Viết cho cậu học trò của tôi

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Qua những nét chữ chân phương giản dị, em đã thể hiện ý tưởng sắc sảo, cách nhìn sáng tạo, mới mẻ với các vấn đề lịch sử. Tìm hiểu thêm về em, tôi mới biết em chính là cậu học trò vượt khó vẫn được các thầy cô nhắc đến một cách trìu mến: Trần Văn Trọng Nghĩa, lớp 10C Trường THPT Phan Đình Phùng.

Em đã lớn lên trong những ngày tháng chẳng hề yên bình. Tôi biết trên đời này còn nhiều cuộc đời bất hạnh, mỗi lần nghe là một lần buồn. Nhưng nhìn em, tôi dường như chẳng thể nhận ra những gánh nặng em đã từng gánh trên đôi vai mình. Tôi chợt nghĩ, phía sau mỗi con người là một khoảng trời rộng lớn, khoảng trời phía sau em cất giấu biết bao những nỗi lo âu. Năm em chưa đầy hai tuổi, bố mẹ em xuất ngoại, để lại em và người anh trai chỉ hơn em có một tuổi ở nhà với ông bà. Nơi mái nhà chẳng đủ đầy những tiếng cười, những hơi ấm, người ông của em một tay nuôi gia đình. Bố mẹ đi biệt xứ không có lấy một mẩu tin, chẳng có lấy một đồng trợ cấp, bỏ mặc trách nhiệm về công dưỡng đối với con, về chữ hiếu đối với cha mẹ già. Vừa phải nuôi con vừa phải nuôi cháu, hai ông bà hẳn đã sống trong những tháng ngày cực nhọc. Hai bờ vai già cỗi vì tháng năm, cả cuộc đời dài đằng đẵng đến ngày hoàng hôn vẫn nhuốm màu ảm đạm.

Tôi nghe nói, rồi bố mẹ em cũng trở về. Nhưng trở về cũng chẳng thể bù lại cho em một gia đình, một mái ấm thực sự. Em lên tám tuổi, bố trở về và ông có gia đình mới. Người đàn ông ấy có một gia đình ấm êm hơn, rời bỏ hai đứa con còn chưa hiểu chuyện, rời bỏ trách nhiệm của người làm cha. Năm em mười tuổi, mẹ về. Em có được mái nhà đầu tiên của ba người. Ba mẹ con sống với nhau ở một ngôi nhà, dù chỉ là tạm bợ. Nhưng vốn “tạm bợ”, rồi mẹ em lại phải rời đi. Lại xa xứ, lại tha hương, dù không muốn nhưng bà đã phải bỏ hai đứa trẻ còn nhỏ dại lại ngôi nhà còn chưa kịp thấm hơi ấm người mẹ. Hai đứa trẻ sống cùng nhau, đi cùng nhau qua những tháng ngày mưa bão. Ông bà ngày càng già yếu, gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn. Người anh trai của em quyết định từ bỏ ước mơ, rời bỏ con đường đại học, chỉ tốt nghiệp để nuôi em. Cậu học trò của tôi đã lớn lên trong tình yêu thương, đã lớn lên trong những hi sinh của cuộc đời người khác. Có lẽ vì vậy, em rất biết trân trọng những người xung quanh, rất trân trọng những gì mình nhận được. Người ta thường nói: “Thử thách không phải hòn đá cản bước chân bạn mà chỉ là bậc thang nâng bước bạn cao lên”. Có lẽ đúng vậy. Cậu học trò của tôi, tôi tin em ấy đã lớn lên thật sự với một trái tim đầy nghị lực.

Bước chân vào cánh cổng Trường Phan Đình Phùng, vào tập thể K71C, chưa bao giờ em ngừng nỗ lực, cố gắng. Em kể với tôi em thích những câu chuyện xưa cũ, thích những sự kiện của ngàn xưa nên mới chọn học Lịch sử. Lớp 10, em không phụ sự kì vọng mang về giải Ba, lớp 11 em một lần nữa vinh quang nhận giải Ba, và cuối cấp em đạt giải Nhì. Không dừng lại đó, cậu học trò này còn khiến thầy cô phải thán phục khi em là nhân vật chính để thực hiện các chuyên đề lịch sử. Trong bối cảnh các bạn của mình dường như thờ ơ, hời hợt với lịch sử nước nhà cùng với các thầy cô giáo em đã giúp các bạn của mình có cái nhìn mới mẻ, quay trở lại với lịch sử dân tộc bằng việc xây dựng kịch bản, tham gia diễn xuất các chuyên đề lịch sử. Những vở kịch như: “Mười đóa hoa bất tử”, “Bão táp cửa Kì Hoa” hay vở “Trưng Trắc – Trưng Nhị”… đã được các bạn trường Phan hưởng ứng tích cực, tình yêu đối với lịch sử thực sự đã được lan tỏa trong phạm vi trường học.

