3 thái giám giả làm chao đảo triều đình phong kiến Trung Quốc

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Với việc không bị tịnh thân, 3 tên thái giám này đã làm khuynh đảo hậu cung của hoàng đế, thậm chí còn làm chao đảo cả triều đình.


Trung Quốc với lịch sử suốt hơn 5.000 năm, xuất hiện biết bao kiểu người, nhưng trong số đó có một nhóm người khá đặc biệt. Về mặt sinh lý nhóm người này bị thiếu hụt cho nên không có khả năng sinh dục, nối dõi tông đường.

Nói đến đây hẳn các bạn đọc đều đã biết chúng ta đang nhắc đến ai. Đúng vậy, họ chính là thái giám, là nhóm người không thể thiếu trong suốt thời đại phong kiến của Trung Hoa.

Về cơ bản, triều đại nào cũng có thái giám, song cũng không phải thái giám nào cũng bị tịnh thân.

Trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, có ba tên thái giám giả vô cùng nổi tiếng, không những thoát được việc tịnh thân mà sau còn nhiễu loạn hậu cung, trong đó, một kẻ "ngủ" khắp hậu cung, một kẻ khiến Thái hậu sinh con, một kẻ giết hại Hoàng đế soán ngôi.

Cả ba thái giám giả này đều là những kẻ gan to bằng trời. Hãy xem đó là những ai?

Thái giám giả "ngủ" khắp hậu cung - Cao Bồ Tát


Bắc Ngụy Hoàng đế Hiếu Văn Đế là người tài trí mưu lược, có chí hướng lớn lao, vì một lòng muốn thống nhất thiên hạ cho nên thường xuyên chinh chiến bên ngoài. Song mặc dù ông có chí lớn, nhưng người đồng sàng lại có ý khác.

Hoàng hậu Phùng Diệu Liên mỗi đêm đều cảm thấy cô đơn, Hoàng đế lại không có bên cạnh, trùng hợp là bên người lại có một người đàn ông đẹp trai, tên là Cao Bồ Tát. Tên này vốn là biết về nghề y, ban đầu phụng mệnh chăm sóc Hoàng hậu, sau thì "đổi vai", đôi bên dan díu với nhau.



Hoàng hậu mỗi đêm không thể chịu nổi nỗi khổ tương tư, liền hạ lệnh đưa Cao Bồ Tát vào cung. Vì để che mắt người ngoài và dễ bề hành xử, cho nên bà đã để Cao Bồ Tát giả làm thái giám, trở thành người hầu cận bên mình.

Cao Bồ Tát vào cung, ỷ có mệnh lệnh của Hoàng hậu nên có thể tùy ý qua lại trong hậu cung.

Hoàng đế không có trong cung, Hoàng hậu lộng quyền tự tung tự tác, không ai dám không vâng theo mệnh lệnh của bà.

Tên Cao Bồ Tát này không những ngày ngày cùng Hoàng hậu phát sinh quan hệ mờ ám, hơn thế hắn còn nhắm đến rất nhiều phi tần cô đơn trong hậu cung, lén lút qua lại với họ như qua lại Hoàng hậu, tự tung tự tác khắp chốn hậu cung, cắm cho Hiếu Văn Đế không biết bao nhiêu là sừng.

Song, giấy sao có thể bọc được lửa, chuyện ô nhục thanh danh Hoàng gia này cuối cùng cũng bị truyền đến tai Hiếu Văn Đế.

Hoàng đế vô cùng tức giận, lập tức hạ lệnh xử tử tên thái giám giả Cao Bồ Tát.

Còn về phía hoàng hậu, vì lo lắng đến thể diện của Hoàng gia cho nên Hiếu Văn Đế không xử tội Hoàng hậu, chỉ lưu lại ý chỉ sau này mình băng hà, Hoàng hậu phải tuẫn táng theo cùng.

Một tên thái giám giả mạo không quyền không thế lại dám leo lên đầu Thái tuế, quả thực là quá mức điên cuồng ngang ngược.

Tư thông với thái hậu, loạn thần tặc tử - Lao Ái


Nói đến các đời Hoàng đế, không thể không kể đến Thiên cổ nhất Đế Tần Thủy Hoàng Doanh Chính. Tài văn thao võ lược, chính trị của Tần Thủy Hoàng đều đứng hàng đầu trong các vị Hoàng đế. Song một vị Hoàng đế uy chấn bốn phương như Tần Thủy Hoàng lại có một người mẹ vô cùng thác loạn là Triệu Cơ.



