"120 ngày Mây thì thầm với gió": Ký ức khó quên về thời COVID-19

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Nuage Rose (tên khai sinh là Bùi Thị Hồng Vân) là tác giả của tiểu thuyết tự truyện Ba áng mây phiêu dạt xứ bèo - tác phẩm được ví như phiên bản nữ của Quân khu Nam Đồng.

120 ngày Mây thì thầm với gió (NXB Trẻ phát hành) là cuốn sách mới của Nuage Rose. Sách thuộc thể loại phi hư cấu, ở đó tác giả ghi lại những trải nghiệm, góc nhìn, chiêm nghiệm về cuộc chiến chống Covid-19.


Bìa sách 120 ngày Mây thì thầm với gió. Ảnh: NXB Trẻ.
Tháng 2/2020, khi đại dịch bắt đầu lan đến nhiều quốc gia, Nuage Rose từ Hà Nội tới Paris, Pháp. Cuối tháng 3/2020, bà mắc Covid-19 và được chữa khỏi. Tháng 12/2020, bà trở về Việt Nam.

Đi lại giữa Việt Nam và Pháp, Nuage Rose trải nghiệm diễn biến dịch bệnh ở hai vùng Đông và Tây, đồng thời chứng kiến những nỗ lực của các chính phủ trong trận chiến chống Covid-19.

Tác giả ghi lại chân thực những điều mắt thấy tai nghe. Chuyện về chiếc khẩu trang, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, những điều tác giả trải qua trong khu cách ly, chuyện được điều trị và chiến thắng Covid-19… Trong những câu chuyện ấy có cả sự sợ hãi và hơi ấm tình người, tang thương và hạt mầm hy vọng.

Khi kể lại 120 ngày đã qua (khoảng giữa tháng 2 đến tháng 5/2020), tác giả chọn thể hiện những điều có thật. Đó có thể là câu chuyện của một cá nhân nhỏ bé hay vấn đề của quốc gia, châu lục. Dù là vấn đề gì, được viết với cảm xúc nào, nó vẫn phản ánh hiện thực trong đại dịch. Bởi vậy, nhà báo Dương Thành Truyền nhận xét câu chuyện trong sách sẽ trở thành một phần của ký ức về thời Covid-19 mà chúng ta đang sống.

Lồng ghép trong chuyện về những lần di chuyển, tin tức dịch bệnh hàng ngày, khẩu trang và đồ bảo hộ, khu cách ly và bệnh viện… là những cảm xúc của tác giả.

Là người rời Việt Nam từ những năm 1980, Nuage Rose luôn trăn trở giữa đi và về, căn tính bản thân. Chính trong đại dịch, bà có cơ hội đối diện với những trăn trở đó; để rồi nhận ra đại dịch này không chỉ có mất mát. Trong những cô đơn, tuyệt vọng, những hạt mầm tích cực vẫn đâm chồi.

Câu chuyện, những suy tưởng của tác giả như một lời nhắc về ý nghĩa cuộc sống. Dịch bệnh khiến ta nhìn lại bản thân và xã hội, để rồi nhận ra hạnh phúc không ở đâu xa. Hạnh phúc là gia đình, người thân, tình bạn, đồng bào, là sự đồng cảm và nhân ái.


Tác giả Nuage Rose - Hồng Vân trong một buổi giao lưu với bạn đọc tại Đường sách TP.HCM năm 2017. Ảnh: FB Trẻ Măng non.
Tên cuốn sách là một khoảng thời gian, nhưng trong tác phẩm có cả chiều rộng và chiều sâu. Chiều rộng ở đây là khoảng không gian Việt Nam và Pháp, hai vùng tác giả dịch chuyển trong đại dịch để rồi ghi lại khách quan những chuyện chống dịch.

Chiều sâu của tác phẩm được tạo nên bởi cảm xúc của người viết. Tác phẩm là sự đan xen những chiêm nghiệm, nội tâm của một người sống trong thời đại dịch, đồng thời không ngừng hồi tưởng về quá khứ.

Tác phẩm trước của Nuage Rose, Ba áng Mây trôi dạt xứ bèo, được viết bằng tiếng Pháp, để rồi được Hội Nhà văn Pháp trao giải “Tác phẩm được yêu thích nhất” năm 2013. Còn 120 ngày Mây thì thầm với gió được thể hiện bằng tiếng Việt - những từ ngữ, câu chữ đẹp đẽ mà tác giả gìn giữ, mang theo khi rời Hà Nội mấy chục năm trước.

Tuy là sách phi hư cấu, 120 ngày Mây thì thầm với gió được viết với văn phong đậm chất thơ. Nhà báo Dương Thành Truyền đánh giá: “Năng lượng của một người vừa hồi sinh từ cõi chết thổi bùng lên sức mạnh bên trong của hai nền văn hóa Việt - Pháp, làm bật tung, tuôn trào những liên tưởng, biểu tượng, so sánh, ẩn dụ, định danh, chơi chữ với một văn phong có tiết tấu, nhịp điệu bất chấp mọi ràng buộc của bố cục xưa cũ: Vừa nhật ký, vừa tường thuật, vừa thơ ca, và… vừa tất cả”.
Nguồn: Báo điện tử Kiến Thức
 

Bình luận bằng Facebook

Top