Xóa bỏ tình trạng thụ động trong học tập của sinh viên

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
PGS Bùi Loan Thùy (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn HCM) cho rằng: Để xóa bỏ hoàn toàn tình trạng thụ động trong học tập hiện nay của sinh, cần phải cương quyết thực hiện đồng bộ một số giải pháp, từ nhà trường cho đến giảng viên và bản thân mỗi sinh viên.

Cho phép sinh viên linh hoạt lựa chọn giảng viên

Nhà trường cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống đào tạo theo học chế tín chỉ. Các Khoa/bộ môn cần tăng số lượng các môn học tự chọn, cung cấp thông tin đầy đủ liên quan đến mỗi môn học để sinh viên có thể chủ động linh hoạt xây dựng lộ trình học tập cho mình.

Phòng Đào tạo cung cấp thông tin về giảng viên khi sinh viên đăng ký học phần, tiến tới cho phép sinh viên linh hoạt lựa chọn giảng viên.

Ban cố vấn học tập cần hoạt động tích cực, năng động, gần gũi hơn với sinh viên để hướng dẫn cho sinh viên hiểu rõ chương trình học, tư vấn cho sinh viên xây dựng một lộ trình học tập phù hợp với bản thân. Lập kế hoạch thời gian học tập hợp lý, cụ thể và tuân theo kế hoạch đó.

Phòng Công tác Chính trị và Quản lý sinh viên phải tăng cường giáo dục về những yêu cầu mới của giáo dục đại học để sinh viên nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của học chế tín chỉ đối với lợi ích của chính họ.

Phòng Quản trị Thiết bị tăng cường trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, các thiết bị công nghệ ở dạng sẵn sàng phục vụ đào tạo và nghiên cứu.

Thư viện trường phải nhanh chóng hoàn thiện cơ sở dữ liệu các môn học, phát triển mạnh các sản phẩm và dịch vụ thông tin điện tử, tăng cường chất lượng kho tài liệu phục vụ các chuyên ngành đào tạo hẹp, hướng dẫn sinh viên tra cứu tìm tin thành thạo bằng cả phương tiện truyền thống và hiện đại.

Hướng dẫn sinh viên tư duy phản biện

Giảng viên cần giúp sinh viên tham gia tích cực vào quá trình học, cải thiện sự thụ động bằng cách:

Hướng dẫn sinh viên tư duy phản biện, cách suy nghĩ phê phán, suy nghĩ theo hướng khác, lật ngược lại vấn đề. Khuyến khích sinh viên đặt câu hỏi, nêu ý kiến, nghĩ ra nhiều phương pháp giải quyết vấn đề. Khuyến khích sinh viên có ý tưởng mới, chính kiến riêng và cho phép lập luận bảo vệ chính kiến đó.

Hướng dẫn sinh viên ý thức sâu sắc về việc học tập của bản thân, tìm hiểu chương trình học được sắp xếp như thế nào và vì sao lại được sắp xếp như vậy. Giúp sinh viên hiểu một cách sâu sắc về mục đích của môn học từ đó có phương pháp học cũng như thái độ học tập tích cực, phù hợp.

Ra các câu hỏi trước, yêu cầu sinh viên phải chuẩn bị trước khi đến lớp, buộc sinh viên phải vào thư viện đọc tài liệu, tra cứu trên mạng internet, thảo luận với bạn bè để tìm ra câu trả lời.

Nhiệt tình giải đáp khi sinh viên thắc mắc. Thường xuyên cập nhật thông tin mới về nội dung môn học cho sinh viên. Mở rộng và phân tích nhiều vấn đề liên quan không có trong giáo trình, gần gũi cuộc sống thực tế.

Buộc sinh viên phải liên hệ những gì đang học với những gì đã học, tìm cách áp dụng kiến thức vào thực tế, liên hệ giữa lý thuyết và thực tiễn.

Trường hợp giữa lý thuyết và thực tiễn không ăn khớp nhau thì buộc sinh viên phải tự tìm hiểu để tìm ra câu trả lời cho chính họ, gợi mở các hướng giải quyết khi sinh viên tranh luận.

Đòi hỏi sinh viên sự tập trung cao trong lúc nghe giảng, thuyết trình, cẩn thận khi làm bài thực hành.

Tạo cho sinh viên cơ hội cộng tác và làm việc theo nhóm, giúp họ làm quen với việc hợp tác, với việc tôn trọng quan điểm của nhau, biết cách thỏa thuận, đàm phán để đạt tới mục đích chung.

Tạo hứng thú cho sinh viên đối với bài giảng bằng những câu chuyện nhỏ của thực tế, sự hài hước…

Đoàn, Hội không nên chỉ tập trung vào các sinh họat bề nổi

Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên không nên chỉ tập trung vào các sinh hoạt mang tính bề nổi, phong trào mà phải đưa ra thêm các hướng sinh họat cộng đồng nhằm phục vụ cho việc học tập theo các chuyên đề nhất định, vào việc trau dồi các phẩm chất, kỹ năng nghề nghiệp của từng ngành, các kỹ năng mềm trong cuộc sống, thúc đẩy đổi mới phương pháp học tập.

Cần coi nhiệm vụ tự học, tự nghiên cứu thật tốt chính là nhiệm vụ chính trị hàng đầu cần phải hoàn thành trong thời gian theo học tại trường.

Những lưu ý giúp sinh viên tự khắc phục sự thụ động

Hiện nay hầu hết học sinh giỏi, xuất sắc nhằm vào các ngành thời thượng; học sinh yếu hơn thì chọn các ngành có điểm chuẩn thấp hơn để cố sao đậu vào đại học nên số sinh viên thụ động thường tập trung vào các ngành này. Để tự khắc phục sự thụ động của mình, bản thân sinh viên cần phải:

Xác định rõ ràng mục đích và động cơ học tập của mình ngay cả khi bản thân nhận thấy mình chưa thật phù hợp với tính chất ngành nghề đang theo học để không có thái độ buông thả trong quá trình học tập của mình.

Thay đổi phương pháp học "truyền thống" là "nghe, chép và học thuộc" bằng tích cực tham gia đóng góp xây dựng bài, phát biểu ý kiến hoặc tham gia tranh luận trong nhóm, liên hệ những kiến thức được học với thực tế, hoặc tìm cách áp dụng vào thực tế .

Trau dồi những kỹ năng học tập cần thiết, đặc biệt là kỹ năng đọc, lọc thông tin, tra cứu thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình.

Luôn đặt những câu hỏi “Tại sao?”, “Như thế nào?”..., cố gắng tìm hiểu câu trả lời cho những vấn đề mình quan tâm, thắc mắc. Mỗi khi giảng viên đặt câu hỏi, cần tích cực động não trả lời.


Dù đào tạo theo niên chế hay tín chỉ, muốn xóa bỏ được hoàn toàn tình trạng thụ động trong học tập của sinh viên đều phụ thuộc vào 2 đối tượng quan trọng nhất: Thầy - trò, trong mối quan hệ tương tác chặt chẽ với nhau, đó là thầy định hướng, trò làm việc.



Đối với học chế tín chỉ, cường độ lao động của cả thầy - trò đều cao hơn niên chế, việc sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, thư viện của cả thầy lẫn trò sẽ ngày càng nhiều hơn.



Vì vậy nếu nhà trường đặc biệt lưu tâm đến việc tăng cường các tiện nghi phục vụ cho nghiên cứu và đào tạo, chăm sóc tốt về y tế, quản lý tốt cơ sở vật chất và con người thì chắc chắn chất lượng đào tạo sẽ được nâng cao dần từng bước.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top