3 giáo viên Hà Nội đoạt giải đặc biệt về sáng tạo trong giáo dục

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Tại diễn đàn giáo dục sáng tạo Education Exchange 2020 do Microsoft cùng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) tổ chức, ba giáo viên đến từ Hà Nội đã đoạt giải đặc biệt với các sản phẩm sáng tạo phục vụ giáo dục.

Với "Dự án liên môn 10X start-up", Cô Nguyễn Ngọc Thiên Trinh - Giáo viên Trường PTLC Wellspring (Long Biên, Hà Nội) đã đoạt giải đặc biệt tại diễn đàn E2 năm nay.

Dựa trên nền tảng kiến thức Toán học về tỉ số phần trăm, học sinh sẽ liên hệ tính thực tế của môn học thông qua việc lập kế hoạch, tính lỗ lãi cơ bản, tính tiền các mặt hàng giảm giá, thực hiện khảo sát hành vi để ra quyết định.

Nhóm 10X Startup hoạt động như một doanh nghiệp thực thụ khi thành lập các bộ phận với vai trò rất rõ ràng như Ban Quản trị, bộ phận bán hàng, Marketing, sản xuất,.. Mỗi nhóm sẽ cần xử lý rất nhiều bài tập và nhiệm vụ. Vì thế việc ứng dụng công nghệ thông tin là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả công việc.


Cô Nguyễn Ngọc Thiên Trinh cùng học sinh thực hiện dự án liên môn 10X start-up

“Với mỗi một ứng dụng, khi cần sử dụng trong hoạt động cụ thể nào, giáo viên sẽ gửi hướng dẫn bằng clip để học sinh nghiên cứu cách thức hoạt động trước. Sau đó, cô trò sẽ cùng nhau làm việc song song để học sinh hiểu rõ tác dụng cũng như tính hiệu quả của App đó mang lại.

Chính học sinh sẽ tự mình rút ra được cách sử dụng phù hợp với từng ứng dụng và linh hoạt hơn trong các hoạt động cá nhân, nhóm của mình. Nhờ vậy, học sinh có khả năng tự đề xuất cách thức làm việc, báo cáo sản phẩm của mình cho giáo viên.” – Cô Thiên Trinh chia sẻ về cách cô và trò cùng nhau ứng dụng công nghệ trong dự án.


Dự án lớp học đám, mây, lớp học kết nối của thầy Phạm Ngọc Đức

Còn dự án "Lớp học đá, mây, lớp học kết nối" của thầy Phạm Ngọc Đức đến từ Học viện Quản lí giáo dục là bài giảng điện tử tương tác thiết kế trên nền Sway và các công cụ của Office 365 có tích hợp một số ứng dụng như Wakelet, Padlet, Flipgrid, Weebly… giúp sinh viên kết nối đồng bộ tới hoạt động của lớp học 24/7.

Mọi sinh viên được khuyến khích bày tỏ quan điểm, trải nghiệm thực tiễn bằng việc đóng góp nội dung trực tiếp vào bài giảng tương tác khi thảo luận trực tuyến, quay tức thì hoạt động nhóm, viết các tin bài ngắn, nộp bài điện tử, tự đánh giá thường xuyên kiến thức môn học.

Tất cả được tích hợp All In One trong một bài giảng Sway, không còn là nội dung PowerPoint tĩnh nữa mà luôn vận động, luôn được cập nhật từ chính người học thông qua Wakelet, Padlet, Flipgrid.

Trang tin điện tử Weebly kết nối sinh viên với các lực lượng giáo dục khác như CMHS, cộng đồng xã hội. SharePoint giúp tạo kênh giám sát chất lượng giáo dục giúp CBQL hay phòng đào tạo tương tác tức thì với giảng viên và sinh viên.


Trong khi đó, "Dự án hóa mỹ phẩm hữu cơ" của cô Bùi Diệu Linh- giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam lại là một quá trình thực tiễn của học sinh tham gia chiết xuất tinh dầu thiên nhiên hoặc điều chế xà phòng hữu cơ an toàn cho da tại nhà sau khi học chương este - lipit ở lớp.


Sản phẩm xà phòng bằng hữu trong dự án hóa mỹ phẩm hữu cơ của cô Bùi Diệu Linh

Cô Linh cho biết: Sản phẩm dự án “Hóa mỹ phẩm hữu cơ” được thực hiện xuyên suốt học kì I năm học 2019-2020 ở bốn lớp chuyên ngoại ngữ của trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam.

Nhiệm vụ thực tiễn của học sinh là chiết xuất tinh dầu thiên nhiên hoặc điều chế xà phòng hữu cơ an toàn cho da tại nhà sau khi học chương este- lipit ở lớp.

Qua quá trình trải nghiệm- tìm tòi khám phá – sáng tạo – thất bại và làm lại, một cách tự nhiên và đầy hứng thú, các con đã học được rất nhiều điều bổ ích, từ kiến thức cốt lõi liên quan của môn hóa học, vật lí đến phát triển các kĩ năng thế kỉ XXI; đặc biệt là nâng cao khả năng ứng dụng thế mạnh ngoại ngữ cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cộng tác cùng nhau để giải quyết vấn đề khó.

Các công cụ Forms, PowerPoint, Excel, OneDrive, Sway, Facebook, Canva đã hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động trao đổi, báo cáo, thông kê, đánh giá trong dự án.

E2 là diễn đàn về các sản phẩm giáo dục sáng tạo với các sản phẩm về các dự án STEM, STEAM, thiết kế phần mềm giảng dạy, lớp học đảo ngược, đến các dự án của học sinh về việc bảo vệ môi trường, về bảo tồn văn hóa dân tộc, giáo dục kĩ năng sống, tình yêu thương bác ái cho học sinh…
Tại sự kiện, các giáo viên được tham gia một hoạt động khác là thử thách nhóm nhằm tạo cơ hội cho các thầy, cô giáo thể hiện khả năng giải quyết vấn đề, năng lực sư phạm trong việc ứng dụng công nghệ thông tin qua bài giảng. Cụ thể, các nhóm phải thiết kế một bài học cho học sinh dựa trên một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc giai đoạn 2015-2030.

Vân Anh
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top