khó

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Để nâng cao chất lượng dạy - học Ngoại ngữ vùng khó cần giải quyết được cả 3 vấn đề đó là: cơ sở vật chất, giáo viên và học sinh. Ảnh có tính chất minh họa/internet


Bản thân giáo viên phải hiểu được mình đang dạy cái gì, phải làm chủ được kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa trước để định hướng và hướng dẫn đúng cho học sinh, sau đó thường xuyên tự trau dồi, rèn luyện để bản thân ngày một tiến bộ đi lên.

Từ thực tế giảng dạy ở môn tiếng Anh ở Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Lao Chải (Mù Cang Chải, Yên Bái), cô Phạm Thị Hương Thảo đã có những chia sẻ về giải pháp khắc phục những khó khăn này.
Vượt qua rào cản về ngôn ngữ giáo viên phải gần gũi, trao đổi để học sinh thấy được việc học tiếng Anh ở lớp 6 cũng giống như việc các em học môn tiếng Việt ở lớp 1.

Bằng cách tự đặt mình vào vị trí của các em học sinh, ta sẽ biết được các em cảm thấy như thế nào và liệu bản thân có thể học tốt môn tiếng Anh được hay không?. Từ đó, giáo viên phải có biện pháp để giúp các em học sinh thoát khỏi tâm lý chán nản, ngại học, sợ học mà thay vào đó là sự phấn khích, hứng thú mỗi khi đến tiết.

Là một giáo viên dạy tiếng Anh, tôi muốn không khí lớp học ngoại ngữ phải thật sôi nổi đó là khi câu hỏi được đặt ra thì ngay lập tức các em sẽ đưa ra được câu trả lời một cách nhanh nhất như thể các em đang sử dụng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.

Để đạt được mục tiêu đó thì chúng ta phải giải quyết được cả 3 vấn đề đó là: cơ sở vật chất, giáo viên và học sinh.

Thứ nhất - về cơ sở vật chất

Tất nhiên không thể có chuyện xây dựng xong phòng học bộ môn trong ngày một ngày hai với đầy đủ trang thiết bị, vậy mỗi giáo viên chúng ta hãy cùng nhau tự khắc phục những khó khăn thiếu thốn, từng bước một với sự chuẩn bị kỹ càng trước mỗi giờ lên lớp bằng tranh ảnh, vật thật, phim, băng đĩa nghe hay bằng chính những kinh nghiệm, sự hiểu biết của bản thân mình.

Để khắc phục những khó khăn trước mắt về cơ sở vật chất tôi tích cực tổ chức thực hiện các trò chơi trong các tiết dạy để tiết học không chỉ sôi nổi, lôi cuốn mà còn giúp các em tái hiện được những kiến thức đã học thông qua các trò chơi.

Tùy thuộc vào mục đích của giáo viên muốn kiểm tra từ mới, cấu trúc ngữ pháp hay kĩ năng nghe, đọc, viết của các em mà giáo viên lựa chọn trò chơi sao cho phù hợp với từng tiến trình lên lớp thông qua một số trò chơi phổ biến như: Bingo, Net work, Brainstorming, who am i, personal survey, whispering game, Lucky numbers, Slap the board, Kim' s game, Chain game, ...

Thứ hai - về giáo viên

Chúng ta không thể có học sinh khá giỏi khi mà giáo viên chưa nắm vững kiến thức chuyên môn, giáo viên còn chưa hiểu bản chất của vấn đề, thì làm sao giải thích để học sinh hiểu và vận dụng vào thực hành, làm bài tập?

Phương pháp là quan trọng nhưng vấn đề then chốt là làm sao học sinh hiểu và vận dụng những kiến thức được truyền thụ. Vậy là giáo viên trực tiếp đứng lớp chúng ta phải làm thế nào? Thử hỏi còn được bao nhiêu đồng chí tự học mỗi ngày hay mày mò, tìm kiếm trên mạng các trang web hay bổ trợ cho việc dạy và học tiếng Anh của mình?

Và mới đây, khi tham gia lớp bồi dưỡng để thi đạt chuẩn năng lực sử dụng ngoại ngữ đối với giáo viên Tiếng Anh cấp THCS nằm trong chương trình của Đề án Ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020, được các báo cáo viên hướng dẫn tận tình, tôi cũng đã hiểu ra nhiều điều, có những thứ khó nhưng không hẳn là khó khi được hướng dẫn đúng, chi tiết và bước đầu tôi đã đạt được kết quả khả quan.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm học giáo viên nên chú trọng xây dựng hạt nhân trong mỗi lớp: lựa chọn một nhóm các em học sinh có năng khiếu và nhận thức tốt từ 4 đến 6 em tương đương với số nhóm học tập, tập trung bồi dưỡng về ngữ pháp và các kĩ năng nghe – nói – đọc – viết, sau đó những hạt nhân ấy sẽ hỗ trợ giáo viên kèm cặp và giúp đỡ cho các thành viên còn lại trong nhóm khi giáo viên tổ chức các hoạt động học tập trên lớp và trong giờ tự học.

Thứ ba - kết hợp sử dụng 3 ngôn ngữ Anh – Việt – Mông khi lên lớp:

Việc giúp học sinh đầu cấp có thể nhanh chóng tiếp thu kiến thức bộ môn, giáo viên phải đa dạng hóa các hình thức truyền đạt, một trong số đó là kết hợp sử dụng cả 3 ngôn ngữ: Tiếng Việt – Tiếng Mông và Tiếng Anh khi cùng hướng đến một nội dung.

Điều này không có nghĩa là chúng ta khuyến khích các em sử dụng tiếng mẹ đẻ mà mục đích chính là giúp học sinh tư duy và hiểu được nội dung bài nhanh nhất.

Khi các em đã quen dần với việc nghe - nói và phương pháp học Tiếng Anh thì giáo viên sẽ dần giảm bớt việc giải thích bằng tiếng mẹ đẻ và cả tiếng Việt.

Bài viết được biên tập, lược ghi từ tham luận "Khó khăn, thách thức và giải pháp trong dạy học tiếng Anh tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Lao Chải (Mù Cang Chải, Yên Bái) của cô giáo Phạm Thị Hương Thảo tại Hội thảo "Tập huấn nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh giáo dục trung học vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ".
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top