Khi Tần Thủy Hoàng kế vị, vì tuổi còn nhỏ (chưa đến 10 tuổi) nên mọi chuyện lớn nhỏ trong triều đều do Tướng phụ Lã Bất Vi cùng Triệu Cơ định đoạt.

Song sự thực là Lã Bất Vi cùng Triệu Cơ sớm đã có gian tình, hai người tuy cũng đã cẩn thận che giấu.

Nhưng theo thời gian, Tần Thủy Hoàng ngày một khôn lớn, Lã Bất Vi biết chuyện này không thể tiếp tục được nữa, nhưng vì nhu cầu của Triệu Cơ không thể không được thỏa mãn, cho nên ông ta đã tìm Lao Ái – một đối tượng khá đẹp trai đến hiến tặng cho Triệu Cơ.

Triệu Cơ rất thích Lao Ái, coi hắn là nam sủng của mình, đồng thời vì để che mắt mọi người nên để Lao Ái lấy thân phận thái giám theo hầu.

Ban đầu Triệu Cơ cùng Lao Ái còn lén lút qua lại, càng về sau thì càng không thèm cố kỵ gì nữa.

Càng khiến người ta câm nín hơn là hai người họ còn có với nhau hai người con trai. Lao Ái bấy giờ còn được phong làm Trường Tín hầu, có bè phái riêng của mình, đe dọa nghiêm trọng đến địa vị trong triều của Lã Bất Vi.

Lã Bất Vi liền đem chuyện Lao Ái tư thông với Thái hậu Triệu Cơ tố cáo với Hoàng đế, Doanh Chính biết chuyện vô cùng tức giận.

Lao Ái khi biết chuyện thì đã muộn, liền lén lút trộm lấy ngọc tỷ điều động quân đội hòng rắp tâm tạo phản, cuối cùng Tần Thủy Hoàng bình định phản loạn, bắt được Lao Ái xử ngũ mã phanh thây.


Lưu Khắc Minh - To gan dám giết vua đoạt quyền


Thời nhà Đường là triều đại thịnh thế, chư hầu vô số, nhưng đến thời hậu Đường, lại xuất hiện tình trạng thái giám chuyên quyền, trong đó phải kể đến một tên thái giám gan to bằng trời, dám giết vua nhằm mưu đồ soán ngôi.

Vào thời vua Đường Kính Tông, thái giám Lưu Quang rất được vua tin sủng.

Nhưng hắn ta lại không dốc lòng vì Hoàng đế mà chỉ tìm cách bành trướng thế lực của bản thân, sau này còn đưa con nuôi của mình là Lưu Khắc Minh vào quan làm thái giám nhưng lại giúp hắn thoát khỏi việc bị tịnh thân.

Lưu Khắc Minh từ nhỏ đã lớn lên bên cạnh thái giám, tuy bản thân hoàn hảo vô khuyết nhưng mỗi hành động cử chỉ lời nói của hắn lại chẳng khác gì một thái giám thực thụ, hơn thế người này còn có tài diễn kịch.

Hoàng đế bấy giờ rất nghịch ngợm, ham chơi, thích chơi cưỡi ngựa đánh cầu và chơi vật lộn. Lưu Khắc Minh giỏi nhìn mặt đoán ý, lại chiều theo sở thích của vua, hầu hạ bên cạnh Hoàng đế suốt thời gian dài, đưa Hoàng đế chơi bời khắp nơi.

Lưu Khắc Minh trẻ tuổi thông minh ở trong cung như cá gặp nước, được Hoàng đế hết lòng tin tưởng, lại thường xuyên hầu hạ bên cạnh Hoàng đế nên cũng âm thầm qua lại với phi tần trong hậu cung.

Sau này, hắn lập mưu chống lại Hoàng đế, thành công giết chết vua khi đang trong cơn say, song đến cuối cùng Lưu Khắc Minh cũng không có kết cục tốt đẹp, bị Khu Mật Sứ giết chết.
Nguồn: Báo điện tử Kiến Thức
 

Bình luận bằng Facebook

Top