Em từng nói với tôi, điều đáng quý nhất là nhận được thương yêu của người khác. Trong suốt những tháng ngày trưởng thành, em đã nhận được rất nhiều yêu thương, tôi nghĩ, đó có lẽ là điều quan trọng nhất giúp em vượt lên trên tất cả những giông bão của cuộc đời. Gia đình em tuy không trọn vẹn những vòng tay, nhưng ông bà đã thay vai trò của người bố, người mẹ cho em những ấm áp. Trường học là nơi chắp cánh cho ước mơ của em bay xa. Cô giáo chủ nhiệm đã thay mẹ dịu dàng dạy dỗ trong những lần dại dột, nâng em dậy những khi em vấp ngã. Bên cạnh em lúc nào cũng có bờ vai của bạn bè, những người bạn sẵn sàng giúp đỡ, động viên em những lúc khó khăn. Không chỉ biết nhận lại mà em còn biết cho đi. Nhà nghèo, không có áo ấm mặc vậy mà khi nhận được tiền thưởng học sinh giỏi em đã dùng số tiền đó để mua áo, mua sách vở tặng cho bạn còn nghèo hơn mình. Ngoài ra, em còn là một người rất giỏi võ nên chiều chiều em thường đến trường dạy cho các em nhỏ, những người bạn của mình học võ thuật… Nhìn em nỗ lực từng ngày đến được hôm nay, dù chỉ đi cùng một đoạn đường, tôi vẫn muốn cảm thán.

Em khiến tôi quý mến vì rất nhiều điều, nhưng đặc biệt là nghị lực. Em có ước mơ và luôn nỗ lực với ước mơ ấy. Tôi từng thấy nhiều đứa trẻ sống không có ước mơ cũng chẳng có đam mê, nhưng may mắn thay em được hưởng một tư tưởng tốt đẹp. Cậu học trò kể với tôi em muốn thi vào trường Quân đội, Công an. Em yêu thích công việc đáng tự hào này, muốn thực hiện nghĩa vụ của một công dân đối với Tổ quốc. Ước mơ của cậu học trò tên Nghĩa chắc hẳn đã được nâng niu bởi nhiều người. Em đang từng ngày nỗ lực để đạt được ước mơ. Hi vọng một ngày nào đó chúng ta sẽ được nhìn thấy em khoác trên mình bộ quân phục đáng tự hào.

Thế kỉ 21 mở ra với một kỉ nguyên mới của công nghệ thông tin, và đất nước đang trên đà thay da đổi thịt. Những lời dạy quý báu và tấm gương của Bác Hồ mãi mãi chói lọi trong lịch sử dân tộc. Ngoài kia còn có biết bao nhiêu thanh niên trẻ đang ngày đêm miệt mài lao động và học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cậu học trò tên Nghĩa của Trường THPT Phan Đình Phùng cũng chỉ là một trong số những thanh niên kia. Vượt lên trên hoàn cảnh, vượt lên trên những khó khăn của cuộc đời, em đã chứng tỏ được bản thân. Tôi tin rằng sau này dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa cậu học trò của mình vẫn luôn giữ vững những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam kiên định, cần cù chịu khó, hòa đồng và yêu nước. Thiết nghĩ, trong số những người đã từng gặp qua cậu học trò này đều sẽ có chung những suy nghĩ như tôi, đều yêu quý một cậu bạn có nụ cười dễ mến, có lời chào đầy tôn trọng và chân thành, và có một nghị lực làm người ta suy ngẫm. Em có thể không phải người xuất sắc nhất, nhưng là người khiến tôi cảm phục nhất. Ngày nào đó có gặp lại em, chắc vẫn sẽ như ngày đầu, nhìn thấy trong em lòng kiên định và quyết tâm dường như không cản phá được.

Hà Tĩnh, ngày 19 tháng 1 năm 2018
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top