3 quan điểm chưa đúng về khó khăn trong dạy – học tiếng Anh vùng khó

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Hiểu đúng những khó khăn của thầy, trò vùng khó để có giải pháp phù hợp trong dạy - học tiếng Anh


Đó là chia sẻ của tiến sỹ Hà Văn Sinh – Giảng viên chính Khoa Ngoại ngữ (Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu). Cụ thể:

1. Học sinh dân tộc thiểu số và học sinh người Kinh vùng khó học tiếng Việt chưa tốt sao có thể học tiếng Anh

Thực tế, nhiều người cho rằng, học sinh phải thông suốt tiếng Việt thì mới có thể học được tiếng Anh. Tuy nhiên theo TS Hà Văn Sinh đối với học dân tộc thiểu số, sẽ là một sự ngộ nhận khi cho rằng tiếng Việt của các em chưa thông thì không thể học tốt ngoại ngữ.

Vì trên thực tế, tiếng Việt đã bị sử dụng như một ngoại ngữ trung gian để hấp thụ tiếng Anh, trong khi tiếng Việt không phải là tiếng mẹ đẻ của học sinh dân tộc thiểu số.

“Về bản chất, học sinh dân tộc thiểu số đang phải học một ngôn ngữ thứ 3 (tiếng Anh) thông qua ngôn ngữ thứ 2 là tiếng Việt. Nếu chúng ta không làm cho khó cho học sinh như thế thì chắc chắn khó khăn này không thể xảy ra, hoặc chí ít cũng không có ảnh hưởng mang tính quyết định đến khả năng học tiếng Anh của học sinh dân tộc thiểu số” – TS Sinh phân tích.

Tương tự, đối với học sinh người Kinh vùng khó khi các điều kiện kinh tế tác động đến khả năng nhận thức và tư duy của các em và đã dẫn đến kiến thức, kỹ năng tiếng Việt chưa tốt thì việc sử dụng tiếng Việt như là một ngôn ngữ trung gian để học tiếng Anh cũng là một thách đố.

“Nhiều giáo viên thường cho rằng, các em tiếng Việt học còn không nổi lấy gì học tiếng Anh. Đành rằng kiến thức văn hóa xã hội là một yếu tố tác động đến khả năng tiếp thụ một ngôn ngữ thứ 2, nhưng sẽ là một nhận định phiến diện khi cho rằng học sinh không học nổi tiếng Anh ngay cả khi giáo viên tiếng Anh dùng tiếng Việt để giải thích tiếng Anh.

Rõ ràng quan niệm sai lầm này sẽ khiến chúng ta làm khó cho các em học sinh khi bắt các em phải dựa vào tiếng Việt để học tiếng Anh” – TS Hà Văn Sinh trao đổi.

2. Học sinh vùng khó không có động lực và nhu cầu học ngoại ngữ

TS Hà Văn Sinh cho biết: Đây là một quan điểm sai lầm. TS dẫn giải: Nghiên cứu của Bùi Thị Ngọc Thúy cho thấy qua một khảo sát do cô thực hiện có đến 80% học sinh dân tộc thiểu số cho biết: tiếng Việt là ngôn ngữ các em thích học nhất vì các em có thể giao tiếp bất kỳ ở nơi nào của Việt Nam; 75% các em thích học tiếng Anh vì nhận thức được tầm quan trọng của việc học tiếng Anh; thậm chí có em nói rằng, em mơ có một ngày ai ai trong bản của em cũng có thể học tiếng Anh.

Tương tự một giáo viên đã chia sẻ trong bài viết của Văn Thành Lê: “Không phải ở nông thôn không có học sinh giỏi tiếng Anh, vấn đề là các em có yêu thích ngoại ngữ hiện phổ biến nhất này không. Em Nguyễn Lê Ngọc Huyền, nhà ở nông thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh là một ví dụ.

Từ lúc vào lớp 6 Trường THCS Nguyễn Viết Xuân, Huyền đã tranh thủ đi học thêm và đâm ra “mê” tiếng Anh. Để luyện kỹ năng nghe, nói, em nghe các bài hát tiếng Anh. Hiện Huyền đang chờ thi hùng biện tiếng Anh cấp thành phố, hy vọng sẽ lập thành tích mới cho trường …”.

“Rõ ràng, khi say mê, có động lực học sinh vùng khó vẫn có thể tiếp thu ngoại ngữ như bao học sinh khác” – TS Sinh chia sẻ.

3. Đầu tư vào “phòng chức năng phục vụ giảng dạy môn tiếng Anh” để cải thiện môi trường giao tiếp, động cơ học tập của học sinh

Theo TS Hà Văn Sinh, ở nhiều địa phương việc đầu tư, mua sắm và lắp đặt phòng chức năng phục vụ giảng dạy môn tiếng Anh đang là một trào lưu. Phòng chức năng này được hiểu như một phòng học có lắp đặt một hệ thống nghe, nhìn, có cabin và tai nghe cá nhân.

Giáo viên điều khiển từ hệ thống trung tâm và giao tiếp với cả lớp hoặc một học sinh qua tai nghe. Mặc dù phòng học tiếng/phòng chức năng đã khác nhiều so với thời kỳ đầu của thập niên 1990, khả năng tương tác giữa giáo viên – học sinh trong phòng chức năng đã tăng lên, song trên thực tế phòng chức năng – dù đã cải tiến vẫn không giúp tạo ra được một môi trường ngôn ngữ tự nhiên.

Đó là chưa kể việc mua những phòng chức năng kiểu cũ, với các ô cabin và tia nghe đã việc đi ngược với trào lưu dạy – học tiếng Anh theo định hướng giao tiếp, khi chính các ô cabin và hệ thống tai nghe cá nhân đã ngăn cản việc xây dựng một môi trường giao tiếp tự nhiên, khi các hoạt động cặp – nhóm – lớp khó thể thực hiện.

“Thay vì đầu tư hàng trăm triệu đồng cho một phòng chức năng như thế, chúng ta chỉ cần chi 15 đến 20 triệu đồng cho một phòng học đa phương tiện sẽ hiệu quả hơn nhiều” – TS Sinh nêu quan điểm.

Cần hiểu cho đúng những khó khăn của thầy, trò vùng khó để có biện pháp khắc phục là điều cần thiết. Tuy nhiên, nếu cho rằng, học sinh vùng khó học tiếng Anh không có hiệu quả do tiếng Việt chưa tốt, do các em chưa có nhu cầu và động lực học ngoại ngữ và nếu cho rằng phải ưu tiên đầu tư cho phòng chắc năng với giá tối thiểu vài trăm triệu đồng/phòng thì đây sẽ là những quan niệm chưa đúng, cần phải thay đổi.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top