2 khuyết điểm trong dạy học Lịch sử bằng sơ đồ

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Trong thực tiễn dạy học, sơ đồ cũng được các giáo viên sử dụng khá thường xuyên vì nhiều khi các nội dung kiến thức kế tiếp nhau đều cần có một sơ đồ để thể hiện.

Ví dụ trong khóa trình lịch sử thế giới cổ trung đại, qua các bài Xã hội nguyên thủy (2 tiết), Xã hội cổ đại (4 tiết)… giáo viên phải liên tục sử dụng sơ đồ về quá trình phát triển của con người trong xã hội nguyên thủy qua các thời kì, sơ đồ về cấu trúc xã hội cổ đại phương Đông, xã hội chiếm nô phương Tây, sơ đồ so sánh các quốc gia cổ đại phương Đông với các quốc gia chiếm nô Địa Trung Hải, sơ đồ các thành tựu văn hóa cổ đại…

Về phía học sinh, việc sử dụng sơ đồ không hoàn toàn mới lạ vì thường xuyên phải làm dàn ý đại cương để ôn thi, dẫn đến cần thiết lập một số sơ đồ khái quát hóa, hệ thống hóa kiến thức. Đây là một cách học khoa học và có hiệu quả cao, song về cơ bản vẫn là những kinh nghiệm cá nhân, không phổ biến.

Thực tiễn sử dụng sơ đồ trong dạy học lịch sử như trên chưa khai thác được đúng chức năng và tác dụng to lớn của sơ đồ, nhất là trong việc phát triển tư duy và năng lực tự học của học sinh; tồn tại hai khuyết điểm sau đây:

Nội dung nghèo nàn, hình thức kém hấp dẫn, loại hình ít phong phú

Thứ nhất về nội dung: hệ thống sơ đồ sử dụng trong dạy học lịch sử hiện nay nghèo nàn về nội dung, thiếu hấp dẫn về hình thức và kém phong phú về loại hình, chưa kể đến một số sơ đồ chưa diễn đạt được đầy đủ, rõ ràng nội dung kiến thức. 9 sơ đồ mà sách giáo viên đề cập tới trong tổng số 52 tiết học của chương trình lớp 10 là ít.

Nguyên nhân của tình trạng này là do sự áp dụng máy móc những chỉ dẫn của sách giáo viên. Sách giáo viên đưa ra một số dạng sơ đồ mang tính gợi mở để giáo viên tham khảo sử dụng, nhưng nhiều giáo viên lại sử dụng lại hoàn toàn hệ thống sơ đồ đó như là một khuôn mẫu mà không có sự gia công hay cố gắng tìm tòi, sáng tạo ra những dạng sơ đồ mới.

Điều này thể hiện nhận thức của đa số giáo viên về vai trò, tác dụng của việc sử dụng phương pháp sơ đồ hóa trong dạy học lịch sử còn chưa cao.

Ví dụ: Khi tái hiện lại tình hình nước Pháp trước năm 1789, tất cả các giáo viên thường đưa ra sơ đồ vẽ sẵn trên giấy hoặc vẽ trực tiếp lên bảng để giảng giải hoặc minh họa cho học sinh về chế độ ba đẳng cấp tồn tại dai dẳng trong lòng xã hội Pháp. Việc làm này năm nào cũng lặp lại như thế, ở giáo viên nào cũng sử dụng như thế.

Coi sơ đồ như phương tiện minh họa cho nội dung kiến thức

Thứ hai về phương pháp: Phần lớn sơ đồ đều được sự dụng như một phương tiện minh họa cho nội dung kiến thức. Cách sử dụng này thuộc mức độ sử dụng thấp nhất trong hệ thống phương pháp sử dụng sơ đồ hóa mà tôi đề cập tới trong báo cáo này.

Nó chỉ có tác dụng về mặt hệ thống hóa kiến thức mà không có tác dụng kích thích tinh thần học tập của học sinh, không phát triển được tư duy và năng lực tự học của học sinh.

Bởi vì, với cách sử dụng này, giáo viên đưa ra những sơ đồ đã được dựng sẵn, rồi tự mình giảng giải cấu trúc và nội dung của sơ đồ, học sinh lắng nghe rồi vẽ lại sơ đồ vào trong vở, có thể ghi hoặc không ghi lời giảng của giáo viên.

Hậu quả của cách sử dụng này là học sinh (kể cả các em chú ý nhất) không thể nắm vững bản chất vấn đề, lại không tạo ra một sự hứng thú nào, một tác động kích thích nào cho không khí lớp học trở nên sôi nổi.

Học sinh không được làm việc như một chủ thể trung tâm, các em mất đi nhiều cơ hội tự học và tự khẳng định mình. Rõ ràng là hiệu quả giáo dục và phát triển đạt được không lớn.

Ví dụ: Khi giảng về Nhà nước Mĩ theo Hiến pháp năm 1787, giáo viên thường sử dụng sơ đồ đã chuẩn bị sẵn hoặc tự vạch ra trong khi giảng, cách làm này chỉ có thể giúp học sinh hệ thống hóa kiến thức mà không có tác dụng phát triển tư duy và các hoạt động tự lực của học sinh.

Từ đó có thể thấy sơ đồ đã được sử dụng trong dạy học lịch sử song còn ít và thiếu một phương pháp sử dụng đúng đắn. Nguyên nhân của tình trạng này là do các giáo viên chưa ý thức được tầm quan trọng của phương pháp, chưa có tinh thần tìm kiếm, đổi mới phương pháp dạy học.

Thực tiễn này được đúc kết bằng phương pháp quan sát, điều tra thực tiễn thông qua trò chuyện với giáo viên bộ môn và tập thể học sinh, và nhất là trong quá trình học tập môn lịch sử của bản thân trong nhiều năm qua, kể cả thời gian học tập trong môi trường đại học.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top