Yếu đuối

lehoa012

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Tuổi Trẻ Online - Thứ Bảy, 3/7

TT- – TT - Yếu đuối hay mạnh mẽ? Đấu tranh hay thỏa hiệp? Vươn lên hay an phận? Tế nhị hay thẳng thắn? Sống là chính mình hay theo xu hướng chung?... Những điều đó dạo này luôn lấn cấn trong tôi trước mỗi sự việc, trái với lúc trước tôi thường quả quyết được ngay.
Cuộc thi viết “Giá trị sống quanh ta” nhằm tuyển chọn 200 thí sinh xuất sắc tham dự Trại kỹ năng sống lần 2 miễn phí tại Nam Cát Tiên từ ngày 6 đến 8-8-2010. Trại do báo Tuổi Trẻ và Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức với sự tài trợ của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential VN. Tìm hiểu thể lệ và đăng ký dự thi tại http://kynangsong.yume.vn.
Tôi bây giờ khác quá, hay băn khoăn, từ từ tính và rồi thường chọn giải pháp trung dung, ôn hòa. Cuối cùng tôi không còn là tôi, tan biến theo đám đông. Sau đó lại ray rứt. Chính vì vậy tôi mượn các diễn đàn mong có sự sẻ chia để tìm lại bản thân.
Ngày trước tôi là cô gái mãnh liệt và thẳng thắn đến mức nhiều người nhận xét tôi xinh xắn mà nam tính quá, e ế chồng (?!). Tôi không quan tâm câu nói đó nhưng rõ ràng sự cứng rắn của mình được nhiều bạn gái ủng hộ và cũng khiến lắm anh dè dặt.
Hồi bé tôi dám đánh nhau với lũ con trai để bảo vệ con mèo bị ném đá, dù bất phân thắng bại nhưng cuối cùng con mèo được giải thoát. Lúc học cấp II tôi kịch liệt phản đối thầy giáo dạy toán trù dập một bạn trong lớp. Sau lần đó tôi phải chuyển lớp, sang năm giáo viên ấy cũng chuyển trường.
Khi là sinh viên, tôi đồng ký tên tố cáo tiêu cực của hội sinh viên, chủ tịch hội sinh viên phải nhận lỗi, còn chúng tôi bình an. Khi bắt đầu đi làm, tôi phản đối việc trưởng phòng bắt nhân viên trích 50% lương lập quỹ phòng, riêng vị đó thì không. Giám đốc chỉnh đốn ngay, trưởng phòng bị giáng chức, để khỏi căng thẳng sau đó tôi chuyển công ty.
Khi học cao học và chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, tôi thẳng thắn lập luận với giảng viên và đồng môn để bảo vệ chính kiến của mình và nhóm. Chúng tôi trao đổi thoải mái, sau đó cười xòa đầy thông hiểu.
Vậy mà bây giờ tôi e ngại đủ thứ. Chứng kiến cảnh sát giao thông nhận tiền hối lộ thay vì lập biên lai phạt tôi làm ngơ, thậm chí có lần chính tôi cũng thực hiện hành vi ấy với suy nghĩ cả hai cùng có lợi, chỉ chính phủ thiệt hại. Biết tiêu cực trong cơ quan, tôi phớt lờ để yên ổn với công việc nhàn hạ mà thu nhập tốt. Đi giao dịch tôi sẵn sàng “lót tay” để nhanh được việc, chép miệng cho rằng bây giờ ai chả vậy, nếu không muốn bị hành mà thời gian của mình quý hơn khoản tiền đó. Thấy đám đánh nhau tôi lẩn đi ngay kẻo tai bay vạ gió...
Thậm chí cả chuyện sai của chồng như nhậu nhẹt, tôi chỉ nhẹ nhàng khuyên nhủ một hai lần không sửa thì thôi, tự lập luận rằng đàn ông ai không vướng “tứ đổ tường”, lớn rồi có thân thì lo.
Tôi yếu hèn từ lúc nào mất rồi? Phải chăng ngày trước tôi chưa có gì để mất nên sẵn sàng tranh đấu cho lẽ phải (theo suy nghĩ riêng tôi)? Hiện tại tôi có nhiều thứ (gia đình êm ấm, con cái bé bỏng, công việc an nhàn, thu nhập nhiều nguồn...) nên chấp nhận thỏa hiệp (cầu yên ổn giữ nguyên tình trạng hiện nay hoặc để được khấm khá hơn)? Phải chăng ngày trước tôi “ngựa non háu đá” nên thẳng thắn thái quá? Lớn lên tôi hiểu đời không thể “một mình chống mafia” nên chấp nhận “sống chung với lũ”?
Đôi khi lăn tăn tôi thấy mình dường như càng ngày càng hòa lẫn trong đám đông trung dung, thiếu chính kiến, “mũ ni che tai” nhiều việc. Tôi dần đánh mất chính mình, thiếu đam mê, sống như ốc mượn hồn, co cụm bảo vệ những gì đang riêng có, dù vẫn nể trọng và thèm khát được sống mạnh mẽ như những gương sáng xung quanh.
Như vậy tôi đã góp phần dung túng cái xấu trong xã hội, sợ nhất mai sau con cái noi gương mẹ cũng sống nhàn nhạt và yếu đuối - điều tôi không bao giờ muốn.
Bây giờ tôi nhận ra sống yếu đuối là sống mòn, vô nghĩa. Mạnh mẽ cũng không hẳn toàn gánh mất mát, thậm chí sẽ được nhiều thứ dù sự va chạm sẽ làm mình tổn thương ít nhiều nhưng mình được là mình, được bảo vệ chính kiến, bảo vệ lẽ phải, thấy cuộc đời có lẽ sống và đáng sống mỗi ngày chứ không chỉ là đang tồn tại.
Mạnh mẽ vẫn có thể khoác áo mềm mại và tế nhị. Trước tiên tôi phải đấu tranh với chính mình để vượt qua sự yếu đuối mà lâu nay tôi tự bao biện rằng hành xử đó là xu thế chung, từ từ quay trở lại bản tính mạnh mẽ bắt đầu qua từng việc nhỏ, trước hết không dung túng cái xấu.
Chấp nhận sự va chạm để rèn mình, qua đó chí ít làm gương cho con, mỗi người chỉ có một cuộc đời, yếu đuối đưa đến sống mòn sẽ làm cuộc sống hoài phí đi.
KIM OANH (Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐHQG TP.HCM)
 

Bình luận bằng Facebook

Top